- Mục tiêu cụ thể:
3.2.2.2. Các giải pháp mở rộng tín dụng đối với DNNVV tại BIDV Kiên Giang
Cần phải xây dựng một quy chế cho vay dành riêng cho các DNNVV:
Hiện tại BIDV Kiên Giang vẫn chưa có một quy trình cho vay riêng áp dụng cho các DNNVV. Vì vậy BIDV Kiên Giang cần phải xây dựng riêng cho mình một qui chế cấp tín dụng phù hợp cho loại hình doanh nghiệp này. Quy chế này phải thoã mãn những yêu cầu sau:
- Ưu tiên rút ngắn thời gian trong công tác thẩm định đối với các DNNVV; - Cải tiến thủ tục cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng đơn giản, rõ ràng hơn, không quá phức tạp đối với chủ doanh nghiệp vì trình độ quản lý chủ doanh nghiệp đối với loại doanh nghiệp này thường có giới hạn;
- Quy định cởi mở hơn về cho vay tín chấp đối với các DNNVV như các quy định về phải có lãi hai năm liên tục, báo cáo tài chính phải được kiểm toán,... các vấn đề này rất khó cho các DNNVV mới thành lập hoặc mới mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để làm được điều này đòi hỏi BIDV Kiên Giang cần phải có những giải pháp cụ thể như sau:
Thiết kế danh mục hồ sơ pháp lý, hồ sơ vay vốn và hồ sơ đảm bảo tiền vay cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng như DNTN, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần thậm chí cho từng loại ngành nghề, có mẫu biểu chi tiết cho từng loại hình doanh nghiệp nhằm giúp cho khách hàng khi muốn vay vốn ngân hàng thì cần phải có những thủ tục như thế nào đề khách hàng chuẩn bị trước. Những thông tin này có thể được in trên tờ rơi, hoặc trang web của ngân hàng, khi khách hàng cần họ có thể cập nhật vào đây để biết thông tin.
Thiết kế các mẫu biểu phải đảm bảo theo hướng đơn giản, đủ tính pháp lý và các thông tin chi tiết ban đầu cần có và không bị trùng lắp. Đặc biệt là đơn đề nghị vay vốn và phương án kinh doanh, nên sử dụng những từ đơn giản, dễ hiểu đối với
khách hàng, trừ trường hợp cho vay dự án lớn thì cần lập và tính toán các chỉ tiêu dự án đầu tư.
Thực hiện chính sách khách hàng đặc biệt đối với các DNNVV, tạo mọi điều kiện để phục vụ khách hàng nhanh hơn, chất lượng hơn, giúp khách hàng cạnh tranh lành mạnh, qua đó thu hút nhiều khách hàng có uy tín đến giao dịch, mở rộng thị phần tín dụng của ngân hàng. Ngân hàng phải thường xuyên phân loại khách hàng DNNVV theo tiêu chí nhất định để có chính sách ưu đãi nhất định đối với các DN. Những doanh nghiệp có uy tín, có quan hệ tín dụng thường xuyên, trả nợ gốc và lãi đúng hạn thì phải được hưởng ưu đãi như giảm lãi suất tiền vay, tăng lãi suất tiền gửi, giảm phí dịch vụ...
BIDV Kiên Giang có thể phân công một số cán bộ tín dụng chuyên phụ trách cho vay đối với DNNVV
Vì các DNNVV có những hạn chế là khó tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do trình độ hiểu biết của chủ doanh nghiệp, tài sản đảm bảo, dự án đầu tư khác nhau. Do đó Chi nhánh muốn mở rộng tín dụng dành cho đối tượng này thì có thể phân công một số cán bộ chuyên phụ trách mảng này từ khâu tìm kiếm khách hàng đến khâu tư vấn và lập hồ sơ cho vay. Nhân viên phụ trách cho vay của ngân hàng thường trực tiếp tới các DNNVV để trình bày về các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng cho khách hàng tiềm năng. Mặc dù giải pháp này tốn nhiều thời gian, nhưng biện pháp tiếp cận này là rất cần thiết để cung cấp thông tin và tạo sự tin tưởng ở khách hàng DNNVV, đặc biệt là các DN trước đây chưa từng làm việc với các ngân hàng thương mại.
Giải pháp về cơ chế bảo đảm tiền vay
Giải quyết các hạn chế DNNVV về việc thiếu tài sản đảm bảo và các hạn chế về môi trường pháp lý cũng như cơ chế đảm bảo tiền vay của BIDV Kiên Giang là một vấn đề lớn, một số giải pháp trước mắt về phía chi nhánh để tháo gỡ một phần khó khăn là:
- Cần có quan điểm linh hoạt hình thức cho vay có đảm bảo. Năng lực các DNNVV thường lớn hơn so với tài sản thực có của họ, ngân hàng có thể giải quyết
cho vay căn cứ vào tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường, tài sản đảm bảo tiền vay chỉ là phương tiện cuối cùng, là nguồn trả nợ khi rủi ro xảy ra. Do đó, muốn mở rộng tín dụng đồng thời tạo điều kiện phát triển các DNNVV, BIDV Kiên Giang cần mạnh dạn áp dụng hình thức cho vay đảm bảo bằng hàng hóa đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông, thủy sản. Để thực hiện điều này cần từng bước thí điểm với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, thiết kế các hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, quy định cụ thể trách nhiệm của các bên...thực hiện từng bước có đúc kết để triển khai rộng rãi.
