Các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/STI ở PNBD trên thế giới

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ y học tình trạng nhiễm hiv, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở phụ nữ bán dâm tại 4 quận hà nội và hiệu quả một số biện pháp can thiệp (Trang 33)

Các giải pháp nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm STI ở PNBD tập trung vào 3 lĩnh vực: tăng cường sử dụng BCS trong hoạt động mua bán dâm, cải thiện việc chẩn đoán và điều trị các STI và giảm nhu cầu về hoạt động mua bán dâm thông qua các thông điệp nhắm tới khách làng chơi [98].

Chương trình 100% BCS đã được chứng tỏ là một chương trình can thiệp hiệu quả trong phòng chống HIV/STI. Mục tiêu đặt ra là BCS được sử dụng trong tất cả các lần QHTD, trong tất cả các mối quan hệ có nguy cơ và trong tất cả các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí có hoạt động mua bán dâm. Nếu tỷ lệ sử dụng BCS trên 90% thì có thể coi đã đạt được mục tiêu. Chương trình này không thể tồn tại độc lập mà cần phải phối hợp với nhiều hoạt động của chương trình phòng chống AIDS như các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, hệ thống giám sát HIV/STI, chương trình quản lý STI [121].

Chương trình 100% BCS được thực hiện đầu tiên ở Thái Lan năm 1990. Thái Lan cho rằng ngành công nghiệp tình dục đã góp phần rất quan trọng làm dịch HIV lan rộng, và quyết định thực hiện một can thiệp thử nghiệm, đó là chương trình 100% BCS. Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt: tỷ lệ sử dụng BCS tăng và tỷ lệ nhiễm STI của PNBD giảm [121].

Sự thành công của chương trình tại Thái Lan giúp cho Campuchia cũng quyết định thực hiện can thiệp theo mô hình này. Số liệu điều tra năm 1998 của Campuchia cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV rất cao ở nhóm PNBD. Chính phủ Campuchia quyết định thực hiện chương trình 100% BCS ở Sihanoukville năm 1998. Sau 18 tháng can thiệp, tỷ lệ sử dụng BCS trong nhóm khách làng chơi tăng đáng kể và tỷ lệ nhiễm HIV giảm xuống còn 40%. Sau thử nghiệm thành công ở Sihanoukville, chính phủ Campuchia mở rộng chương trình ra toàn quốc. Can thiệp đã làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm HIV/STI cùng với tăng tỷ lệ sử dụng BCS thường xuyên liên tục trong nhóm PNBD và khách làng chơi [121].

Ngoài ra, chương trình 100% BCS cũng đã thành công và đạt được kết quả tốt, làm tăng tỷ lệ sử dụng BCS trong nhóm PNBD và khách làng chơi và làm giảm tỷ lệ nhiễm STI trong nhóm PNBD tại một số nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Phillipines, Mongolia, Lào và Việt Nam.

Các can thiệp thay đổi hành vi, cung cấp dịch vụ STI và cung cấp BCS

Thái Lan đã có nhiều thành công trong việc áp dụng các nguyên tắc phòng chống HIV/STI từ đầu những năm 1990. Thông qua hoạt động truyền thông, tăng cường sử dụng BCS và can thiệp trong quản lý các STI, tỷ lệ sử dụng BCS thường xuyên của PNBD tăng từ 14% tới 80% và tỷ lệ nhiễm STI giảm tới 95% trong vòng 1 thập kỷ. Cùng thời gian đó, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ổn định và cuối cùng có giảm [60]. Những can thiệp tương tự cũng cho các chiều hướng tương tự tại Campuchia, Nairobi, Abidjan và Contonou [49], [80]. Một can thiệp toàn diện bao gồm khuyến khích PNBD sử dụng BCS và đi khám tự nguyện tại phòng khám STI đã được tiến hành tại Zaire. Can thiệp cho thấy tỷ lệ sử dụng BCS tăng lên, tỷ lệ nhiễm STI và tỷ lệ mới nhiễm HIV giảm một cách có ý nghĩa [79].

Trung Quốc là một quốc gia chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của HIV trong 2 thập kỷ qua. Trong những năm đầu của dịch HIV, đường lây truyền chủ yếu là qua tiêm chích là truyền máu, nhưng những năm gần đây, đường lây HIV qua quan hệ tình dục tăng rất nhanh [62]. Nhiều nghiên cứu can thiệp về HIV đã được thực hiện. Can thiệp tại Wuhan bao gồm tăng cường tính sẵn có của bao cao su, tư vấn, giáo dục về STI cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng BCS trong lần quan hệ cuối cùng tăng từ 60% tới 88,5%. Sau chương trình 100% BCS ở Jiangsu từ 2001-2003, tỷ lệ nhiễm STI ở PNBD giảm từ 25% xuống còn 14%, tỷ lệ sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất tăng từ 74,9% tới 92,2%. Ở Guangxi tỷ lệ nhiễm STI giảm từ 44% tới 29% [129].

