Các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/STI ở PNBD tại Việt Nam

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ y học tình trạng nhiễm hiv, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở phụ nữ bán dâm tại 4 quận hà nội và hiệu quả một số biện pháp can thiệp (Trang 37)

Chính phủ Việt Nam đã đề ra chiến lược phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Chiến lược nêu rõ trong giai đoạn hiện nay, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang là giai đoạn dịch tập trung trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao như TCMT và PNBD. Vì vậy ngăn chặn lây nhiễm HIV từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng và cơ bản sẽ khống chế được tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đối với nhóm người có nguy cơ cao như TCMT và PNBD thì các hoạt động cần thiết bao gồm thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, chương trình 100% BCS, chương trình BKT, đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, thành lập các điểm khám cố định và nhóm khám lưu động để điều trị các STI cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao [45]. Bộ Y tế cũng đã xây dựng chương trình hành động phòng chống STI, trong đó PNBD là một trong các đối tượng của can thiệp. Các giải pháp kỹ thuật cần thiết gồm đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, cung cấp và hướng dẫn sử dụng BCS, phát hiện và điều trị sớm các STI, tổ chức các đợt khám chữa bệnh tại các cơ sở

vui chơi giải trí, khám và xét nghiệm định kỳ HIV/STI 6 tháng 1 lần cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao [14].

Việt Nam cũng đã có nhiều biện pháp can thiệp dự phòng HIV/STI cho nhóm người có nguy cơ cao trong đó có nhóm PNBD, bao gồm chương trình truyền thông thay đổi hành vi, chương trình tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, chương trình BKT và chương trình BCS.

Chương trình truyền thông thay đổi hành vi

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, các hoạt động truyền thông được tổ chức rộng rãi trên toàn quốc bởi nhiều ban ngành, tổ chức dưới nhiều hình thức và nhiều kênh truyền thông như ti vi, báo, đài, tờ rơi, pa nô, áp phích. Bên cạnh đó, các hoạt động đào tạo, giáo dục đồng đẳng, tư vấn cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao được chú trọng. Năm 2006, chỉ có 35,4% PNBD và 37,6% nam nghiện chích ma túy, 54,9% nam giới quan hệ đồng tính biết chính xác được các cách phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục và các quan niệm sai lầm về cách lây truyền HIV. Năm 2009, tỷ lệ nay tăng lên: ở nhóm PNBD là 51,5%, nam giới nghiện chích là 49,2% và tình dục đồng giới nam là 60,3% [46].

Chương trình bao cao su

Chương trình 100% BCS ở Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện tại Thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh năm 2000 [121]. Cho đến năm 2009, chương trình BCS đã được thực hiện trên 2110 xã của 363 huyện trên 57 tỉnh thành phố. Năm 2009, đã có 24,8 triệu BCS được phân phát miễn phí cho nhóm nguy cơ cao. Hệ thống cộng tác viên bao gồm các chủ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí, các PNBD hoàn lương đã phân phối 65% số BCS được phân phát [16].

Chương trình BCS cố gắng để BCS luôn có sẵn trong khách sạn, nhà nghỉ và các cơ sở dịch vụ giải trí. Nhiều tỉnh đã có sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát và y tế trong việc thực hiện chương trình như An Giang, Cần

Thơ, Thanh Hóa. Năm 2006, chỉ có 30% PNBD được nhận BCS từ chương trình, tỷ lệ này tăng lên 47,3% năm 2009. Tỷ lệ sử dụng BCS của PNBD với khách hàng gần đây nhất khá cao: 95% năm 2008 và 77,7% năm 2009 [46].

Chương trình bơm kim tiêm (BKT)

Mục tiêu của chương trình BKT là làm giảm nguy cơ lây truyền HIV qua đường máu do sử dụng chung BKT khi TCMT. Các hoạt động chủ yếu của chương trình này là phát BKT sạch hoặc trao đổi BKT. Việc thu gom và phân phát BKT chủ yếu do hệ thống tư vấn viên đồng đẳng thực hiện.

Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm, với sự hỗ trợ ở một loạt các cấp hành chính và sử dụng các cơ cấu dịch vụ y tế và tuyển dụng các tuyên truyền viên đồng đẳng, chương trình trao đổi bơm kim tiêm được mở rộng. Phân phát BKT miễn phí được duy trì ở mức khoảng 30 triệu chiếc vào năm 2011, và mở rộng tiếp cận thông qua hiệu thuốc cộng đồng và hộp tự phục vụ tại các trạm y tế xã và các điểm nóng trong cộng đồng [43].

