Văn bản phong tục

Một phần của tài liệu liên văn bản trong tiểu thuyết đức phật, nàng savitri và tôi (Trang 76 - 82)

Nói đến đất nước Ấn Độ là nói đến đất nước của những lễ nghi, phong tục. Một tác phẩm viết về đất nước này như Đức Phật, nàng Savitri và tôi cũng không thể không đề cập đến phong tục, tập quán của con người

nơi đây. Và tất nhiên khảo sát các kiểu văn bản trong tiểu thuyết này mà không nói đến văn bản phong tục thì sẽ là một thiếu sót lớn.

Với sự am hiểu sâu sắc về con người Ấn Độ, nhà văn Hồ Anh Thái đã đem đến cho người đọc nhiều hiểu biết mới về phong tục của đất nước này. Ngay từ đầu tác phẩm, chúng ta đã được tiếp cận với tục thờ Nữ Thần Đồng Trinh: “Không một nghề nào về hưu sớm như làm Kumari. Đúng tuổi trở thành thiếu nữ, đúng tuổi dậy thì, chính xác là đúng ngày đầu tiên có kinh nguyệt, Nữ thần Đồng Trinh phải chấm dứt trị vì trên ngôi. Nữ thần Sống được trở về với đời thường sau những năm tháng được sùng kính chiều chuộng”[46, 6]. Một thế giới sống động như hiển hiện trên trang sách bằng sự kết nối các văn bản phong tục với tác phẩm. Chúng ta bắt gặp trong tác phẩm cả những nghi lễ cổ xưa như thanh tẩy con người bằng phân bò:

“Ba tế sư phụ lễ đồng thanh vang vang. Ôi bình yên, ôi bình yên, ôi bình yên. Họ vừa đồng thanh vừa rẩy bơ tinh khiết vào lửa. Họ ném vào đó những nắm gạo, những nắm bỏng ngô, những kẹo bánh, những bột màu, những hòa nhài hoa huệ hoa hồng. Phẩm vật dâng lên cho chư thiên trên trời cao”. [46,72] “Cha mẹ ơi, đã đến phần làm thủ tục tẩy uế. Một cái bát đựng phân bò. Một bát đựng nước giải bò. Phải là bò cái” [46,73].

Những phong tục lạ lẫm của người Ấn thực sự mang lại khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Thế giới như được mở rộng ra trong sự liên kết văn hóa. Xu hướng của thời đại làm con người hiểu nhau hơn và đặc biệt làm cho văn học phong phú hơn rất nhiều. Các phong tục từ sinh nở đến ma chay, cưới xin đều được tác giả đề cập đến. Nó vừa dẫn dắt câu chuyện, vừa giúp người đọc có những kiến giải riêng cho bản thân về tác phẩm. Chẳng hạn như tục hỏa táng vợ theo chồng chính là cái cớ để dẫn đến những năm tháng lưu lạc của nàng Savitri, giúp cho mạch truyện phát triển đồng thời cho người đọc thấy những hủ tục tàn nhẫn thời xưa: “Đạo sư thừa biết trên toàn coi bắc Ấn chỉ có mỗi tiểu vương quốc ở phía tây này duy trì hủ tục thiêu hủy vợ theo xác chồng. Đạo sư làm mối cho ta lấy ông vua lục tuần tức là đã làm mối cho ta với cái chết” [46,143].

Như đã khảo sát đối với các văn bản khác, giữa các văn bản luôn có ít nhất một đường kết nối với nhau. Văn bản về phong tục cũng vậy. Nó cũng có sự liên kết với các văn bản khác. Khi chúng ta tiếp cận với văn bản về hỏa táng rồi rắc tro cốt xuống sống Hằng. Nó không chỉ là văn bản phong tục mà còn gắn kết với tín ngưỡng về Nữ Thần Sông Hằng: “Thiêu một tử thi mất nửa ngày. Tro cốt được gom vào một cái hũ sành hình cầu, được đem lên đầu nguồn sông Hằng mà rải xuống” [46, 201]. Với người Ấn, sông Hằng là con sông linh thiêng gắn với các truyền thuyết xa xưa. Họ quan niệm tất cả những tội lỗi, hay ô uế gì khi những nước sông Hằng đều được gột rửa: “Nam nữ già trẻ, khỏe mạnh tật nguyền, tất cả đều lặn ngụp

