Sau khi phân tích các yếu tố của môi trường vĩ mô và môi trường ngành kinh doanh, doanh nghiệp thường xác định rõ những cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên ngoài, những điểm mạnh và điểm yếu trong nội bộ doanh nghiệp để làm căn cứ cân nhắc và xây dựng các định hướng về phương án chiến lược. Kỹ thuật thường
được sử dụng rộng rãi chính là kỹ thuật phân tích thế mạnh – điểm yếu – cơ hội – nguy cơ (ma trận Tows).
Là mô hình phân tích chiến lược của công ty dựa trên việc phân tích các thách thức (T = Threats), cơ hội (O = Opportunities) của môi trường bên ngoài và các điểm yếu (W = Weaknesses), điểm mạnh (S = Strengths) bên trong doanh nghiệp để từ đó hình thành chiến lược sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp; Bao gồm: xác lập tôn chỉ của doanh nghiệp, phân tích TOWS, xác định mục tiêu chiến lược, hình thành các mục tiêu và kế hoạch chiến lược, xác định cơ chế kiểm soát chiến lược.
Phân tích TOWS là việc đánh giá một cách chủ quan các dữ liệu được sắp xếp theo định dạng TOWS dưới một trật tự lôgic dễ hiểu, dễ trình bày, dễ thảo luận và đưa ra quyết định, có thể được sử dụng trong mọi quá trình ra quyết định. Để xây dựng TOWS điều quan trọng là phải phân tích, tìm hiểu những cơ hội, mối đe dọa từ môi trường bên ngoài, những điểm mạnh và điểm yếu cốt lõi. Bước tiếp theo là kết hợp các cặp để đưa ra được những chiến lược phù hợp.
Nội dung các yếu tố cấu thành ma trận TOWS:
Điểm mạnh (Strengths): Điểm mạnh là tất cả những đặc điểm, việc làm đúng tạo lên năng lực cho công ty. Điểm mạnh có thể là sự khéo léo, sự thành thạo, là nguồn lực của tổ chức hoặc khả năng cạnh tranh (giống như sản phẩm tốt hơn, sức mạnh của nhãn hiệu, công nghệ kỹ thuật cao hoặc dịch vụ khách hàng tốt hơn). Điểm mạnh có thể là tất cả những kết quả của việc liên minh hay sự mạo hiểm của tổ chức với đối tác có sức mạnh chuyên môn hoặc năng lực tài chính – những thứ mà tạo nên khả năng cạnh tranh của công ty.
Sức mạnh của công ty có thể kể đến bao gồm các yếu tố sau: Năng lực tài chính thích hợp; Cảm nhận tốt của người mua; Người lãnh đạo có khả năng; Những chiến lược được tính toán kỹ lưỡng; Mối quan hệ với tổng thể nền kinh tế; Công nghệ sản xuất và quá trình hoạt động tốt; Những lợi thế về giá; Những chiến dịch quảng cáo tốt hơn; Quản lý chung và quản lý tổ chức tốt.
Điểm yếu (Weaknesses): Là tất cả những gì công ty thiếu hoặc thực hiện không tốt bằng các đối thủ khác hay công ty bị đặt vào vị trí bất lợi. Điểm yếu có thể có hoặc có thể không làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty mà tùy thuộc vào việc có bao nhiêu điểm yếu thể hiện trong thị trường.
Các yếu tố thường được nói đến trong khi phân tích điểm yếu của doanh nghiệp là: Doanh nghiệp không có phương hướng chiến lược khả quan nào; Những phương
tiện cơ sở vật chất lỗi thời; Thiếu chiều sâu và tài năng quản lý; Tụt hậu trong nghiên cứu và triển khai; Hình ảnh của công ty trên thị trường không phổ biến; Không có khả năng huy động vốn khi cần thay đổi chiến lược …
Phân tích điểm yếu của doanh nghiệp để thấy rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện chưa tốt, cần có những thay đổi kịp thời. Doanh nghiệp phải khắc phục hoặc hạn chế điểm yếu của mình trong thời gian trước mắt hay ít nhất là có kế hoạch thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng có những điểm yếu mà doanh nghiệp có thể khắc phục được nhưng cũng có những điểm yếu mà doanh nghiệp không thể khắc phục được hoặc có thể nhưng hiện tại chưa đủ khả năng. Phân tích điểm yếu chính là để thực hiện thành công điều đó.