Chương trình giáo dục đồng đẳng -tiếp cận cộng đồng

Chương trình giáo dục đồng đẳng là việc tổ chức một nhóm người có thể là PNBD, người SDMT để giáo dục cho các đối tượng cùng cảnh ngộ về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV/STI [23].

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cho đến 31/3/2012, chương trình giáo dục đồng đẳng bao gồm 5.276 đồng đẳng viên [18]. Hệ thống giáo dục viên đồng đẳng đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động can thiệp cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khó tiếp cận. Số BKT mà các giáo giục viên đồng đẳng phát ra chiếm 83,4% tổng số BKT được phát và hoạt động thu gom BKT cũng chủ yếu thực hiện qua mạng lưới đồng đẳng viên (chiếm 93% số thu gom). Nhóm giáo dục viên đồng đẳng cũng tham gia tích cực chương trình BCS. Số

BCS họ phát cho nhóm đối tượng nguy cơ cao chiếm 78% tổng số bao cao su phát ra [18].

Các nghiên cứu can thiệp gồm các hoạt động tư vấn thay đổi hành vi,

cung cấp dịch vụ STI và cung cấp BCS

Một nghiên cứu đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp trên nhóm PNBD tại An Giang và Kiên Giang được thực hiện năm 2000-2002. Nội dung can thiệp gồm giáo dục đồng đẳng, truyền thông về HIV/STI và tăng cường quản lý STI cho nhóm PNBD. Sau 2 năm can thiệp, tỷ lệ hiểu biết của PNBD ở Kiên Giang có cải thiện ở một số bệnh như giang mai, nhưng không thay đổi đối với bệnh lậu, loét sinh dục. Tỷ lệ PNBD biết vai trò BCS trong phòng ngừa STI khá cao (90,8% vòng 1 và 91,3% vòng 2). Ở An Giang, hiểu biết về STI ở cả 2 vòng không có sự khác biệt, nhưng tỷ lệ hiểu về vai trò dự phòng của BCS tăng lên. Tỷ lệ sử dụng BCS liên tục với bạn tình thường xuyên không được cải thiện nhưng tỷ lệ sử dụng BCS với khách hàng tăng từ 28,1% lên 38,1% (p< 0,01). Hiểu biết của PNBD về các cách dự phòng HIV được cải thiện rõ ràng: dùng BCS (91,9% so với 95,6%, p< 0,01), giảm số khách làng chơi (25,1% so với 48,4%, p<0,01), làm xét nghiệm HIV (từ 50,8% lên 63,8%, p< 0,01) [33].

Một nghiên cứu khác ở Việt Nam đã được thực hiện tại 5 tỉnh biên giới là Lai Châu, Quảng Trị, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm STI và HIV cho PNBD. Các hoạt động can thiệp bao gồm truyền thông thay đổi hành vi, khuyến khích hành vi tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc STI; khuyến khích sử dụng BCS; chăm sóc và quản lý STI hiệu quả bằng việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, lập các đội khám chữa bệnh lưu động cho PNBD. Sau 2 năm can thiệp, tỷ lệ nhiễm lậu và/hoặc Chlamydia giảm từ 19,9% xuống 11,3%, lậu giảm từ 10,7 % xuống 2,9%. Tỷ lệ nhiễm HIV không thay đổi một cách có ý nghĩa. Tỷ lệ nhiễm giang mai tăng từ 10,7% tới 12,9% [91].

Năm 2007-2009, một nghiên cứu can thiệp nhằm đánh giá hiệu quả của các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trên PNBD được thực hiện tại tỉnh Vĩnh Long. Các biện pháp can thiệp bao gồm thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, phát BKT sạch và BCS, khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/ lần cho PNBD, tổ chức các điểm khám cố định và các đội khám lưu động để khám và điều trị STI cho PNBD. Sau 2 năm can thiệp, hiểu biết về các yếu tố giúp phòng nhiễm HIV tăng đáng kể. Tỷ lệ tự đánh giá có nguy cơ nhiễm HIV tăng từ 48,3% lên 60,3%, tỷ lệ cho rằng chung thủy với 1 bạn tình là một cách tránh lây nhiễm HIV cũng tăng lên đáng kể từ 22,5% lên tới 96%, không sử dụng chung BKT tăng từ 55,5% tới 98,5% (p<0,001). Việc sử dụng BCS cho tất cả các lần QHTD với khách lạ và khách quen trong 1 tháng trước khi phỏng vấn tăng đáng kể (đối với khách lạ tăng từ 56,8% lên 78,2%, đối với khách quen tăng từ 52,5% lên tới 64,5% ), với chồng/ bạn trai cũng tăng từ 17,3% lên 28,8%. Tỷ lệ PNBD tự nguyện đi xét nghiệm HIV trong lần xét nghiệm gần nhất tăng từ 77,5% lên 90,6%. Tỷ lệ người nhận biết được các triệu chứng của STI cũng tăng lên. Khi nhiễm STI, PNBD đã có những thái độ tích cực hơn trong việc đi khám và điều trị. Tỷ lệ người sẽ đi khám tại các phòng khám nhà nước tăng từ 53,1% lên 82,5%, dừng QHTD khi mắc STI tăng từ 49% lên 67,5% và sử dụng BCS trong khi bị bệnh từ 40% lên 76% (p< 0,05). Sau thời gian can thiệp, tỷ lệ nhiễm HIV không giảm (trước can thiệp tỷ lệ nhiễm HIV là 3,5%, sau can thiệp là 6,3%, p> 0,05) [23].

