Trung tâm giáo dục thường xuyên trong xây dựng xã hội học tập

Một phần của tài liệu Cơ sở khoa học phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (Trang 47)

10. Cấu trúc của luận án

1.3.2.2.Trung tâm giáo dục thường xuyên trong xây dựng xã hội học tập

Sau 20 năm đổi mới, nước ta đã có những thay đổi cơ bản, từ hệ thống kinh tế tập trung, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình này đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hệ thống phát triển giáo dục và đào tạo. Cùng với quá trình thay đổi này, nhu cầu học tập và học tập suốt đời cũng đã tăng lên một cách đột ngột chưa từng có trong lịch sử phát triển giáo dục ở nước ta. Chỉ tính riêng ở bậc Đại học và cũng chỉ tính riêng đối với hệ thống giáo dục chính quy, số lượng đăng ký dự thi thường gấp từ 7 đến 10 lần số chỉ tiêu hàng năm Nhà nước cho phép (cá biệt có nơi gấp tới 30 – 40 lần). Hằng năm, số lượng người đăng ký dự thi tăng trung bình khoảng 13% nhu cầu được đi học và được học lên của mọi người dân là nhu cầu chính đáng và cần được khuyến khích. Một xã hội mà có nhiều người muốn đi học, mọi người muốn được học là một xã hội lành mạnh, đang có tiềm lực và sức phát triển rất lớn. Trước yêu cầu này đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo rõ ràng phải có bước đi trước, phải nhanh chóng đổi mới, phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo mà trước hết là phải có Chiến lược phát triển giáo dục thường xuyên, phải coi giáo dục thường xuyên không chỉ là hệ thống quan trọng, giải pháp quan trọng mà nó phải là hệ thống duy nhất, giải pháp duy nhất có khả năng đáp ứng được yêu cầu học tập của toàn

dân ở mọi trình độ, mọi ngành nghề, mọi sở thích ở mọi nơi, mọi chỗ, nhất là đối với các vùng núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa… Nhờ đó ta mới xây dựng được một xã hội học tập ở nước ta đúng như chỉ dẫn của Đại hội Đảng lần thứ IX: “Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Việc xây dựng một xã hội học tập ở nước ta, thật ra không phải là công việc hoàn toàn mới. Ngay từ năm 1952, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ mà “Tất cả cho tiền tuyến”, Đảng ta cũng đã có Nghị quyết số 52 và đề ra 3 phương châm:

1. Lý luận và thực tiễn thống nhất, học kết hợp với hành, học để mà dùng. 2. Tranh thủ thời gian phục vụ kháng chiến, đồng thời chuẩn bị để có thể học lên cao.

3. Dựa vào lực lượng nhân dân, dùng những phương pháp và hình thức linh hoạt, mềm dẻo, thích hợp với những điều kiện cụ thể và nhu cầu thiết thực từng thời kỳ, từng địa phương, từng lớp người.

Từ cuối những năm 80 thế kỷ XX, khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới. Nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa ngày một phát triển. Đó là một thay đổi cơ bản có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến ngành giáo dục và đào tạo. Trước hết nhu cầu xã hội cần một nguồn nhân lực lớn. Hệ thống GDCQ tập trung đương thời không thể đáp ứng được nhu cầu này, nhất là nhân lực thuộc các lĩnh vực kinh tế, pháp lý và dịch vụ. Đồng thời với sự phát triển và tiến bộ nhanh của khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin, đã tạo điều kiện và môi trường tốt cho việc đa dạng hóa các loại hình học tập. Mặt khác do nền kinh tế tăng

trưởng nhanh bình quân từ 8% đến 9%/năm, xuất hiện nhiều công nghệ và kỹ thuật mới đòi hỏi chất lượng của lực lượng lao động ở nước ta phải được nâng cấp, mới đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi. Sự phát triển đa dạng của thị trường cũng đã buộc một số lớn lực lượng lao động chẳng những phải đào tạo lại mà còn phải đào tạo chéo nghề, nghề khác, cần trình độ học vấn cao hơn, kỹ năng tốt hơn.

Với mục tiêu giáo dục cho mọi người, ở nước ta Chính phủ đã rất quan tâm khuyến khích và có nhiều chính sách đặc biệt đối với người trưởng thành để họ có thể có điều kiện tiếp nhận giáo dục và đào tạo về bất cứ lĩnh vực nào như chính trị, văn hóa, khoa học, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ và nhiều lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp khác [52, tr15].

Năm 1998, việc học tập suốt đời đã chính thức được đưa vào Luật Giáo dục. Năm 2005 một lần nữa tại điều 44 mục 5, chương II của Luật Giáo dục đã quy định: “Giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập”.

Vì vậy, chúng tôi hiểu rằng sự điều chỉnh này của Luật Giáo dục 2005 đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân ngày càng tăng. Và có thể nói chưa bao giờ như hiện nay nhu cầu muốn học và đòi được học ở nước ta của mọi người dân lại cao đến thế. Đây chính là thách thức và cơ hội để phát triển giáo dục thường xuyên góp phần tiến hành xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân trong một xă hội học tập mà mọi người được học suốt đời.

Một phần của tài liệu Cơ sở khoa học phát triển trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (Trang 47)