Cơ hội (Opportunities): Là sự xuất hiện những khả năng cho phép con người làm một việc gì đó. Trong thương mại, cơ hội thể hiện sự xuất hiện nhu cầu của khách hàng và theo đó là việc xuất hiện khả năng bán được hàng để thỏa mãn nhu cầu của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Cơ hội xuất hiện ở khắp mọi nơi, nó rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dù một tổ chức có lớn đến đâu cũng không thể khai thác tất cả các cơ hội xuất hiện trên thị trường mà chỉ có thể khai thác được các cơ hội phù hợp với khả năng và mục tiêu của mình. Mặt khác những cơ hội xuất hiện trên thị trường có thể có lợi cho tổ chức này nhưng lại đem bất lợi cho tổ chức khác. Chính vì vậy doanh nghiệp, tổ chức chỉ nên khai thác một hoặc một số những cơ hội trên thị trường, đó là cơ hội hấp dẫn.
Cơ hội xuất hiện trên thị trường có thể khái quát như sau: Khả năng phục vụ những nhóm khách hàng bổ sung hoặc mở rộng thị trường mới hoặc từng phân đoạn mới; Những cách mở rộng hàng hóa, sản phẩm để thỏa mãn rộng rãi hơn nhu cầu khách hàng; Việc phá bỏ hàng rào gia nhập những thị trường nội địa và nước ngoài; Khả năng tăng thêm nhu cầu thị trường …
Doanh nghiệp cần phân tích và nắm bắt tốt các cơ hội để từ đó có những hướng triển khai nhằm khai thác nhanh và có hiệu quả hơn những doanh nghiệp khác.
Nguy cơ, thách thức ( Threats): Yếu tố của môi trường bên ngoài gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là những nguy cơ từ môi trường. Nguy cơ xuất hiện song song với cơ hội của doanh nghiệp, chi phối mạnh mẽ mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Các nguy cơ xuất hiện ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, tổ chức, họ chỉ có thể tránh những nguy cơ có thể xảy đến với mình và nếu phải đối mặt với nó
thì cố gắng giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Phân tích nguy cơ giúp doanh nghiệp thực hiện những thay đổi, điều chỉnh cần thiết đối với những biến động có ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Những nguy cơ có thể kể đến gồm: Những đối thủ có giá thấp hơn; Hàng hóa dễ có những sản phẩm thay thế; Sự tăng trưởng thị trường chậm; Tính dễ bị tổn thương chu trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Thay đổi nhu cầu của người mua và sở thích của họ; Sự thay đổi nhân khẩu học …
Bảng 1.3: Ma trận mô thức TOWS
Điểm mạnh (S) Điểm yếu (W)
Cơ hội (O) (SO): Sử dụng điểm mạnh
để tận dụng cơ hội. (WO): Hạn chế mặt yếu bằng cách tận dụng cơ hội. Thách thức (T) (ST): Sử dụng điểm mạnh để hạn chế ảnh hưởng.
(WT): Tối thiểu hóa điểm yếu và tránh các mối đe dọa.
(Nguồn: Slide Quản trị chiến lược – Đại học thương mại)
Quy trình phân tích Tows gồm 8 bước: Bước 1: Liệt kê các cơ hội.
Bước 2: Liệt kê các thách thức.
Bước 3: Liệt kê các thế mạnh bên trong. Bước 4: Liệt kê các điểm yếu bên trong.
Bước 5: Kết hợp các thế mạnh bên trong với những cơ hội bên ngoài (SO). Bước 6: Kết hợp các điểm yếu bên trong với những cơ hội bên ngoài (WO). Bước 7: Kết hợp các điểm mạnh bên trong với những thách thức bên ngoài (ST). Bước 8: Kết hợp các điểm yếu bên trong với những thách thức bên ngoài (WT).