trong dòng nước họ một đời ao ước được đến” [46, 200]. Việc thờ nữ thần sông Hằng nhắc chúng ta nhớ tới mẫu cổ. Mẫu cổ là cấp độ đầu tiên của biểu tượng. Nó là "bản tổng kết đã được công thức hoá của khối kinh nghiệm to lớn của các thế hệ tổ tiên", "vết tích tâm lí của vô số cảm xúc cùng một kiểu"(Jung). Khi đi vào đời sống văn hoá, mỗi mẫu gốc có thể sản sinh những biểu tượng văn hoá khác nhau, dấu vết của nó có thể được tìm thấy trong các thần thoại, truyền thuyết, nghi lễ, phong tục. Cũng như Việt Nam, người Ấn Độ sinh sống ven các đồng bằng ven sông (sông Ấn, sông Hằng) từ xa xưa. Con sông Hằng từ lâu trở thành một biểu tượng thiêng liêng của đất nước này. Nó gắn với con người từ khi sinh ra, lớn lên và khi trở về với cát bụi. Nhà văn Hồ Anh Thái đã qua con sông thể hiện cảm quan về sự sống, về tâm linh, tín ngưỡng và phong tục của con người nơi đây. Con sông cũng như dòng đời của con người, chảy trôi qua năm tháng. Các nghi lễ rửa tội, hỏa táng rắc tro xuống sông của dân cư miền đất này chỉ có thể giải thích bằng những vết hằn tâm lý trong tâm thức cộng đồng. Chúng ta hãy xem nhà văn Hồ Anh Thái tái hiện nó ra sao: “Hàng nghìn hàng vạn con người lội xuống bến dòng sông thiêng, vục nước vào vào giữa hai bàn tay, chờ mặt trời mọc để dâng nước cho mặt trời”... “Đàn ông đàn bà. Người già trẻ con. Thỏa nguyện ít nhất một lần trong đời được nhúng mình trong nước thánh. Nghi lễ nhúng mình xóa tội. Bao nhiêu tội lỗi được gột rửa hết qua một cái nhúng mình này” [46, 199] với người Ấn, con sông Hằng chính là biểu tượng của sự nhiệm mầu vì từ ngàn xưa nó đã nuôi dưỡng con người. Chỉ cần nước sông Hằng thì mọi ước nguyện đều thành sự thật: ai không có con uống nước sông sẽ có con, ai bi bệnh tắm sông sẽ khỏi, dòng sông sẽ giúp cho việc đầu thai chuyển kiếp... Đến thời hiện đại, những phong tục từ xa xưa vẫn như một nét văn hóa, không ai biết từ bao

giờ, không ai biết tại sao nhưng ai cũng một lòng thành kính với nó. Với phong tục hỏa táng của người Ấn cũng vậy. Nó liên quan đên việc thờ lửa. Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, biểu tượng Lửa được giải thích với những ý nghĩa chính như sau:

* Lửa - bản thể: Ý nghĩa bản thể lửa trong văn hóa nhân loại được tri nhận và lí giải tương đối phong phú. Theo Giáo thuyết Hindu, những dạng lửa của thế giới trần gian là: lửa thông thường, lửa sấm sét và mặt trời. Ngoài ra còn có hai dạng lửa khác: lửa xuyên thấu hoặc lửa hấp thụ và lửa hủy diệt. Theo Kinh Dịch, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè, trái tim…

*Lửa - thần thánh: Ý nghĩa siêu nhiên của lửa trải rộng từ những linh hồn lang thang (ma chơi, đèn lồng Viễn Đông) đến Anh linh thần thánh (Brahma với lửa là một). Nhiều nền văn hóa trên thế giới coi lửa là một vị thần có sức mạnh siêu nhiên. Trong các tôn giáo Ariăng ở châu Á và Kitô giáo, lửa là vị thần sống và tư duy.