Năm 2003, Ấn Độ đã tiến hành can thiệp trên nhóm PNBD ở bang Karnataka. Can thiệp này bao gồm các hoạt động như sử dụng đồng đẳng viên để tiếp cận được PNBD, truyền thông thay đổi hành vi, tăng sử dụng BCS, sàng lọc STI thường xuyên, chẩn đoán và điều trị STI theo hội chứng, khám STI định kỳ. Kết quả cho thấy tỷ lệ sử dụng BCS của PNBD với khách quen trong

lần QHTD gần nhất tăng lên rõ rệt (66% so với 84%), nhưng tỷ lệ sử dụng BCS lần QHTD gần nhất với khách lạ không tăng (82,9% so với 88%, p=0,2) và trong quan hệ với người yêu/ chồng vẫn thấp (32% so với 34%). Tỷ lệ nhiễm HIV và một số STI cũng giảm một cách có ý nghĩa: HIV (19,6% so với 16,4%, p=0,04), giang mai (5,9% so với 3,4%, p=0,001), lậu (3,5% so với 2,5%, p=0,03), nhiễm Chlamydia và / hoặc lậu (8,9% so với 7%, p=0,02) [96].

Maryam Shahmanesh đã đánh giá hiệu quả của các can thiệp làm giảm HIV và các STI thông qua tìm hiểu một loạt các nghiên cứu đã được tiến hành ở các nước nghèo. Đánh giá này cho thấy các hoạt động can thiệp về hành vi và bao cao su đã làm tăng tỷ lệ sử dụng BCS và giảm tỷ lệ mới nhiễm HIV và STI [82]. Ở Madagascar, can thiệp đã làm giảm tỷ lệ nhiễm STI đồng thời tỷ lệ sử dụng BCS tăng lên [66]. Một số can thiệp điều trị giả định định kỳ cũng đã được Maryam đánh giá. Nghiên cứu ở Nairobi cho thấy điều trị giả định định kỳ làm giảm đáng kể các STI do vi khuẩn [77], nhưng nghiên cứu ở Benin và Ghana không chứng tỏ được hiệu quả của biện pháp can thiệp này [78]. Nghiên cứu ở Nicaragua cấp các phiếu điều trị STI ở các phòng khám có chất lượng kết hợp với điều trị giả định định kỳ cũng cho thấy làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm STI ở PNBD [53]. Một số nghiên cứu về hiệu quả của việc sàng lọc STI thường xuyên, giáo dục đồng đẳng và khuyến khích sử dụng BCS làm giảm tỷ lệ mới nhiễm HIV đã được tiến hành ở Zaire [79] và giảm tỷ lệ nhiễm STI tại Peru [101] và Trung Quốc [81].

Can thiệp tại Kenya cho nhóm PNBD được tiến hành từ 2000 tới 2005 bao gồm truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao kiến thức về HIV/STI, kỹ năng đàm phán và khuyến khích sử dụng, cung cấp BCS thông qua mạng lưới đồng đẳng. Sau can thiệp, tỷ lệ luôn dùng BCS với khách hàng tăng từ 28,8% lên 70,4%. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng BCS thường xuyên với chồng hoặc bạn trai không tăng (20,3% so với 20,1%). Một số kiến thức về HIV cũng được cải

thiện. Tuy nhiên một số hiểu biết về STI lại kém đi. Sau can thiệp, tỷ lệ nhiễm giang mai và lậu không giảm, tỷ lệ người bị loét sinh dục tăng lên từ 11 % lên 19,6%. Như vậy, can thiệp có thể thay đổi hành vi tình dục ở PNBD, nhưng không làm giảm tỷ lệ nhiễm STI [103].

Wariki cùng cộng sự cũng đã nghiên cứu hiệu quả của can thiệp hành vi và chương trình BCS được tiến hành ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Thống kê của Wariki đã chỉ ra rằng các can thiệp hành vi kết hợp với việc khuyến khích sử dụng BCS đã làm giảm tỷ lệ nhiễm STI đáng kể, nhưng các can thiệp hành vi không làm giảm tỷ lệ mới nhiễm HIV [120].

Một phần của tài liệu luận án tiến sĩ y học tình trạng nhiễm hiv, các nhiễm trùng lây qua đường tình dục ở phụ nữ bán dâm tại 4 quận hà nội và hiệu quả một số biện pháp can thiệp (Trang 33)