Từ thực tế hoạt động tín dụng trong thời gian qua của BIDV Hậu Giang, trên cơ sở đánh giá đúng những mặt làm được, những mặt còn tồn tại hạn chế nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, hoạt động tín dụng của BIDV Hậu Giang phải bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, đồng thời cần quan tâm đến tiềm năng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang, để từ đó có những dự báo phù hợp với thực tế và có những định hướng hoạt động tín dụng phù hợp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Hai là, tăng trưởng tín dụng không nên chạy theo doanh số, theo phong trào mà phải tập trung vào chất lượng tín dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về cấp tín dụng và kiểm tra, kiểm soát nội bộ là những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng tín dụng của BIDV Hậu Giang.
Ba là, pháp quy hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ tín dụng nhằm tăng cường ý thức chấp hành của từng cán bộ tín dụng. Bởi vì, môi trường pháp lý hoàn thiện và việc chấp hành tốt các quy định là một bảo đảm an toàn cho các hoạt động tín dụng và hiệu quả cho công tác quản lý rủi ro. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng có thể mang lại sự thành công của ngân hàng.
Bốn là, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng của ngân hàng theo hướng đáp ứng nhu cầu của khách hàng đặc biệt cần nghiên cứu tạo ra những sản phẩm đặc thù của ngân hàng tạo ra những bước đột phá mới. Cùng với đó cũng cần đa dạng hóa danh mục đầu tư đi đôi với việc tăng dần tỷ lệ nợ cho vay có TSĐB nhằm phòng ngừa rủi ro tín dụng có thể xảy ra.
Năm là, tăng cường bổ sung nguồn vốn, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để cạnh tranh với các tổ chức tín dụng khác. Bởi vì có vốn mới có thể phát triển tín dụng, có thể đổi mới công nghệ, hiện đại hóa hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng.
Sáu là, tranh thủ nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật tiến tiến từ các ngân hàng nước ngoài về lĩnh vực quản lý RRTD, chuẩn bị cho hội nhập tài chính quốc tế. Trong tình hình nước ta ngày càng hội nhập kinh tế hiện nay, đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải không ngừng tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật tiến tiến từ các ngân hàng nước ngoài đặc biệt là các ngân hàng uy tín trên thế giới nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà có thể vươn ra thế giới.
Bảy là, nguồn nhân lực là yếu tố của mọi sự thành công, hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước nói chung và ngân hàng ĐTPT nói riêng tụt hậu rất xa so với các NHTMCP về điều kiện đãi ngộ, đào tạo, tập huấn từ đó thường xuyên xảy ra tình trạng lao động có chuyên môn, có kinh nghiệm bị hút sang các NHTMCP và ngân hàng nước ngoài. Do đó, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và đề bạt, bổ nhiệm cán bộ có tác động trực tiếp đến hiệu quả thực thi chính sách tín dụng của ngân hàng. Một chính sách quản trị tín dụng tốt mà không có chính sách về nguồn nhân lực sẽ không đạt hiệu quả và gián tiếp đến việc gia tăng nguy cơ rủi ro đạo đức ở cán bộ tín dụng.
CHƯƠNG 3:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ
PHÁT TRIỂN TỈNH HẬU GIANG
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng hơn với nền kinh tế thế giới trong khi lĩnh vực tài chính tiền tệ rất nhạy cảm với biến động của thị trường toàn cầu làm cho hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và ngân hàng BIDV Hậu Giang nói riêng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng BIDV Hậu Giang, tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản để ngân hàng xem xét có thể vận dụng trong quá trình thực hiện theo định hướng từ nay đến năm 2015 của BIDV Hậu Giang.