*Lửa - tẩy uế và tái sinh: Ý nghĩa tẩy uế của biểu tượng lửa thường gắn liền với sự tái sinh. Theo một số truyền thuyết, chúa Ki tô (và các thánh) tái sinh cơ thể bằng cách đi qua lò lửa của xưởng rèn. Những người theo Đạo giáo bước vào lửa để tự giải phóng khỏi thân phận mà con người phải chịu đựng. Họ bước vào lửa mà không bị thiêu cháy. Trong Popol-Vul, hai Anh hùng song sinh, hai vị thần ngô, đã chết trên giàn thiêu bởi kẻ thù, không có gì để tự vệ rồi sau đó tái sinh hóa thân thành những đọt ngô xanh. Các cổ thư của người Ailen nhắc đến ngày hội Beltaines. Vào ngày 1-5, khởi đầu mùa hè, các giáo sĩ đốt những đống lửa cho gia súc đi qua đó để phòng ngừa các bệnh dịch.

*Lửa - hủy diệt: Ý nghĩa hủy diệt của biểu tượng lửa thể hiện: nó làm tối và chết ngạt bởi khói của nó; nó đốt cháy, tàn phá, thiêu hủy: lửa của

những dục vọng, của sự trừng phạt, của chiến tranh. Và theo đó, lửa trong tay ma quỷ lửa trở thành công cụ của quỷ.

* Lửa- giác ngộ: Lửa bên trong, lửa là tri thức xuyên suốt, là sự giác ngộ là sự hủy bỏ cái vỏ bọc ngoài. Theo sự giải thích phân tâm học của Paul Diel, lửa đất tượng trưng cho trí khôn, nghĩa là ý thức, với tất cả tính hai chiều đối nghịch của nó: ngọn lửa bốc lên trời thể hiện khí thế hướng tới sự thăng hoa tinh thần; ngọn lửa chao đảo biểu thị trí khôn, tinh thần sao nhãng.

*Lửa - phương tiện vận chuyển: Một số nghi lễ hỏa táng có nguồn gốc ở sự chấp nhận lửa như là một phương tiện vận chuyển, hay là sứ giả, từ thế giới người sống sang thế giới người chết. Cũng vậy, trong một số lễ tưởng niệm người chết, người Téléoute đi thành dòng ra nghĩa địa, ở đó người ta đốt hai đống lửa, một ở đầu quan tài, một ở phía chân. Người ta đặt phần thức ăn dành cho người chết vào đống lửa trên đầu quan tài, ngọn lửa có nhiệm vụ chuyển đồ cúng đó cho người chết.

*Lửa - giới tính:Ý nghĩa giới tính của lửa liên hệ một cách phổ biến với kĩ thuật đầu tiên thu được lửa do cọ xát bằng cách lui-tới, hình ảnh của hành động tính giao. Mircéa Eliade nhận xét: Lửa thu được bằng cọ xát được như là kết quả (con cái) của sự chung đụng giới tính.” [8,132]

Căn cứ vào các ý nghĩa của biểu tượng lửa ở trên chúng ta có thể hiểu sâu hơn tác phẩm của Hồ Anh Thái. Các dấu hiệu của lửa được tác giả thể hiện cũng bao hàm ý nghĩa tương tự như vậy. Đó là những ngọn lửa của hỏa táng và thiêu sống “Người ta khiêng hai đầu cáng, nhúng xuống sông Hằng. Lần cuối cùng của một đời. Sau đó đưa đặt cạnh giàn hỏa táng” [46, 201] Ở đây ngọn lửa trong quan niệm của người Ấn Độ chính là ngọn lửa của sứ giả, của sự vận chuyển đưa con người đến cõi âm. Còn ngọn lửa trong chi tiết ẩn sĩ Kapila thiêu chết sáu vạn con trai của vua Sakar lại mang ý nghĩa hủy diệt. Nhưng khác với ngọn lửa trong truyền thuyết về chúa Kito, lửa của người Ấn Độ không mang ý nghĩa tái sinh. Điều này thể hiện

