Trong khoảng thời gian hơn 8 năm thành lập và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, BIDV Hậu Giang đã có những kết quả khả quan trong hoạt động của mình, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Các kết quả này được thể hiện ở một số mặt sau đây:
- Trước hết BIDV Hậu Giang đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường huy động cũng như cho vay, cụ thể:
Về huy động vốn: Mặc dù trong giai đoạn 2008 -2010 nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên với những chính sách hợp lý của mình, ngân hàng vẫn đạt được kết quả kinh doanh khá tốt. Đặc biệt là trong hoạt động huy động vốn, tỷ lệ vốn huy động tăng liên tục qua các năm. Cụ thể năm 2008 vốn huy động đạt 344.613 tỷ đồng, năm 2009 tăng 18,1% so với năm 2008 và đến năm 2010 tốc độ tăng khá nhanh, tăng gấp đôi so với năm 2009 với tỷ lệ 36,52%. Với những kết quả đạt được ngân hàng đã khẳng định được thương hiệu và gây dựng được lòng tin đối với khách hàng.
Về thị trường cho vay: Trước tình hình cạnh trạnh khốc liệt giữa các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm chiếm lĩnh thị trường cho vay cũng như huy động vốn, ngân hàng BIDV Hậu Giang luôn khẳng định được vị thế của mình trên thị trường tín dụng đặc biệt là lĩnh vực cho vay. Bên cạnh một số khách hàng truyền thống, ngân hàng không ngừng mở rộng cho vay đến nhiều đối tượng khách, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh sản xuất. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tăng liên tục qua các năm, trong
đó hoạt động cho vay tăng trưởng khá nhanh. Năm 2010, thị phần cho vay của ngân hàng đạt khoảng 30% thị trường cho vay trên toàn tỉnh.
- Danh mục tín dụng đầu tư của ngân hàng được cải thiện theo hướng tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của ngân hàng. Hiện ngân hàng đầu tư khá gọn, chủ yếu vào những ngành nghề có tiềm năng của địa phương. Đối với hoạt động tín dụng của ngân hàng, chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo ở chấp nhận được trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro như hiện nay. Trong đó đối với nợ xấu về cơ bản xử lý được, kết quả kinh doanh hàng năm cho phép trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
- Hệ thống đánh giá và kiểm soát rủi ro theo thông lệ quốc tế bước đầu được xác lập: Một số công cụ quản lý RRTD được triển khai khá nề nếp như: Phân loại rủi ro theo khoản vay, xác định hạn mức vay tối đa cho từng khách hàng… Đặc biệt cuối năm 2007, ngân hàng đã đưa mô hình đổi mới hoạt động tín dụng theo hướng phát huy tối đa từng chức năng cho vay, tách Phòng tín dụng thành 03 phòng: Phòng Quan hệ khách hàng, Phòng Quản lý rủi ro và Phòng Quản lý nợ.
- Chất lượng cán bộ tín dụng được nâng cao: Đội ngũ cán bộ tín dụng của ngân hàng trong thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía ngân hàng và đã từng bước nâng cao về chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Một trong những chính sách mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng cán bộ của ngân hàng là chú trọng đến công tác tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ đặc biệt là về lĩnh vực quản lý rủi ro tín dụng. Trong những năm gần đây, Ngân hàng ĐTPT Việt Nam thường xuyên mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho các Chi nhánh từ Trung tâm đào tạo Ngân hàng ĐTPT Việt Nam, tham gia các lớp tập huấn về quản lý rủi ro thuộc dự án Tài chính Nông thôn II do Sở Giao dịch III phối hợp với Học viện Ngân hàng Malaysia (IBBM) tổ chức. Từ đó chất lượng của cán bộ tín dụng được nâng lên, đặc biệt là chất lượng về quản lý rủi ro tín dụng.