Hiện nay, các hoạt động FDI thường được thực hiện thông qua hai kênh cơ bản:
Đầu tư mới (Greenfield Investment) và Sáp nhập & Mua lại (Mergers and Acquisitions – M&A)
Đầu tư mới: hay còn gọi là Đầu tư truyền thống: là hình thức các chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư ở nước ngoài thông qua việc xây dựng các doanh nghiệp mới. Ngoài ba hình thức chủ yếu là: doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; doanh nghiệp liên doanh; hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh, còn có những hình thức khác như: công ty cổ phần; công ty holding (công ty mẹ-con); công ty hợp danh; chi nhánh các công ty nước ngoài...Đầu tư mới chính là kênh chủ yếu để các nước phát triển đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển.
Sáp nhập & Mua lại (M&A): là hình thức đầu tư thông qua việc mua lại hoặc sáp nhập các công ty đang hoạt động ở nước ngoài hoặc mua cổ phần của các công ty đó và trực tiếp tham gia tổ chức, điều hành, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi M&A.
Xét dưới khía cạnh hình thức đầu tư, hiện nay FDI được thực hiện dưới các hình thức sau:
Doanh nghiệp liên doanh (JVC)
Doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài (gọi tắt là liên doanh) là hình thức FDI được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay. Đây là loại hình doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại nước chủ nhà, trên cơ sở một hợp đồng liên doanh. Loại hình doanh nghiệp này được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, có tư cách pháp nhân, tự chủ về quản lý tài chính theo pháp luật của nước sở tại, vốn pháp định do các bên tham gia đóng góp,
19
cùng quản lý và điều hành doanh nghiệp, cùng phân chia lợi nhuận và trách nhiệm theo tỷ lệ đóng góp vốn.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FOC)
Đây là loại hình doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, được hình thành bằng toàn bộ vốn nước ngoài và do chủ đầu tư nước ngoài thành lập tại nước chủ nhà, tự quản lý, điều hành và tự chịu toàn bộ trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp này có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước chủ nhà. Tỷ lệ vốn pháp định trên vốn đăng ký do nhà đầu tư nước ngoài đóng góp theo quy định của từng nước (Ví dụ Hoa Kỳ quy định là 10%, một số nước khác là 20% hoặc 25%...), thời hạn của dự án cũng tuân theo quy định của từng nước, Việt Nam quy định từ 30 đến 50 năm, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tới 70 năm; một số nước như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc có quy định tới 99 năm.
Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh (gọi tắt là hợp doanh) là hình thức đầu tư trong đó các bên quy định trách nhiệm và phân chia kết quả đầu tư cho mỗi bên để tiến hành đầu tư kinh doanh mà không thành lập pháp nhân mới. Đây là văn bản được ký kết giữa đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng – gọi là các bên hợp doanh. Các bên vẫn hoạt động với tư cách pháp nhân độc lập của mình, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước sở tại theo kết quả kinh doanh BCC một cách riêng rẽ và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh cùng bản hợp đồng đã ký kết.
Ngoài ba hình thức cơ bản trên, trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của xu thế toàn cầu, do nhu cầu đa dạng hóa các hình thức đầu tư nên nhiều nước đã áp dụng các hình thức đầu tư mới sau đây:
Đầu tư theo hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT)
Đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở văn bản ký kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà để đầu tư công trình xây dựng kết cấu hạ tầng (bao gồm cả mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa công trình...) và
20
kinh doanh trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn và thu được một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý. Hết thời hạn trên, chủ đầu tư chuyển giao không bồi hoàn toàn bộ công trình đó cho nước chủ nhà.
Đầu tư theo hợp đồng Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh (BTO)
Cũng giống như hình thức BOT, BTO là hình thức đầu tư dựa trên cơ sở văn bản ký kết giữa chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền của nước chủ nhà, theo đó chủ đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước chủ nhà. Chính phủ nước sở tại có thể dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn để thu hồi vốn với một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý hoặc Chính phủ nước chủ nhà trả cho nhà đầu tư một khoản tài chính (bao gồm cả vốn xây dựng và lợi nhuận) để tự quản lý công trình đã được Nhà đầu tư xây dựng xong - hình thức này gọi là BT (Build-Transfer).
Hình thức công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần và do một số người nắm giữ cổ phần gọi là cổ đông của công ty, các cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân với số lượng không hạn chế nhưng phải đáp ứng số lượng tối thiểu theo pháp luật kinh doanh của từng quốc gia. Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài có thể được thành lập mới, hoặc do cổ phần hóa các doanh nghiệp FDI (liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài).
Hình thức công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành viên tham gia hợp danh, ngoài ra có thể có các thành viên không hợp danh khác nhưng có đóng góp vốn điều lệ. Thành viên hợp danh thường là các cá nhân có uy tín, có trình độ chuyên môn để tham gia quản lý công ty và có trách nhiệm vô hạn đối với kết quả hoạt động kinh doanh, các thành viên góp vốn có trách nhiệm theo tỷ lệ vốn góp của mình. Hình thức đầu tư này có cơ cấu gọn nhẹ, phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực như tư vấn pháp luật, khám chữa bệnh, thiết kế kiến trúc,...
21
Đầu tư thông qua mô hình công ty mẹ-con (Holding Company)
Đây là hình thức đầu tư rất phổ biến ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Holding company là một công ty sở hữu vốn trong một công ty cổ phần khác với một tỷ lệ hợp lý đủ để nắm quyền kiểm soát các hoạt động quản lý và điều hành công ty đó thông qua việc gây ảnh hưởng hoặc nắm quyền lựa chọn thành viên Hội đồng quản trị.
Hình thức chi nhánh công ty nước ngoài (BRA)
Việc cho phép các công ty nước ngoài hoạt động dưới hình thức chi nhánh đã rất phổ biến tại các quốc gia như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc...Chi nhánh của công ty không được coi là một pháp nhân độc lập, do vậy, việc thành lập chi nhánh đơn giản hơn, không phải tuân thủ các quy định về việc thành lập công ty và thường chỉ phải đăng ký với nước chủ nhà.