ở quan niệm tro cốt ấy phải rắc xuống nước sông Hằng thì mới thật sự được đầu thai chuyển kiếp. Phải chăng đây là quan niệm về sự hòa hợp âm dương, giữa lửa và nước. Lửa và nước mới tạo nên sự sống gắn với tín ngưỡng phồn thực Linga và Yoni. Khi Ấn Độ giáo ra đời, theo thần thoại về Siva, thì vị thần này xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật. Sau này, con người đã biểu tượng hóa (Linga và Yoni) để thờ thần Siva, coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần. Một biến thể của lửa chính là ánh sáng cũng được xuất hiện trong chi tiêt Đức Phật giác ngộ. Ánh sáng ở đây tượng trưng cho sự giác ngộ và thông tuệ: “Cả cơ thể chàng dường như đều tỏa sáng, vầng sáng trí tuệ”

[46,179]. Trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi còn có một điều đáng chú ý nữa là tục thờ bò của người Ấn Độ. Đây cũng là một điểm đáng thú vị của văn hóa Ấn Độ. Nó gắn với tín ngưỡng Totem. Totem được xem là “vật thiêng”, có thể là con vật hay cây cối, của các bộ tộc cổ đại gắn với sự tồn tại của các thị tộc cổ đại, biểu thị cho sự đoàn kết của thị tộc như người Mông Cổ có Totem sói, người Ấn có Tôtem bò… Bò là một động vật thiêng liêng và vinh dự được nhiều nền văn hóa, các bộ tộc thờ cúng. Người theo đạo Hindu coi bò là động vật thiêng liêng nhất của họ. Pháp luật của họ quy định việc cấm giam giữ và giết bò. Việc thờ bò như một vật thiêng cũng được thể hiện trong tác phẩm của Hồ Anh Thái qua các nghi lễ thanh tẩy và quan niệm của con người nơi đây: “Một cái bát đựng phân bò. Một cái bát đựng nước giải bò. Phải là bò cái. Bò cái do thần Brahma tạo ra cùng lúc với đẳng cấp Bà La Môn. Bò cái là Mẹ Đất, mẹ của các thần. Bò cái làm ra sữa, sữa ấy được cất thành bơ tinh khiết ghee cho các giáo sĩ Bà La Môn cúng tế cho chư thiên. Bò cái vì thế là vật linh. Mỗi bộ phận trên thân thể bò cái là một biểu tượng tôn giáo. Bốn chân là bốn bản kinh Vệ Đà. Cặp sừng tượng cho thần thánh. Mặt là biểu tượng của mặt trăng và mặt trời. Vai là thần lửa Agni. Bò linh thiêng đến thế thì chất bài tiết của

bò cũng linh. Phân bò được nắm thành từng nắm, ập vào tường đất phơi cho khô, dùng làm chất đốt. Sáng sáng, người phương nam còn lấy một nắm phân bò kho ấy để làm chùi nền nhà. Phân bò lau chỗ nào, chỗ ấy được thanh tẩy”. [46, 73-74] Như vậy, chúng ta có thể thấy từ văn bản về phong tục trong tác phẩm có thể tạo nên vô số các đường dẫn liên quan đên các văn bản khác về mẫu cổ hay Totem. Sự liên kết này qua sự phân tích một cách khái quát ở trên rõ ràng cho chúng ta thấy tính khả thi của nó trong việc mở rộng ý nghĩa tác phẩm.

Phiêu lưu trong thế giới Ấn Độ, qua ngòi bút của Hồ Anh Thái chúng ta biết đến phong tục đẻ đứng của con người nơi đây: “Tôi được biết rằng đẻ đứng là tập quán từ Ấn Độ cổ đại” [46, 25]. Tái hiện được phong tục của một đất nước được xem là cái nôi của văn minh thế giới không phải là điều đơn giản. Sử dụng nó với những ý đồ nghệ thuật lại càng khó hơn. Điều đấy cho thấy nỗ lực của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

Phong tục tập quán của người Ấn là những nét văn hóa độc đáo. Sự am hiểu của tác giả về nó cho thấy tình yêu của ông với đất nước này. Thời gian lưu giữ nhiều phong tục những cũng có thể xóa đi nó. Tái hiện bằng nghệ thuật chính là cách lưu giữa nó tốt nhất. Hơn thế nữa, những văn bản phong tục cũng là cho tác phẩm ý vị hơn, tạo cho người đọc cảm giác được phiêu lưu thật sự qua những trang sách.

Một phần của tài liệu liên văn bản trong tiểu thuyết đức phật, nàng savitri và tôi (Trang 76 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w