Hiệu quả can thiệp lên tỷ lệ nhiễm HIV

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ y học tình trạng nhiễm hiv, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở phụ nữ bán dâm tại 4 quận hà nội và hiệu quả một số biện pháp can thiệp (Trang 128)

Can thiệp của chúng tôi không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV của PNBD ở Hà Nội (b iểu đồ 3.13). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm PNBD cũng không giảm sau một số can thiệp. Wariki cùng cộng sự (2012) cũng đã nghiên cứu hiệu quả của can thiệp hành vi và chương trình BCS được tiến hành ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Thống kê của Wariki đã chỉ ra rằng, các can thiệp hành vi kết hợp với việc khuyến khích sử dụng BCS không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV [120]. Một nghiên cứu khác ở Việt Nam đã được thực hiện tại 5 tỉnh biên giới là Lai Châu, Quảng Trị, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang nhằm làm giảm các STI và HIV cho PNBD. Các hoạt động can thiệp bao gồm truyền thông thay đổi hành vi và khuyến khích hành vi tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc STI; khuyến khích sử dụng BCS bằng tiếp thị xã hội và có áp dụng mẫu hình của chương trình 100% BCS ở những nơi phù hợp. Tuy nhiên, sau can thiệp, chỉ có tỷ lệ nhiễm STI giảm còn tỷ lệ nhiễm HIV không giảm [91]. Can thiệp ở Vĩnh Long bao gồm thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại như phát BKT sạch và BCS, khám sức khỏe định kỳ 3 tháng/ lần cho PNBD, tổ chức các điểm khám cố định và các đội khám lưu động để khám và điều trị STI cho PNBD. Sau thời gian can thiệp, tỷ lệ nhiễm HIV không giảm (trước can thiệp tỷ lệ nhiễm HIV là 3,5%, sau can thiệp là 6,3%, p> 0,05) [23]. Một can thiệp hành vi khác của Hoàng Đức Hạnh (2010) bao gồm truyền thông tư vấn thay đổi hành vi, cung cấp BCS giá rẻ/ miễn phí, quản lý STI cũng không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV (trước can thiệp là 0,54% và sau can thiệp là 1,12%) [22]. Nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Cường (2008) tại 3 tỉnh An Giang, Kiên

Giang và Đồng Tháp cũng cho thấy can thiệp cũng không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV [20].

Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy sau các can thiệp gồm truyền thông, khuyến khích sử dụng BCS, quản lý STI, tỷ lệ nhiễm HIV có giảm như tại Campuchia [80], Benin [49], Zaire [79], Ấn Độ [52], [96], Trung Quốc [81].

Như vậy, các can thiệp bao gồm truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp BCS, BKT, quản lý STI trong nhóm PNBD nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho các kết quả khác nhau. Có can thiệp làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV và có can thiệp không làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV. Điều đó có thể do nhiều nguyên nhân. Sự di biến động của PNBD cũng làm ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả can thiêp. Mặt khác, nhiễm HIV là tình trạng nhiễm trùng suốt đời và thời gian sống của người nhiễm khá dài (thường trên 5 năm), mặc dù can thiệp thì tỷ lệ mới nhiễm có thể giảm nhưng tỷ lệ mắc vẫn có thể gia tăng do tích lũy số trường hợp nhiễm HIV [24]. Do đó, sau can thiệp, tỷ lệ nhiễm HIV có thể giảm, không giảm hoặc thậm chí có thể tăng. Can thiệp có thể làm giảm tỷ lệ mới nhiễm HIV, nhưng hầu như các nghiên cứu đều được đánh giá qua tỷ lệ hiện mắc nên chưa đánh giá đầy đủ hiệu quả của mô hình lên tỷ lệ mới nhiễm HIV.

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ y học tình trạng nhiễm hiv, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở phụ nữ bán dâm tại 4 quận hà nội và hiệu quả một số biện pháp can thiệp (Trang 128)