"Tiểu thuyết như là một giấc mơ ẩn chứa những điều không có thực ở ngoài xã hội. Thực chất tiểu thuyết là một câu chuyện bịa đặt nhưng nó còn thật hơn cả sự thực". “Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài.” (Hồ Anh Thái). Với quan niệm tiểu thuyết là những “giấc mơ dài” như vậy, nhà văn Hồ Anh Thái đã đưa người đọc đến với nhiều thế giới, nhiều nền văn hóa độc đáo qua những trang sách hấp dẫn của ông. Nhưng để có được điều đó nhà văn phải có tài năng và làm việc miệt mài cho những sáng tạo của mình.
Mỗi lần Hồ Anh Thái ra mắt một cuốn sách thì lập tức nó lại cho người đọc những cảm nhận mới lạ hơn. Đó cũng chính là quan điểm của ông về nghề văn: “… người viết văn không phải vì thế mà bạ gì cũng viết. Biết sử dụng chữ cũng phải thận trọng như biết dùng súng dùng dao. Không khéo thì sẩy tay cướp cò. Trúng vào người vô tình ngang qua. Trúng vào chính mình […] Chớ viết nhờn tay quen tay. Chớ viết vì ngứa chân ngứa tay ngứa da đầu”... Nhà văn không chấp nhận những lối mòn “quen tay” nhưng muốn như vậy thì nhà văn phải nỗ lực liên tục trong sáng tạo của mình. Quan niệm “Tiểu thuyết như những giấc mơ” cũng cho thấy nhà văn đề cao sự hư cấu
trong nghệ thuật: “tái hiện cuộc sống hiện thực mà dùng mỗi một công cụ hiện thực là không đủ, nó sẽ làm nghèo trang viết của mình”.
“Dù công việc ở sở bận rộn, nhưng mỗi ngày tôi phải viết đều đặn hai tiếng, người viết chuyên nghiệp phải thế, ngồi vào bàn là anh có đủ kĩ năng huy động cảm hứng, chứ chờ cảm hứng tự dẫn thân tới là một thái độ lao động nghiệp dư và có chất thần bí hóa nghề văn…” Qua những tâm sự của tác giả, chúng ta có thể thấy ông coi nghề viết văn không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực thường xuyên. Điều này cũng cho thấy ông luôn có ý thức trách nhiệm với ngòi bút của mình, sáng tạo, đổi mới để không lặp lại bản thân và phong cách của người khác. Nhìn lại các sáng tác của Hồ Anh Thái, chúng ta có thể dễ nhận ra nhà văn đã thể hiện trong tác phẩm rất nhiều đề tài khác nhau. Ông đi vào từng “ngõ ngách” những vấn đề của cuộc sống bằng một con mắt vừa hài hước chấm biếm, vừa sâu sắc thâm trầm. Cái độc đáo ở Hồ Anh Thái là ông không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã viết, luôn đổi mới nghệ thuật tự sự để đi tới những sáng tạo nghệ thuật đủ sức chiếm lĩnh, ám ảnh trái tim người đọc.
Tuy viết về nhiều đề tài nhưng có lẽ trong các sáng tác của Hồ Anh Thái vẫn nổi lên cảm hứng chủ đạo đó chính là đất nước Ấn Độ chính như tác giả đã thừa nhận mối duyên với mảnh đất này: “Có lẽ là do nhân duyên. Tôi được đào tạo cơ bản về ngoại giao, làm ngoại giao, rồi đi bộ đội nghĩa vụ. Rời quân ngũ trở về với ngành ngoại giao, tôi đã chọn Ấn Độ chứ không phải những khu vực khác… Ấn Độ cho ta cảm tưởng, càng tìm hiểu lại càng không hiểu gì cả”. Mối duyên giữa Hồ Anh Thái và đất nước Ấn Độ đã cho người đọc những trang viết hay và những hiểu biết về văn hóa Ấn Độ sâu sắc hơn. Đặc biệt, trong những tác phẩm đó có tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, một cuốn sách thú vị mà chúng tôi sẽ khảo sát bằng lí thuyết liên văn bản ở chương sau.
Có thể nói nhà văn Hồ Anh Thái là một tấm gương về sự phấn đấu, cố gắng trong công việc và nghề văn. Làm được điều đó có lẽ không phải
đơn thuần chỉ cần năng khiếu mà còn cần một tình yêu như nhà văn đã tâm sự về kinh nghiệm sống và viết: “Kinh nghiệm sống và viết của một người không mấy có ích với người khác. Hình như ở đây có chút gì đó giống như tình yêu. Cần một chút mê đắm, một chút thành thực là có tình yêu”. Quả thực bước chân vào nghề sáng tác, mỗi người phải có đủ tình yêu để có thể đi cùng nó đến hết con đường. Ai đủ tình yêu người đó sẽ gặt hái được thành công. Nhà văn Hồ Anh Thái chính là điển hình của sự tâm huyết với nghề. Hy vọng tương lai người đọc sẽ còn được đón nhận nhiều sáng tác giá trị của ông.
CHƯƠNG 2