2.1.1.1. Về kiến thức
- Qua những bằng chứng cơ bản, cần thiết về khảo cổ học, lịch sử làm cho học sinh nắm bắt được những nét chính về thời nguyên thủy ở Việt Nam: cách ngày nay 30 - 40 vạn năm, trên đất nước ta đã có con người sinh sống – người tối cổ; các giai đoạn phát triển của công xã nguyên thủy ở Việt Nam, các nền văn hóa lớn Phùng Nguyên, Sa Huỳnh, Đồng Nai ở Việt Nam. Những nét đại cương về ba nhà nước cổ đại trên đất nước Việt Nam : Văn Lang – Âu Lạc, Chăm pa, Phù Nam.
- Những chính sách đô hộ các triều đại phong kiến phương Bắc ở nước ta dẫn đến những chuyển biến kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta trong thời Bắc thuộc (từ thế kỉ II TCN đến đầu thế kỉ X); Với các cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta mang tính liên tục, rộng lớn, quyết liệt tiêu biểu như: khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền.
- Quá trình hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến Việt Nam diễn ra trong một thời gian dài trên một lãnh thổ thống nhất (từ thế kỉ X – đến thế kỉ XV). Trải qua 5 thế kỉ độc lập, mặc dù có nhiều biến động, khó khăn, nhân dân ta vẫn xây dựng và phát triển được cho mình một nền kinh tế tự chủ, toàn diện. Đồng thời, nhân dân Việt Nam với tinh thần chiến đấu dũng cảm, với truyền thống yêu nước ngày càng sâu đậm, nhân dân ta đã chủ động sáng tạo tổ chức những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Trong những thế kỉ độc lập ấy, nhân dân Việt Nam đã xây dựng được cho mình một nền văn hóa dân tộc, tiên tiến.
51
- Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, nhà nước phong kiến Việt Nam có những biến đổi: sự sụp đổ của triều đình nhà Lê dẫn đến sự phát triển của các thế lực phong kiến; Nhà Mạc ra đời và tồn tại hơn nửa thế kỉ đã góp phần ổn định xã hội trong một thời gian, chiến tranh phong kiến đã dẫn đến sự chia cắt đất nước (Đàng Trong và Đàng Ngoài). Trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động lớn, tình hình kinh tế Việt Nam cũng có sự biến động theo tình hình ở Đàng Trong và Đàng Ngoài về nông nghiệp, thủ công nghiệp, đặc biệt là thương nghiệp với nền kinh tế hàng hóa đã ảnh hưởng quan trọng đến xã hội về nhiều mặt.
- Trước tình trạng khủng hoảng của chế độ phong kiến ở cả hai miền, nguy cơ chia cắt càng gia tăng. Phong trào Tây Sơn, trong quá trình đánh đổ các tập đoàn phong kiến đang thống trị, đã xóa bỏ tình trạng chia cắt, bước đầu thống nhất lại đất nước đồng thời còn hoàn thành thắng lợi hai cuộc kháng chiến (chống Xiêm, chống Thanh) bảo vệ nền độc lập dân tộc, góp thêm những chiến công huy hoàng vào sự nghiệp giữ nước anh hùng của dân tộc.
- Đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn được thành lập với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa nước ta trong bối cảnh chung của chế độ phong kiến đang bước vào giai đoạn suy vong. Mặc dù Triều Nguyễn đã có một số cố gắng nhưng sự phân chia giai cấp ngày càng cách biệt, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt dẫn đến các cuộc đấu tranh của nhân dân chống triều Nguyễn ngày càng mạnh mẽ, liên tục.
2.1.1.2. Về kĩ năng
Học tập lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến nửa đầu thế kỉ XIX, giúp cho học sinh sẽ phát triển các kĩ năng, năng lực. Học sinh học lịch sử không chỉ “biết” mà phải “tường”, tức là không chỉ dừng ở mức độ sự kiện mà còn phải hiểu sâu sắc bản chất của sự kiện, hoàn thiện nhân cách, đạo đức tốt, có khả năng vận dụng kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn, mà còn rèn luyện óc tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động trong suy nghĩ và hành độngcủa học sinh đồng thời tích cực rèn kĩ năng phân tích tổng hợp
52
tài liệu. Học sinh biết vận dụng những hiểu biết đã có vào các tình huống trong học tập và cuộc sống.
2.1.1.3. Về tư tưởng, tình cảm
- Giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào về lịch sử lâu đời của đất nước; Bồi dưỡng ý thức tinh thần lao động sáng tạo, ý thức về văn hóa dân tộc, về chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Bồi dưỡng ý thức độc lập dân tộc, bảo vệ sự thống nhất nước nhà qua các thế kỉ. Giáo dục lòng biết ơn đối với các thế hệ tổ tiên, các anh hùng dân tộc đã chiến đấu vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Giáo dục cho học sinh ý thức về nền kinh tế tự chủ, niềm tự hào về những thành tựu kinh tế - văn hóa của dân tộc. Từ đó có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, xác định động cơ học tập vì lý tưởng cao đẹp, phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Đồng thời, bồi dưỡng cho các em niềm say mê học tập và cống hiến cho Tổ quốc, phát huy tinh thần của người công dân tương lai trong thời đại mới, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động và phức tạp như hiện nay.
Như vậy, học tập lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến nửa đầu thế kỉ XIX không chỉ trang bị một vốn kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc mà còn góp phần quan trọng trong bồi dưỡng lòng yêu quê hương xứ sở, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, nhân loại, trong hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời hình thành các năng lực của học sinh. Theo Giáo sư Phan Huy Lê : “trong các năng lực của học sinh, quan trọng bậc nhất là nhân cách, là tư duy độc lập sáng tạo, là những tố chất tạo nên bản lĩnh con người, trong đó kiến thức cơ bản và giá trị lịch sử văn hóa là nền tảng” [8, tr.8].