Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg được đánh giá là dấu hiệu tích cực trong việc huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng, là một bước đột phá trong tư duy. Cụ thể:
- Tạo điều kiện để huy động nguồn vốn tư nhân trong điều kiện ngân sách nhà nước không thể đáp ứng.
- Hơn nữa, so với Nghị định 108/2009/NĐ-CP về BOT, BTO, BT thì Quyết định 71 mở rộng phạm vi áp dụng cho nhiều lĩnh vực hơn, cụ thể: đường bộ, cầu, hầm đường bộ, bến phà; đường sắt, hầm đường sắt; giao thông đô thị; cảng hàng không, cảng biển, và các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ công khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Từ trước đến nay, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, những lĩnh vực đầu tư trên là độc quyền của Nhà nước, dù tư nhân hội đủ điều kiện về kỹ thuật và tài chính cũng không được tham gia. Với quy chế thí điểm cho phép các nhà đầu tư tư nhân trong và nước ngoài tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, vị thế độc quyền được phá vỡ, điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển nền kinh tế quốc dân. Rõ ràng, tình trạng ngân sách nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu nhưng vẫn cố giữ trách nhiệm này, dẫn đến tình trạng yếu kém của kết cấu hạ tầng trở thành một nút thắt quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế là điều khó có thể chấp nhận.
- Một đóng góp nữa của Quyết định 71/2010/QĐ-TTg là tạo sự đột phá trong việc cung cấp hàng hóa công. Với PPP, các dự án có chủ nhân thực sự. Tư nhân chiếm 70% vốn đầu tư, họ toàn quyền quyết định việc quản lý dự án nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí đã và đang xảy ra. Tình trạng ngân sách nhà nước trở thành “chùm khế ngọt” cho những kẻ tham nhũng “trèo hái mỗi ngày” sẽ được ngăn chặn có hiệu quả. Trong thời gian áp dụng thí điểm, quy chế PPP sẽ thường xuyên được đánh giá, bổ sung và sửa đổi để phù hợp hơn. Những dấu hiệu từ thực tế cho thấy, đầu tư theo hình thức PPP sẽ được các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đón nhận.