Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Cựu Tổng giám đốc Unessco Federico Mayor có đưa ra định nghĩa về văn hoá: “Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỉ, nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống thẩm mĩ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”.[34]
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm trong lời ngỏ của trang Wed về văn hoá vanhoahoc.com cũng định nghĩa tương tự: “Con người tồn tại trong môi trường văn hoá. Môi trường ấy thể hiện trong không gian và qua thời gian. Cuộc sống trong ta và quanh ta thấm đẫm chất men của không gian văn hoá. Cha ông ta, bản thân ta, rồi con cháu ta, sinh ra trong văn hoá, sống trong văn hoá và chết đi trong thời gian văn hoá. Tất cả những cái ta đã biết liên quan đến con người thuộc về văn hoá, tất cả những gì chúng ta còn chưa biết liên quan đến con người cũng thuộc về văn hoá. Chính là theo nghĩa đó. Edouard Herriot (1872 - 1957) - nhà khoa học và chính khách, Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp - đã nói câu bất hủ: “Văn hoá là cái còn lại khi ta đã quên tất cả, là cái còn thiếu khi ta đã học tất cả””.[49, 1]
Từ định nghĩa trên, ta có thể thấy: Văn hoá là một hiện tượng khách quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh của đời sống bao quanh con người, tồn tại hữu thức và cả vô thức trong mỗi chúng ta. Ngay cả những khía cạnh nhỏ nhất của cuộc sống cũng mang dấu hiệu văn hoá. Chính vì tính chất đó mà tính đối thoại văn hóa cũng vô cùng đa dạng. Ở bất kì khía cạnh nào chúng ta cũng có thể thấy được sự đối thoại đó. Đặc biệt là mối quan hệ giữa văn hóa và văn học. Bất kì văn hóa quốc gia nào cũng có sự phản ánh trong văn học. Văn học là nghệ thuật dùng ngôn từ và hình tượng để thể hiện đời sống và xã hội con người. “Văn học ở thời nào cũng phải đặt trong cấu trúc tổng thể của văn hoá, nhưng ở ta xem xét văn học và tiếp cận văn học từ góc độ văn hoá hiện nay vẫn là vấn đề hết sức mới mẻ.
Trước đây, văn học và văn hoá bị xem xét một cách biệt lập do người ta quan niệm văn học có đặc trưng loại biệt. Bây giờ đặc trưng loại biệt không phải là không còn, nhưng trong nhiều cách tiếp cận thì cách tiếp cận văn học từ góc độ văn hoá đang cho thấy là một hướng tiếp cận có hiệu quả. Cách tiếp cận này xem văn học như một thành tố trong cấu trúc của tổng thể văn hoá nó truyền tải, lưu giữ được những giá trị văn hoá.”[52] Trong lịch sử văn học của bất cứ quốc gia nào cũng tồn tại mối quan hệ giữa văn hoá và văn học. Đó là một mối quan hệ hai chiều khăng khít không thể tách rời. Ở đây, chúng tôi muốn khẳng định thêm một lần nữa mối quan hệ đó để có thể thấy hướng tiếp cận tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hoá là vô cùng cần thiết.
Trước kia, văn hoá và văn học được đặt ở vị trí ngang bằng,“được coi là quan hệ tương hỗ”, tức là nghiên cứu văn hoá thì dùng văn học làm tư liệu, còn nghiên cứu văn học lại dùng văn hoá để soi chiếu. Gần đây, sau khi Unesco phát động những thập kỷ phát triển văn hoá cùng sự thay đổi nhận thức văn hoá và các công trình của M.Bakhtin được giới thiệu, các nhà nghiên cứu đã thống nhất văn hoá là nhân tố chi phối văn học. Văn hoá trở thành một hướng nghiên cứu hiệu quả. Đã có một số tác giả đi theo hướng nghiên cứu này: Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thuý, Trần Nho Thìn… Tác giả Đỗ Lai Thuý khẳng định: “…Văn hoá là một tổng thể, một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có văn học. Như vậy, văn hoá chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Đây là quan hệ bất khả kháng. Tuy nhiên, văn học so với các yếu tố khác là một yếu tố mạnh và năng động. Bởi thế, nó luôn có xu hướng đi trượt ra ngoài hệ thống. Trong khi đó thì hệ thống, nhất là hệ thống văn hoá, luôn có xu hướng duy trì sự ổn định. Như vậy, sự xung đột, sự chống lại của văn học đối với văn hoá là không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ thế mà văn học có sáng tạo. Sáng tạo những giá trị mới cho bản thân nó và cho hệ
thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay đổi của hệ thống”[52, 3]. Trong mỗi nền văn hóa, chúng ta đều có thể thấy nhiều đối thoại ở nhiều cấp độ. Tuy nhiên ở bất kì nền văn hóa nào cũng đều có sự đối thoại giữa truyền thống và hiện đại, bản sắc văn hóa dân tộc này và bản sắc văn hóa dân tộc khác được du nhập, đối thoại giữa dân tộc và nhân loại. Mỗi nền văn hóa dân tộc (cổ đại, trung đại, hiện đại) đều coi như một văn bản. Nhà văn trong quan hệ với các văn bản đó đã tự mình đối thoại, hay giễu nhại. Ở trường hợp này là sự đối thoại.
Đặc biệt trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, tính đối thoại văn hóa càng nổi bật trong chiều văn hóa Ấn Độ và Việt Nam; chiều cổ đại và hiện đại.