Văn bản phái sinh trong tiếp nhận của người đọc

Một phần của tài liệu liên văn bản trong tiểu thuyết đức phật, nàng savitri và tôi (Trang 87 - 95)

Theo quan niệm về liên văn bản của J. Kristeva thì các văn bản liên kết với nhau theo trục ngang, còn tác giả và người đọc đối thoại với nhau theo trục dọc. Tất nhiên sự đối thoại giữa người đọc và tác giả phải thông qua trung gian đó chính là văn bản. Như đã nói, mỗi người đọc bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình sẽ hình thành những văn bản phái sinh cho riêng mình. Đó có thể là cảm nhận với người đọc thông thường, có thể là sự viết lại đối với một nghệ sĩ hay là phê bình văn học đối với những nhà nghiên cứu.

Với tư cách là một độc giả và là người tìm hiểu về tác phẩm Đức

Phật, nàng Savitri và tôi, người viết muốn liên kết, đối chiếu nó với những

tác phẩm viết về Đức Phật bằng Việt ngữ như Ánh đạo vàng của Võ Đình Cường, Đường xưa mây trắng của Thích Nhất hạnh. Quả thực, đúng như lý thuyết về liên văn bản, khi tiếp nhận mỗi tác phẩm văn học, người đọc sẽ có sự liên tưởng đến những văn bản khác tạo thành một chuỗi liên kết để xây dựng nên ý nghĩa cho bản thân mình. Có lẽ, ngay cả tác giả khi viết tác phẩm cũng có sự liên tưởng tương tự như vậy. Quay trở lại với vấn đề các tác phẩm viết về đề tài Đức Phật bằng Việt ngữ, chúng ta có thể thấy so với Đức Phật,

nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, Đường xưa mấy trắng bắt đầu câu

chuyện khi Đức Phật đã giác ngộ qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti. Còn Ánh Đạo vàng của tác giả Võ Đình Cường cũng bắt đầu từ khi Đức Phật được sinh ra cho đến khi viên tịch theo một giọng kể đơn nhất gắn với các sự tích về cuộc đời Đấng Giác Ngộ một cách cơ bản. Trong khuôn khổ của Luận văn, người viết chỉ so sánh một chi tiết trong ba tác phẩm để thấy mối liên hệ và sự khác biệt giữa ba văn bản. Chi tiết Đức Phật viên tịch:

“Ngài nhập định, rồi vào Niết bàn.

Sao mai mới mọc. Nhưng trời đất bỗng tối tăm, mọi vật lặng yên. Sự sống ngừng lại chìm lặng, chìm lặng khắp nơi.

Những lập lòe xa xa một ánh sáng. Rồi hai, rồi ba, rồi năm, rồi mười, rồi một trăm, một nghìn, một vạn, ôi! Rồi hằng sa số ánh sáng của những ngọn đuốc soi đường cho những tín đồ đến chậm, chiếu sáng rực cả khu rừng, cả còm trời, cả tám hướng, mười phương...

Và trong đêm lặng lẽ trời khuya, nổi lên, nổi lên dần, rồi ngân cao, ngân cao lên mãi, lời tụng kinh nông đượm tín thành của từng ngàn đệ tử, phụ họa theo với từng vạn tín đồ. Lời tụng kinh nồng đượm tín thành vượt lên mấy từng trời, phò đấng Từ bi vào Niết bàn huyền diệu...

Và từ đấy cứ lan dần, lan dần ra mãi...” [10]

“Các vị khất sĩ, hãy nghe Như lai nói đây: “Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt”, các vị hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát. Nói xong Bụt nhắm mắt. Đó là lời nói cuối cùng của người.

Bỗng nhiên đại địa rung động, hoa sa la rụng xuống như mưa, mọi người tự nhiên thấy tâm thần chấn động. Ai cũng biết là Bụt đã nhập niết bàn”...Trong suốt sáu ngày sáu đêm, dân chúng trong hai thị trấn Kusinara và pava liên tiếp cúng dường Bụt bằng hoa, hương, vũ và nhạc. Hoa mandarava và các thứ hoa khác đã phủ lấp loáng giữa hai cây sala”.[23, 663]

“Người nằm nghiêng về bên phải mà ra đi.

