Giọng điệu là một yếu tố quan trọng trong tác phẩm văn học, góp phần tạo nên diện mạo riêng biệt trong sáng tác của nhà văn. Nếu như trong đời sống xã hội giọng điệu chính là lời nói, giọng nói của mỗi người biểu thị thái độ của cá nhân mình trước hiện thực cuộc sống, trước con người và cảnh vật mà mình đối thoại, quan sát thì trong văn học, giọng điệu chính là sự bộc lé “thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [27,134].
Giọng điệu tuỳ thuộc vào thái độ, tình cảm, thị hiếu thẩm mĩ... của mỗi người. Mỗi nhà văn có một giọng điệu riêng. Giọng điệu thể hiện rất rõ cá tính của mỗi nhà văn và do đó có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn. Turghenev đã coi giọng điệu là một tiêu chuẩn để xác định tài năng của người nghệ sĩ: “Cái quan trọng trong tài năng văn học (...) là cái giọng nói riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào khác” [34,90]. Giọng điệu có thể được thể hiện qua các sắc thái khác nhau. Trong một tác phẩm có thể tồn tại những giọng điệu, những sắc điệu khác nhau song bao giê tác phẩm cũng có một giọng điệu chủ đạo nào đó. Trong tác phẩm văn xuôi, giọng điệu chủ yếu được thể hiện qua lời người kể chuyện và lời của nhân vật. Quan điểm trần thuật sẽ chi phối đến giọng điệu của người trần thuật.