Hà Nội- Thủ đô nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là “Trung tâm đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá khoa học, giáo dục kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước” [6]. Hà Nội là thành phố cổ đã được hình thành và phát triển gần 1000 năm, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với 5 tỉnh: Bắc Ninh,Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tây và Hưng Yên. Thành phố Hà Nội có tổng diện tích 920,97 km2, chiếm 0,28% diện tích tự nhiên cả nước.
Tính đến 31/12/2002, dân số Hà Nội là 2.931.400 người, chiếm 3,67% dân số cả nước. Trong đó dân số đô thị 1.721.400 người chiếm 58,7%, nông thôn 1.210.000 người, chiếm 41,3%. Tỷ suất sinh năm 2002 của Hà Nội là 1,465% giảm 0,41% so với năm 1995 [4]. Tuy nhiên do tác động của quá trình đô thị hoá, hiện nay tốc độ tăng dân số cơ học của Hà Nội khá cao đã tạo một sức ép lớn về mọi mặt cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội thủ đô.
Số lượng lao động ở Hà Nội cũng tăng nhanh qua các năm. Năm 2002 toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 62.500 người tăng 4,1% so với năm 2001. Tuy nhiên theo kết quả điều tra lao động việc làm trên phạm vi thành phố, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của Hà Nội năm 2002 là 7,08%, cao nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng nguồn lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội làm việc cũng đã gây áp lực lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm của trong giai đoạn hiện nay.
Cơ cấu phân bố lực lượng lao động trong các thành phần kinh tế có sự thay đổi cơ bản kể từ khi thực hiện đổi mới kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng lao
động trong khu vực kinh tế quốc doanh, tỷ trọng lao động khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng nhanh, đặc biệt từ khi thực hiện chỉ thi 20/1998/CT-TTg ngày 21/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, sắp xếp và đổi mới DNNN đã góp phần thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực quốc doanh sang khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
♦ Về thuận lợi:
- Hà Nội có chính sách kinh tế đối ngoại mở cửa linh hoạt, an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo cho việc phát triển ổn định lâu dài, bền vững để các DN yên tâm đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Là thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế cả nước, Hà Nội nhận được sự quan tâm đầu tư và được sự chỉ đạo về mọi mặt của Trung ương trong quá trình xây dựng và phát triển của thủ đô. Nhờ đó, các DNNQD trên địa bàn tận dụng được lợi thế về vị trí của thủ đô trong việc tiếp cận nhanh chóng các thông tin trong và ngoài nước, có được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chuyên trách cũng như từ các tổ chức hiệp hội hỗ trợ phát triển DNNQD. Bên cạnh đó, các DNNQD trên địa bàn có điều kiện tuyển dụng được những nhà quản lý, đội ngũ lao động có kinh nghiệm và được đào tạo có chất lượng.
- Hà nội với vị trí là trung tâm thông tin và giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội trong nước và quốc tế cũng đã tạo cơ hội cho các DN có điều kiện tiếp xúc và nắm bắt kịp thời những thông tin và động thái mới của thị trường trong nước và quốc tế cũng như có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ và tinh hoa văn hoá thế giới, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá.
- Các DNNQD ở Hà Nội có ưu thế so với các doanh nghiệp khác ở phía Bắc trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, dễ dàng hơn trong việc tổ chức
tiêu thụ những sản phẩm hàng hoá trên địa bàn có mật độ dân cư tập trung cao và mở rộng thị trường tiêu thụ ra các địa phương khác, cũng như có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu đầu vào, các dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng…
♦ Về khó khăn:
- Các DNNQD trên địa bàn luôn luôn phải đứng trước những áp lực về cạnh tranh gay gắt trên thị trường để tồn tại, không chỉ giữa các DN thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mà cả với các DNNN hiện vẫn đang còn tồn tại tình trạng độc quyền dưới hình thức độc quyền của một công ty hay độc quyền nhóm và đặc biệt là vói các DN có vốn ĐTNN có trình độ khoa học công nghệ cao, sản xuất những sản phẩm có uy tín trên thị trường thế giới .
- Thủ đô cũng là địa bàn rất nhạy cảm, do đó các DNNQD cũng gặp phải những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh khi có những biến động về thị trường.
Tóm lại, với vị thế là thủ đô, Hà Nội vừa có những tiềm năng, lợi thế so sánh; vừa có những thách thức không thuận lợi trong quá trình phát triển của thủ đô nói chung và qua đó cũng có những tác động nhất định đối với việc phát triển các DNNQD nói riêng