Những bậc giác ngộ như Phật, khi ở trên đời, người đời gọi đó là những người đến viếng thăm thế gian này. Tám mươi năm Phật đã đến viếng thăm cuộc đời trần thế” [46, 419].

Đọc ba văn bản trên cùng viết về sự ra đi của Đức phật mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng. Cảm nhận của người viết ở đây về hình ảnh Đức Phật trong tác phẩm của Hồ Anh Thái so với hai tác phẩm kia, có phần giản dị hơn cả, thậm chí là nhếch nhác khi ở đoạn sau mô tả cảnh tang lễ thiếu thốn, phải góp củi, góp bơ... so với hàng vạn ngọn đuốc của tín đồ trong

Ánh Đạo vàng hay “đại địa rung động, hoa sa la rụng xuống như mưa”

trong Đường xưa mây trắng. Chúng tôi không bàn về vấn đề tác giả Hồ Anh Thái có giải thiêng hình tượng Đức Phật hay không và sự thật về sự viên tịch của Người ra sao, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng các văn bản trong sự liên kết vừa có sự thống nhất vừa có sự khác biệt. Sự khác biệt nằm ở tài năng và cá tính của mỗi nhà văn. Cùng một đề tài, cùng một chi tiết những mỗi tác giả sẽ cho ra một văn bản mang dấu ấn của riêng mình. Vai trò của tác giả là ở đấy. “Tác giả đã chết” như quan niệm của R.Barthes chỉ đúng một phần nào đó. Tác giả vẫn có vị trí nhất định của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Cá nhân người viết với tư cách là độc giả của ba tác phẩm cũng tìm thấy cho mình ở mỗi văn bản một chút về hình ảnh Đức Phật. Nếu có thể xây dựng Đức Phật lúc nhập Niết Bàn, người viết sẽ tạo văn bản của mình như sau:

Ánh sao lấp lánh cũng đủ xẻ màn đêm rách nát. Những cánh hoa khẽ rụng rơi trên người Đức Phật. Phải chăng chết là giải thoát? Người nằm nghiêng mà thoát khỏi cõi trần. Những đệ tử, có người buồn, có người vui. Chứng kiến sự ra đi nào chẳng vậy. Buồn vì tiếc nuối, vui vì giải thoát. Khổ đau? Giải thoát? Niết bàn? Mãi là câu hỏi? Ánh sao vẫn rực sáng soi lối giữa đêm trường”

Rõ ràng tính đối thoại giữa người đọc (cả độc giả và nhà phê bình) với văn bản đều tạo ra những văn bản phái sinh. Mỗi người đọc sẽ có cách hiểu về tác phẩm cho riêng mình qua những vấn đề riêng: Về đạo Phật, về

văn hóa Ân Độ, về những vấn đề muôn thuở của cuộc sống, về tiểu thuyết, về vai trò của nhà văn... và có những đánh giá về tác phẩm khác nhau. Trong những văn bản phái sinh, chúng tôi muốn nói thêm về liên văn bản trong nhưng nghệ thuật phi - văn học, mà cụ thể ở đây là điện ảnh. Như chúng ta biết, một tác phẩm về chủ đề Phật giáo là Đường xưa mây trắng

đã nói ở trên đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Chuyển thể tác phẩm văn học cũng được xem là một liên văn bản bởi đường dẫn của lý thuyết này đưa chúng ta đến nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, các phương thức biểu hiện khác nhau. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của một nhà điện ảnh thì với tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi hoàn toàn có thể tạo nên một đường dẫn tương tự như tác phẩm của tác giả Thích Nhất Hạnh. Người viết dám chắc rằng nếu được chuyển thể thì có lẽ tiểu thuyết này của Hồ Anh Thái sẽ là một bộ phim thú vị bởi sự đồng hiện quá khứ và hiện tại trong môi trường văn hóa phong phú. Ví dụ như việc xây dựng một cảnh quay về tướng cướp Aguli Mala, chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên trường đoạn hành động hấp dẫn. Không biết có phải là người mê xem phim không nhưng quả thực tác phẩm của ông rất giầu chất điện ảnh. “Hồ Anh Thái xem rất nhiều, từ Oscar cho đến Cành cọ vàng, từ bom tấn Mỹ đến phim Iran, từ hoạt hình Nhật Bản cho đến phim bộ Hàn Quốc”.