Năm 2007-2008, một can thiệp cho nhóm PNBD ở Hà Tây đã được tiến hành, gồm cung cấp BCS, tăng cường năng lực và cung cấp các dịch vụ khám và điều trị miễn phí STI tại các phòng khám cố định, tổ chức đội khám lưu động cho PNBD ở các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí và tụ điểm bán dâm. Sau can thiệp, tỷ lệ sử dụng BCS thường xuyên của nhóm BDĐP đối với khách lạ và khách quen không thay đổi, nhưng tăng lên đối với bạn tình thường xuyên,

từ 54,6% lên 100 %. Đối với nhóm BDNH, tỷ lệ sử dụng BCS thường xuyên tăng lên khi QHTD với khách lạ (từ 68,2% lên 76,8%) và bạn tình thường xuyên (từ 82,4% lên 92,8%), nhưng không tăng đối với khách quen (60,8% và 64,9%, p=0,22). Tỷ lệ người kể được triệu chứng của STI không tăng sau can thiệp (p >0,05). Tỷ lệ BDĐP dùng BCS trong khi mắc bệnh tăng lên từ 8,3% tới 65,2%, p=0,001, nhưng không thay đổi so với BDNH (45,3% và 45,1%, p=0,97). Sau can thiệp, tỷ lệ PNBD mắc các hội chứng STI như chảy mủ sinh dục, đau bụng dưới, loét sinh dục giảm một cách có ý nghĩa [22].

Một nghiên cứu khác đánh giá hiệu quả can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV và STI cho nhóm PNBD tại An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đã được tiến hành từ 2002-2005. Hoạt động can thiệp gồm thông tin giáo dục truyền thông qua hệ thống truyền thanh, cung cấp BCS miễn phí, khám chữa bệnh STI tại chỗ và lưu động miễn phí. Sau can thiệp, những hiểu biết cơ bản về HIV đã được cải thiện rõ ràng. Tỷ lệ sử dụng BCS thường xuyên trong 1 tháng qua trong nhóm BDĐP tăng từ 15,5% lên 51,4%, nhưng trong nhóm BDNH lại giảm từ 36,7% xuống 29,3%, nhưng sự giảm không có ý nghĩa thống kê (p=0,07). Can thiệp không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV, giang mai và Chlamydia (p> 0,05), nhưng làm giảm tỷ lệ nhiễm lậu (từ 7,4% xuống 2,8%, p< 0,01) [20].

1.6. Một số đặc điểm về thành phố Hà nội

Hà nội là thủ đô của Việt Nam, gồm có 29 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 1 thị xã, 10 quận và 18 huyện, là tỉnh thành có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhất Việt Nam. Toàn thành phố có diện tích 3.345 km 2 , với dân số năm 2009 là 6.474.200 người, mật độ trung bình là 1.935 người/km2 [47]. Hà nội là một thành phố có tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm PNBD rất cao so với tỷ lệ nhiễm HIV cuả PNBD chung toàn quốc. Theo số liệu của GSTĐ HIV, tỷ lệ nhiễm HIV ở PNBD giao động khoảng 3-5% từ 2003-2011 [9],

nhưng tỷ lệ nhiễm HIV của PNBD Hà nội duy trì ở 13-16% trong những năm 2003 - 2005 [19].