- Việc định giá tài sản đảm bảo theo giá thị trường, tính toán xác định mức cho vay ở từng khách hàng cụ thể cần phải cụ thể hóa trong một chính sách định giá linh hoạt. Chính sách này cần kết hợp việc đánh giá, phân tích có luận cứ khoa học và sát với thực tế thị trường của tài sản đảm bảo để tìm ra phương án tối ưu khi quyết định mức cho vay, hệ số đảm bảo nợ vay. Mục đích cuối cùng là lựa chọn được dự án tốt, khách hàng tốt kết hợp chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa rủi ro hơn là chỉ đặt niềm tin vào tài sản đảm bảo, cụ thể trong địa bàn Thành Phố Rạch Giá có một số khu vực giá đất rất đắt tuy nhiên khung giá đất do UBND tỉnh phê duyệt lại thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường, trong trường hợp này thiết nghĩ BIDV Kiên Giang có thể đánh giá giá trị tài sản theo giá thị trường để xét duyệt mức cho vay..
- Có chính sách cụ thể trong việc thực hiện cho vay không có đảm bảo đối với DNNVV. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi Chi nhánh cần có chính sách phân loại khách hàng đối với DNNVV, nên thực hiện cho vay không có đảm bảo đối với những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt và thực hiện tốt công tác giám sát tín dụng sau giải ngân.
Nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng khi cho vay DNNVV:
Việc nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng khi cho vay DNNVV của BIDV Kiên Giang sẽ giúp các DN tránh được việc đầu tư vào những dự án kém
hiệu quả có thể mang lại khó khăn cho DN, dễ dẫn DN đến phá sản và cũng giúp các Ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động của mình; mang lại hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế, cho xã hội.
Chất lượng và hiệu quả tín dụng phụ thuộc phần lớn vào trình độ cán bộ tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, trình độ cán bộ tín dụng phải được chuẩn hoá, không ngừng nâng cao. Ngân hàng phải có nhiều chương trình đào tạo dưới nhiều hình thức: bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tổ chức tập huấn, thi tình huống, đặc biệt là trình độ thẩm định dự án, phương án vay vốn, lựa chọn khách hàng, vận dụng các chế độ thể lệ tín dụng đã ban hành. Đội ngũ cán bộ thẩm định phải gồm những người am hiểu chuyên ngành, có kinh nghiệm tư vấn dự án, phương án sản xuất kinh doanh cho DNNVV. Trên địa bàn Kiên Giang Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên rủi ro trong cho vay đối với ngành này tại Chi nhánh còn cao, do đó đòi hỏi thời gian tới BIDV Kiên Giang trong quá trình cho vay cần phải thẩm định kỹ hơn đối với những doanh nghiệp thuộc loại hình này.
Nâng cao chất lượng tư vấn cho các DNNVV:
- BIDV Kiên Giang có thể tư vấn cho khách hàng trong quá trình cung cấp các dịch vụ ngân hàng điều này sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho hoạt động của các DN. Ngân hàng có thể tư vấn cho các khách hàng của mình về nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, các dịch vụ gia công,... có giá cả hợp lý hoặc các kênh phân phối sản phẩm, nguồn tiêu thụ với giá cả hấp dẫn. Điều đó, một mặt giúp hoạt động của các DN ngày càng trở nên thông suốt; mặt khác còn giúp NH theo dõi được quá trình lưu chuyển của hàng hóa, sản phẩm từ đó dễ dàng quản lý được đồng vốn cho vay, tận dụng đuợc nguồn vốn nhàn rỗi từ các DN và gia tăng được số lượng các khách hàng.
- Các NHTM nói chung, BIDV Kiên Giang nói riêng cần phải đào tạo được đội ngũ CBTD không chỉ giỏi về nghiệp vụ ngân hàng mà phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu về thị trường các sản phẩm, dịch vụ của các DN mà mình đầu tư; có kỹ năng phân tích, nắm bắt kịp thời những biến động về tình hình kinh tế ảnh hưởng đến các ngành hàng có liên quan,... Để từ đó tăng cường hoạt động tư vấn cho các
khách hàng là các DNNVV hoạt động trong các ngành nghề có liên quan, một mặt giúp họ kịp thời có giải pháp hạn chế được rủi ro xảy ra, nâng cao hiệu quả kinh doanh; một mặt bảo toàn được đồng vốn cho vay của NH và cũng là tạo ra lợi ích chung cho cả NH và DN. Ví dụ như CBTD khi cho vay các DN hoạt động trong ngành kinh doanh thủy sản xuất khẩu, cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức về xuất khẩu thủy sản: nắm bắt, phân tích được tình hình biến động giá cả hàng thủy sản trên thị trường trong và ngoài nước, tình hình thực hiện kế hoạch xuất khẩu thủy sản của Nhà nước,... để từ đó có thể tư vấn cho khách hàng của mình về thời điểm nào nên thu vào, dự trữ hay bán ra sản phẩm để đạt hiệu quả cao nhất.
