Cộng hoà Pháp là nước Tây Âu có nền kinh tế phát triển từ lâu đời, công tác quản lý kinh tế nói chung và kế toán nói riêng ở trình độ cao, mô hình kế toán Pháp dung hoà các nhu cầu thông tin về mối quan hệ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Đặc trưng cơ bản của mô hình này là có sự tách biệt tương đối giữa kế toán quản lý (kế toán phân tích) và kế toán tài chính (kế toán tổng quát). Kế toán tài chính tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định của Nhà nước, trong khi đó kế toán quản lý được coi là công việc hoàn toàn riêng của doanh nghiệp, các doanh nghiệp tự xây dựng để hệ thống hoá thông tin một cách chi tiết nhằm cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý và tổ chức hệ thống sổ sách, báo cáo phục vụ cho yêu cầu quản lý sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Sự tách biệt được thể hiện:
- Về tổ chức bộ máy kế toán: Kế toán tài chính và kế toán quản lý chi phí được tổ chức thành hai bộ phận chính là bộ phận kế toán tài chính và bộ phận kế toán quản lý. Hai bộ phận này có thể ở trong cùng một phòng tài chính kế toán mà cũng có thể chia thành hai phòng chức năng riêng biệt. Bộ phận kế toán quản lý có chức năng thu thập, xử lý thông tin từ các chứng từ ban đầu hoặc do bộ phận kế toán tài chính đã phản ánh trên cơ sở một cách
chi tiết, cụ thể theo yêu cầu quản lý. Lập các dự toán chi tiết, tổ chức phân tích các hoạt động kinh tế, lập báo cáo kế toán quản lý theo yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Bộ phận kế toán tài chính có chức năng ghi chép phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp vào các tài khoản tổng hợp để thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin kế toán có tính tổng hợp. Lập dự toán tổng hợp và báo cáo tài chính.
- Về chứng từ kế toán: Ngoài việc sử dụng hệ thống chứng từ chung, kế toán quản lý chi phí còn sử dụng rộng rãi hệ thống chứng từ nội bộ trong doanh nghiệp.
- Về tài khoản kế toán: Các tài khoản kế toán quản lý chi phí được xây dựng thành một hệ thống riêng, mang ký hiệu riêng, nội dung ghi chép cũng có những điểm khác với kế toán tài chính.
- Về sổ kế toán: Kế toán quản lý chi phí xây dựng hệ thống sổ kế toán riêng phục vụ cho việc ghi chép các nghiệp vụ thuộc kế toán quản lý.
- Về báo cáo kế toán: Các báo cáo kế toán quản lý được lập riêng dưới dạng báo cáo dự toán sản xuất, báo cáo lãi lỗ từng bộ phận…Ngoài các chỉ tiêu quá khứ, chỉ tiêu thực hiện kế toán quản lý còn thiết lập các cân đối dự toán, kế hoạch.
Theo mô hình này kế toán quản lý đặt trọng tâm vào việc xác định và kiểm soát chi phí ở các doanh nghiệp sản xuất, bằng cách chia chi phí theo các trung tâm trách nhiệm quản lý, phân tích đánh giá và tìm ra các nguyên nhân làm sai lệch chi phí và cuối cùng điều hoà giữa kế toán tài chính với kế toán quản lý.
Mục tiêu của mô hình này là tính chi phí của từng trung tâm, giá thành của từng sản phẩm, dịch vụ, thiết lập các khoản dự toán chi phí và kết quả, kiểm soát việc thực hiện và giải thích được nguyên nhân chênh lệch giữa chi phí dự toán và chi phí thực tế. Công tác phân tích kết quả sản xuất kinh doanh, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh được tiến hành rất thận trọng. Thông tin kế toán quản lý được thu nhận, xử lý thông qua các phương pháp tính toán khoa học nên đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ,
chính xác, kịp thời cho nhà quản lý ra các quyết định quản lý.
Ưu điểm của mô hình này là tạo điều kiện chuyên môn hoá theo hai loại kế toán tài chính và kế toán quản lý. Phân định ranh giới rõ ràng chuyên sâu về từng lĩnh vực giúp cho từng bộ phận có điều kiện nâng cao trình độ nghiệp vụ.
Tuy nhiên, mô hình này cũng có những hạn chế như cồng kềnh, kém linh hoạt, hiệu quả kinh tế thấp, giữa tổng hợp và chi tiết không có sự kết hợp chặt chẽ, việc thu nhận và xử lý thông tin kế toán thường chậm do khâu lưu chuyển chứng từ kế toán.
Mô hình này thích hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn, mức độ trang bị và ứng dụng cơ giới hoá cao. Phù hợp với các nước áp dụng kế toán Pháp.