Bảng 1.1. Một số thông tin về các quận Hà nội

Tên quận Đơn vị trực thuộc Diện tích (km²) Số lũy tích HIV ở thời điểm cuối năm

2002 2003 2004 2005

Ba Đình 14 phường 9,22 521 674 865 1020 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Hoàn Kiếm 18 phường 5,29 298 426 544 639

Tây Hồ 8 phường 24 277 330 412 469

Long Biên 14 phường 60,38 388 515 691 849

Cầu Giấy 8 phường 12,04 201 263 325 373

Đống Đa 21 phường 9,96 598 807 1075 1284

Hai Bà Trưng 20 phường 9,6 440 625 836 1049

Hoàng Mai 14 phường 41,04 152 242 337 433

Thanh Xuân 11 phường 9,11 171 246 348 433

Hà Đông 17 phường 47,91 78 87 104 122

Cộng các Quận 145 phường 233,55 3124 4215 5537 6671 ( Nguồn: Internet và Cục Phòng chống HIV/AIDS) [47]

Bảng 1.1 cho thấy, tại thời điểm cuối năm từ 2002-2005, các quận Hai Bà Trưng và quận Đống đa thuộc nhóm quận có số HIV lũy tích lớn nhất và quận Thanh Xuân và Cầu giấy là 2 quận có số HIV lũy tích thấp nhất (không kể quận Hà đông vì quận này mới được nhập về Hà nội từ 2008)

Tại Hà nội, tình hình hoạt động mua bán dâm rất phức tạp. Các quán karaoke là nơi trực tiếp diễn ra hoạt động mua bán dâm hoặc là nơi diễn ra các hoạt động môi giới bán dâm. Hoạt động bán dâm dưới hình thức gái gọi không có dấu hiệu giảm. PNBD sau một thời gian làm việc tại nhà hàng, khách sạn có khách quen và tụ họp lại với nhau và cùng đi bán dâm cho khách (tự liên lạc, mặc cả, hẹn địa điểm), hoặc tự cho các chủ chứa chủ môi giới, lễ tân khách sạn số điện thoại để khi khách có nhu cầu mua dâm sẽ liên lạc. Ngoài ra PNBD chạy sô cũng khá phổ biến. Chủ môi giới thường thuê một địa điểm để tập hợp 10-15 phụ nữ bán dâm, sau đó in danh thiếp để đưa đến các tụ điểm vui chơi giải trí như quán karaoke, nhà hàng, khách sạn…Khi khách có nhu cầu thì chủ nhà hàng gọi điện thoại để đưa họ đến. PNBD và khách tự thỏa thuận và trả một phần phí cho người môi giới. Hình thức bán dâm cho người nước ngoài diễn ra rất kín đáo. Mọi công đoạn bao gồm thỏa thuận giá cả, trả tiền, địa điểm đều thông qua một má mì điều hành. PNBD đều được mang số để dễ gọi. Nơi diễn ra hoạt động mua bán dâm là thường là các khách sạn lớn nên khó khăn cho công tác kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm sự di biến động của dân ở nông thôn lên thành thị làm nhiều thanh niên làm việc xa nhà, nhiều nữ thanh niên không kiếm được việc làm phát sinh nhiều tệ nạn. Thêm vào đó, hoạt động mua bán dâm mang lại lợi nhuận cao nên được nhiều chủ các cơ sở dịch vụ giải trí tận dụng triệt để, việc kiểm tra kiểm soát của các cấp các ngành còn lỏng lẻo, nhiều khách du lịch vào Việt nam có nhu cầu về mua bán dâm [32].

Các tài liệu tham khảo cho thấy PNBD có tỷ lệ nhiễm HIV/ STI cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV/STI ở PNBD khác nhau ở từng khu vực, từng quốc gia và từng thời điểm. Các hành vi làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/STI bao gồm: tuổi trẻ, có quan hệ tình dục sớm, trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết về bệnh, ít

hoặc không sử dụng bao cao su thường xuyên, nhiều khách hàng, SDMT và không chủ động tìm kiếm dịch vụ y tế thường xuyên. Các giải pháp can thiệp có hiệu quả trong công tác phòng chống lây nhiễm HIV/STI ở PNBD bao gồm: chương trình 100% BCS, can thiệp thay đổi hành vi, tăng cường chất lượng dịch vụ STI. Các can thiệp dự phòng HIV/STI cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể từng vùng, từng địa phương.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1.Đối tượng

Đối tượng tham gia nghiên cứu là các phụ nữ bán dâm (PNBD) tại cộng đồng Hà Nội. PNBD là những phụ nữ QHTD qua đường âm đạo hoặc hậu môn với bất kỳ người đàn ông nào nhằm mục đích đổi lấy tiền hoặc vật chất ít nhất một lần trong vòng 1 tháng trước cuộc điều tra.

Trong nghiên cứu này, PNBD được chia làm 2 nhóm: bán dâm đường phố (BDĐP) và bán dâm nhà hàng (BDNH).

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ y học tình trạng nhiễm hiv, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở phụ nữ bán dâm tại 4 quận hà nội và hiệu quả một số biện pháp can thiệp (Trang 37)