2.4.1. Đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI
Nhìn chung, khu vực có vốn FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng với tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP của thành phố. Khu vực này góp phần tăng cường năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ của nhiều ngành kinh tế, khai thông thị trường sản phẩm (đặc biệt là trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá), đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm và nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho một bộ phận lao động. Tuy nhiên, các tác động tràn về năng suất của FDI tại thành phố Hải Phòng là chưa nhiều mặc dù dòng vốn FDI vào Hải Phòng giai đoạn 2006-2010 là khá lớn.
FDI đối với vốn đầu tư xã hội và tăng trưởng kinh tế
FDI được coi là một nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư xã hội tại thành phố Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát triển. Giai đoạn 1995-2010, tỷ trọng bình quân của FDI trong tổng đầu tư xã hội tại địa bàn Hải Phòng là 20,81%.
Từ năm 1995 đến 2010, khu vực có vốn FDI chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP của thành phố. Riêng năm 2008, khu vực FDI đóng góp tỷ trọng 15,8% vào GDP thành phố, so với tỷ lệ đóng góp 1,6% của khu vực này năm 1995. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 1995-2010, khu vực có vốn FDI luôn có tốc độ tăng giá trị gia tăng (40,22%) cao hơn tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân của cả thành phố (14,39%).
58
FDI đối với việc nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu
Các dự án có vốn FDI tại thành phố chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp. Do đó, trong những năm qua, Hải Phòng đã cải thiện được nhiều ngành kinh tế quan trọng như: xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng tàu, sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, vận tải...v...v... Năm 2009, khu vực có vốn FDI đóng góp tới 45,66% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 11,7% năm 1995. Nhìn chung, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn FDI luôn duy trì mức cao, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành trong suốt giai đoạn 2006-2010.
Trong 13 năm trở lại đây, trừ năm 2001, 2005 và 2009, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI luôn cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của cả thành phố. Năm 1996, kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố đạt 174 triệu USD, trong khi đó, năm 2010 con số này đã là 1.222,816 triệu USD, tăng gấp 7,02 lần so với năm 1996. Cần lưu ý rằng, mặc dù FDI có tỷ trọng xuất khẩu cao song giá trị xuất khẩu ròng của khu vực có vốn FDI không cao. Sở dĩ như vậy vì các dự án FDI trong công nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng các dây chuyền lắp ráp có quy mô nhỏ và sử dụng nguồn đầu vào từ nhập khẩu là chính.
FDI đối với việc làm và cải thiện nguồn nhân lực
Hiện tại, các dự án có vốn FDI tại Hải Phòng đang sử dụng khoảng 64.500 người lao động, chiếm 6,13% trong tổng lao động có việc làm tại thành phố, so với tỷ trọng này năm 2000 là 1,27%. Bên cạnh đó, FDI xuất hiện chủ yếu trong các ngành tập trung vốn và sử dụng lao động có trình độ cao. Đây cũng chính là lý do mà mức thu nhập của lao động trong khu vực này cao gấp gần hai lần so với thu nhập bình quân chung của thành phố. Hơn nữa, số lao động này được tiếp cận công nghệ hiện đại, phương thức lao động tiên tiến và có thể thay dần các chuyên gia nước ngoài trong việc đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp và điều khiển các quy trình hiện đại.
59
FDI đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước
FDI đóng góp ngày càng tăng vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn thành phố. Năm 2010, khu vực FDI đóng góp khoảng 110,06 triệu USD vào tổng thu ngân sách tại Hải Phòng, tương đương với tỷ trọng 18%, tăng đáng kể so với tỷ trọng này năm 1995 là 3,7%. Tính riêng giai đoạn 1995-2010, khu vực này đóng góp vào ngân sách bình quân khoảng 14,6%.