Như vậy, có thể khẳng định, từ một hay nhiều văn bản, có thể mở ra vô số những văn bản khác. Mỗi người đọc sẽ tại ra một văn bản theo cảm nhận và khả năng của mình. Người đọc càng nhiều, văn bản càng phong phú. Theo thời gian, cấp số nhân nó lên trong tính liên kết, văn bản sẽ là vô tận như nhà văn Hồ Anh Thái cũng từng khẳng định: “Tôi tin rằng mỗi người khi đọc Đức Phật, nàng Savitri và tôi sẽ có một văn bản của riêng mình, khác với văn bản của những độc giả khác. Đó là một đặc điểm của việc tiếp nhận văn chương nghệ thuật”.

Tuy nhiên, như U. Eco đã từng khẳng định: “Trong những thập niên vừa qua, tôi có cảm tưởng là quyền của người diễn giải đã được nhấn mạnh quá đáng” [17, 106] Có lẽ những liên kết văn bản cũng cần có giới hạn nhất định. Chúng tôi cho rằng, việc mở rộng một cách thái quá các văn bản ở mặt tích cực sẽ mở rộng ý nghĩa tác phẩm những rất có thể, nó sẽ dẫn người đọc rơi vào một “ma trận” mà không thể tìm được con đường dẫn đến ý nghĩa tác phẩm. Hay chí ít, việc mở rộng thái quá liên kết văn bản sẽ làm tan loãng văn bản và ý nghĩa của nó. Văn bản phái sinh có thể nhiều vô cùng, nhưng dù nhiều đến đâu, khác nhau đến đâu thì có lẽ cũng phải được hình thành theo một số định hướng của nhà văn. Hay nói cách khác trong mỗi văn bản phái sinh ta sẽ gặp hai văn bản giao thoa lồng ghép với nhau: một văn bản tương đối ổn định, hình thành từ những định hướng tích cực của nhà văn một văn bản mang tính cá nhân của người đọc tùy thuộc vào vốn sống, trình độ văn hóa, năng lực cảm thụ văn học, thẩm mĩ và quan niệm thẩm mĩ và đặc biệt là nhân cách của anh ta.

* * * * *

Ở chương 3, người viết đã miêu tả các kiểu văn bản trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái bao gồm: văn bản tôn giáo tư tường; văn bản thần thoại sử thi; văn bản phong tục; văn bản nghệ thuật và văn bản phái sinh trong tiếp nhận của người đọc. Qua việc chỉ ra các kiểu văn bản đó và chỉ ra sự liên kết giữa chúng với nhau, chúng tôi muốn nhấn mạnh khả năng tạo đường dẫn từ một văn bản đến các văn bản khác. Nó góp phần làm rõ hơn cho tính đối thoại liên văn bản ở chương 2. Đồng thời trong tính liên kết các văn bản, ý nghĩa của tác phẩm được mở rộng và giúp người đọc có những kiến giải hợp lý về tác phẩm hơn.

KẾT LUẬN

1. Liên văn bản, bản thân nó như là lý luận văn hóa và văn học hiện đại. Thuật ngữ này được định nghĩa theo nhiều cách tùy theo hướng tiếp cận. Bản thân nó không phải một thuật ngữ dễ hiểu rõ ràng, minh bạch. Khởi nguồn từ nhà ngôn ngữ học F. Saussure và Bakhtin, được J.Kristeva định hình, đến nay, lý thuyết về liên văn bản vẫn tiếp tục được phát triển. Về cơ bản liên văn bản chính là sự kêu gọi ý nghĩa giữa các văn bản, giữa tác giả và người đọc. Nó tạo ra một mạng lưới không có ranh giới rõ ràng và xác định. Nó tạo nên một cuộc cách mạng chống lại những quan niệm thâm căn cố đế về tính cội nguồn, đặc thù, đơn nhất và tự trị của nghệ thuật. Việc đọc liên văn bản khuyến khích chúng ta chống lại việc đọc một cách thụ động mà có thể tự do liên tưởng và mở rộng ý nghĩa tác phẩm ra vô hạn. Quả thực, liên văn bản hứa hẹn là một thuật ngữ giàu sức sống với phê bình văn học trong tương lai.

