Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh với vị thế và diện mạo mới. Kinh tế Việt Nam liên tục phát triển; an ninh, quốc phòng được giữ vững. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng cường công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP ngày càng giảm; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế với nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao, với môi trường chính trị ổn định và mức sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Việc chủ động tích cực hội nhập quốc tế, và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạo thêm nhiều thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều; vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định rõ mục tiêu phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 là: “..Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị- xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.. ” [21, tr.188]. Vì vậy, sự nghiệp giáo dục phải có một sự phát triển phù hợp, thậm trí phải nhanh hơn sự phát triển chung của toàn xã hội.
Xét trên quan điểm kinh tế học giáo dục, chúng ta không thể phát triển giáo dục chỉ bằng hệ thống chính sách giáo dục mà còn đòi hỏi có cả nguồn ngân sách để thực hiện các mục tiêu của giáo dục. Đầu tư cho giáo dục ngoài đầu tư cho cơ sở vật chất còn phải đầu tư cho phát triển đội ngũ. Đội ngũ là lực lượng nòng cốt để tạo lên chất lượng giáo dục, trong đó điều không thể thiếu được chính là đội ngũ CBQL của ngành giáo dục.
Trong những năm qua Chính phủ triển khai thực hiện khá tốt cải cách hành chính, chấn chỉnh nề nếp làm việc, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Ngành GD & ĐT tập trung thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông song song với việc xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác quản lý giáo dục đào tạo. Ngành GD & ĐT đã xây dựng và triển khai thực hiện chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên các bậc học với mục tiêu là đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ
về cơ cấu, đặc biệt chú trọng về nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi có nguồn nhân lực cao, đây chính là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành GD & ĐT, của Đảng, nhà nước và của toàn dân.