Tư tưởng Macxit và Xã hội học Macxit luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Vì vậy trong đề tài "Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số đô thị Thành phố Hà Nội" chúng tôi đã vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử làm nền tảng.
Quan điểm lý luận này đòi hỏi khi nghiên cứu các sự kiện, quá trình xã hội phải đặt trong mối quan hệ với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội cụ thể, trong một phạm vi không gian nhất định, trong trạng thái vận động và phát triển.
Marx đã vận dụng và phát triển phép biện chứng của Hegel trong nghiên cứu hiện thực xã hội và con người. Phép biện chứng đòi hỏi phải xem xét sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ và tác động qua lại trong sự vận động và phát triển không ngừng của xã hội.
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, tất cả các hiện tượng nảy sinh trong xã hội đều có quá trình phát sinh, phát triển nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng không tồn tại bất biến mà luôn vận động theo quy luật tất yếu của nó. Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể của xã hội sẽ có các yếu tố khác nhau tác động đến hiện tượng đó. Do vậy, các vấn đề xã hội khi nghiên cứu cần được đặt trong một quá trình, một giai đoạn lịch sử nhất định. Luận điểm cơ bản được sử dụng trong đề tài "Các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng đến chất lượng dân số đô thị Thành phố Hà Nội" là quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường làm cho xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi.
Chúng tôi cũng tiếp cận đề tài nghiên cứu theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Quan điểm biện chứng nhìn nhận các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ khăng khít, không tách rời nhau. Theo quan điểm này, mọi sự vật, hiện tượng không tồn tại độc lập mà luôn tương tác, ảnh hưởng tới các sự vật, hiện tượng khác. Vì vậy, khi nghiên cứu 11 yếu tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng chất lượng dân số đô thị Thành phố Hà Nội chúng tôi không đặt nó tách rời nhau mà đặt chúng trong sự tương tác ảnh hưởng lẫn nhau và ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Bởi vậy, để tránh cho nghiên cứu rơi vào tình trạng chủ quan, phiến diện, chúng tôi đã tiếp cận vấn đề nghiên cứu một cách có hệ thống, nhìn nhận vấn đề là một hệ thống, đặt vấn đề trong mối quan hệ với các sự vật khác.