Lý thuyết liên văn bản là hướng tiếp cận linh hoạt, có thể vận dụng trong nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nó phù hợp với một tiểu thuyết có phạm vi phản ánh rộng và nhiều tri thức văn hóa như Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Với luận văn này, chúng tôi đã khảo sát phần nào tính đối

thoại trong tính liên kết các văn bản cũng như các kiểu văn bản của tiểu thuyết này.

2. Tính chất liên văn bản trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và

tôi được thể hiện tập trung trong việc đối thoại văn hóa bằng sự kết nối các

đại, các sử thi, truyền thuyết, phong tục, tập quán nghệ thuật. Đối thoại văn hóa làm nền kiến trúc nền tảng của tác phẩm thể hiện quan niệm, thái độ của nhà văn. Sự tổ chức các văn bản vào thành một hệ thống duy nhất (tác phẩm) thể hiện nghệ thuật viết, cách xử lí chất liệu. Tiểu thuyết này đã thu hẹp khoảng cách thời gian và không gian để cho người đọc trải nghiệm mấy nghìn năm lịch sử trong hơn 400 trang sách. Qua việc thống kê các kiểu văn bản, chúng tôi có thể thấy nhà văn đã sử dụng một lượng rất lớn các tri thức liên ngành. Tất cả đều nhằm tạo nên một thế giới của cả quá khứ và hiện tại sinh động với các giá trị văn hóa đặc sắc. Đồng thời yếu tố liên văn bản cũng tạo nên sự giao lưu giữa các quan điểm góp phần làm sáng rõ hơn triết lý sâu xa trong Phật giáo cũng như các tôn giáo khác.

3. Liên văn bản với tính đối thoại nhiều chiều giữa các văn bản, giữa tác giả và người đọc còn mở ra nhiều tầng ý nghĩa và liên tưởng. Đó chính là không gian để cho một hình tượng Đức Phật vừa gần gũi vừa đời thường xuất hiện. Đức Phật không còn là một nhân vật của huyền thoại nữa mà được nhìn dưới nhiều góc độ: Từ cái nhìn của nhân vật tôi - nhà nghiên cứu, của nàng Savitri hiện kiếp và tiền kiếp. Khi đặt trong sự liên kết với hình tượng Đức Phật trong truyền thống và các tác phẩm cùng chủ đề trước đó, chúng ta thấy lớp hào quang của Đấng Giác Ngộ đã bị tác giả xóa bỏ để tái hiện một cách chân thật nhất nhân vật lịch sử này - vốn đã bị thời gian phong kín quá lâu. Hơn thế nữa, sự kêu gọi ý nghĩa của các văn bản ở đây còn mở ra cho người đọc sự khám phá vô tận qua việc thiết lập cho mình những mạng lưới văn bản riêng. Đó chính là sự hứa hẹn của cách tiếp cận này. Theo thời gian ý nghĩa của nó chắc chắn sẽ càng phong phú hơn.

4. Qua quá trình nghiên cứu, luận văn đã góp phần làm rõ hơn tài năng cũng như những nỗ lực cách tân tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Thành

quả của nhà văn đạt được là sự nỗ lực hết mình trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn đã dũng cảm đi vào những đề tài khó, những vấn đề rộng và đa văn hóa để cho người đọc có những tác phẩm độc đáo, bắc thêm một “cây cầu” giao lưu dân tộc.

Luận văn cũng ít nhiều đưa ra một hướng tiếp cận linh hoạt hơn với văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Đó là hướng nghiên cứu liên văn bản qua Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái. Trong xu hướng liên văn hóa và đa văn hóa như ngày nay, có lẽ hướng nghiên cứu này sẽ giúp chúng ta tỉm hiểu kĩ lưỡng hơn các tác phẩm nghệ thuật cũng như có sự đánh giá hợp lý hơn về nghệ thuật đương đại.

Một phần của tài liệu liên văn bản trong tiểu thuyết đức phật, nàng savitri và tôi (Trang 87 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w