BIDV Kiên Giang cần đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của DNNVV
Nhu cầu vốn các DNNVV thường không cố định và cần phải xử lý nhanh chóng mọi lúc mọi nơi. Do đó muốn mở rộng tín dụng dành cho đối tượng khách hàng này đòi hỏi BIDV Kiên Giang cũng cần đưa ra thêm nhiều sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của họ. Một trong những sản phẩm mà BIDV Kiên Giang có thể sử dụng chẳng hạn như cần mở thẻ ATM miễn phí dành cho doanh nghiệp mà không cần phải duy trì số dư trong tài khoản; phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến như home banking, internet banking, phone banking; dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam; dịch vụ chi trả lương tự động thông qua ngân hàng trực tuyến và sao kê ngân hàng hàng tháng. Để phục vụ tốt hơn cho đối tượng khách hàng hàng này, Chi nhánh cũng có thể phân công bộ phận giao dịch làm ngoài giờ vì nhu cầu của các DNNVV hay bất thường và không có thời gian cố định.
Hiện nay, hầu như các DNNVV trên địa bàn Kiên Giang đều chưa tiếp cận được với các loại hình dịch vụ như thuê tài chính và bao thanh toán trong nước là những sản phẩm, dịch vụ tài chính khá hiệu quả và tiện ích đối với các DN thiếu hụt về nguồn vốn; vì tại Kiên Giang chưa có Công ty cho thuê tài chính và các chi nhánh của các NHTM cũng chưa thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán. Do đó, BIDV Kiên Giang có thể là trung gian giới thiệu các khách hàng của mình cho Công ty
cho thuê tài chính của BIDV để các DN này có thêm máy móc, công nghệ hiện đại có thể sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập; nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cho DN cũng như cho chính các NH. Và có thể nghiên cứu để triển khai nghiệp vụ bao thanh toán trên thị trường địa phương để giúp các doanh nghiệp có thêm kênh tín dụng mới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cho đôi bên.
Cho vay thấu chi là sản phẩm mà hiện nay các DNNVV cũng có nhu cầu rất lớn, vì đối với loại hình doanh nghiệp này vấn đề thiếu vốn tạm thời là điều không thể tránh khỏi. Do đó trong thời gian tới Chi nhánh có thể phát triển dịch vụ này cho các DNNVV nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ và thu lợi cho ngân hàng.
Kiểm tra lại tình hình hoạt động của các máy ATM trên địa bàn:
BIDV Kiên Giang cần phải kiểm tra lại tình hình hoạt động của các máy ATM trên địa bàn để có hướng giải quyết vì thường xuyên có tình trạng báo “tạm ngưng phục vụ”. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý khách hàng muốn tham gia thẻ tại Ngân hàng, nhất là các DNNVV thường có nhu cầu rút tiền thường xuyên và đột xuất, phục vụ cho quá trình thanh toán.
Đẩy mạnh cho vay ngoại tệ với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu:
Trên địa bàn Kiên Giang các DNNVV có hoạt động xuất nhập khẩu rất nhiều nhất là trong lĩnh vực nông lâm thủy hải sản. Hàng năm trong lĩnh vực này chiếm 76,65% giá trị hàng xuất khẩu của tỉnh. Nếu BIDV Kiên Giang có sự thoáng hơn về thủ tục vay vốn đối với những doanh nghiệp này thì sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng hơn. Hơn nữa nếu BIDV Kiên Giang cho những doanh nghiệp này vay, khi có ngoại tệ họ sẽ sẵn sàng bán lại cho ngân hàng, điều này hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ tại ngân hàng.
Thường xuyên tư vấn cho các DNNVV thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản về các biện pháp phòng ngừa rủi ro và mạnh dạn cho vay đối với ngành kinh tế này:
Xét theo ngành nghề thì nông, lâm, thủy sản là ngành có hoạt động kinh doanh gặp rủi ro và có nợ xấu cao nhất tại BIDV Kiên Giang. Nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành kinh tế này của địa phương, BIDV Kiên Giang trong thời giang tới cần mạnh dạn hơn trong việc cho vay đối với ngành kinh tế này. Tuy nhiên, về phía ngân hàng cũng cần phải có các biện pháp để phòng ngừa rủi ro nợ xấu cho ngân hàng, trong đó biện pháp tốt nhất là tư vấn cho khách hàng một số biện pháp phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh như mua bảo hiểm tài sản, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoặc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như option, swap, future...