RỦI RO
Trước hết, ngân hàng BIDV Hậu Giang phải chấp hành tốt các quy định của NHNN về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động tín dụng theo Quyết định 493/2005/QĐ- NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ và sử dụng dự phòng để trích lập rủi ro trong hoạt động ngân hàng của TCTD và Điều 1 của Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN.
Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng phải thực hiện dựa trên chất lượng của các khoản tín dụng chứ không phải dựa trên nợ quá hạn. Tuy nhiên việc trích dự phòng rủi ro ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương, thu nhập của CBCNV, từ đó thường có tâm lý đối phó. Do đó cần phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đúng và đầy đủ theo quy định.
Để thực hiện tốt công tác này, ngân hàng cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như: - Bộ phận Xử lý nợ của ngân hàng phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý về tiến độ xử lý các khoản nợ xấu, giải thích rõ nguyên nhân chưa xử lý được và đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ xấu.
- Bộ phận Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hoạt động xử lý nợ theo kế hoạch và chương trình kiểm toán đã định giống như đối với kiểm toán các hoạt động khác. Trong quá trình này, kiểm toán nội bộ sẽ đánh giá hiệu quả và các biện pháp tích cực thu hồi nợ của bộ phận xử lý nợ.
- Định kỳ hàng quý, báo cáo các khoản nợ quá hạn theo số ngày quá hạn, tình hình xử lý và đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ này phải được gửi cho HĐQT và Ban Điều hành ngân hàng để họp xem xét quyết định mức trích lập dự phòng và xử lý rủi ro tín dụng.