Bò Vàng Việt Nam thuộc loại gia súc lớn nhai lại (hay gia súc lớn có sừng), thuộc lớp động vật có vú (Mammalia), bộ guốc chẵn (Artiodactyla), bộ phụ nhai lại (Ruminantia), họ sừng rỗng (Bovidae), tộc bò (Bovini), loài bò (Bos indicus). Sỡ dĩ có tên gọi là giống bò Vàng vì chúng có sắc lông màu vàng. Bò Vàng Việt Nam có nguồn gốc từ bò Vàng Ấn Độ có u và bò Vàng Trung Quốc không u do quá trình giao lưu, buôn bán đưa vào ta và được thuần hóa tại Việt Nam từ lâu đời (Lê Viết Ly và cộng sự, 1999). Từ đó, bò Vàng đã trở thành vật nuôi quý với người dân, gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa phương, hình thành nên các tên riêng theo địa danh nơi nó sinh sống.
Bò Vàng Việt Nam rất đa dạng, khối lượng và kích thước một số chiều đo khác nhau, được nuôi ở hầu hết các địa phương trên cả nước như Lạng Sơn, Thanh Hoá, Nghệ An, Phú Yên, Bà Rỵa-Vũng Tàu,… là những nhóm giống bò được người dân bản địa thuần hoá, chọn lọc, nuôi dưỡng từ lâu đời nên chúng đáp ứng tốt với điều kiện khí hậu của từng vùng và có giá trị về kinh tế, văn hoá đặc trưng của mỗi tỉnh.
Đánh giá những đặc điểm ngoại hình như màu sắc lông, khối lượng và một số chiều đo cơ bản của quần thể giống vật nuôi là công việc mở đầu, cần thiết đối với một chương trình chọn lọc, nhân thuần và lai tạo giống. Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng của hệ động vật, đặc biệt là một số quần thể vật nuôi bản địa, trong đó có bò Vàng, chủ yếu nuôi ở các khu vực trung du, miền núi và vùng nông thôn xa thị thành. Bò Vàng Việt Nam gồm có các nhóm mang tên riêng theo tên địa phương, mang những nét đặc trưng riêng đã được chọn lọc theo
phương (Lê Viết Ly và cộng sự, 1999). Các nhóm bò này cùng mang một tính đặc trưng nhất là kích thước nhỏ bé, năng suất thịt, sữa thấp nhưng có khả năng chịu được điều kiện khó khăn, khả năng kháng bệnh và sinh sản tốt. Mặc dù đã có nhiều chương trình cải tạo giống bò thịt được thực hiện ở nước ta, nhưng bò Vàng địa phương vẫn chiếm đến 74% trong tổng số do chúng đáp ứng tốt hơn với điều kiện khí hậu, dinh dưỡng và phương thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ so với các giống bò nhập ngoại. Nguồn gốc và phân loại của bò Vàng Việt Nam không thống nhất, một số cho rằng 7 nhóm nhưng đều thuộc một giống bò Vàng Việt Nam (Lê Viết Ly và cộng sự, 1999), trong khi đó một số khác lại cho rằng chúng là những giống địa phương khác nhau (At lat, 2004) và được đặt theo tên từng địa danh như: giống bò Hmông, Lạng Sơn, Thanh Hóa, U đầu rìu Nghệ An, Phú yên, Bà Rịa, cũng có những quan niệm cho là chúng thuộc giống Brahman. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào làm sáng tỏ về mối quan hệ giữa các nhóm bò này ở mức độ di truyền. Vậy, liệu chúng là những giống bò khác nhau hay thuộc cùng một giống, chúng thuộc loài bò có u (Bos indicus) hay không u (Bos taurus) cũng như có mối quan hệ với giống Brahman không. Do chưa có một công trình nghiên nào đánh giá đặc điểm ngoại hình và bản chất di truyền của các quần thể bò Vàng nuôi ở các địa phương khác nhau, bò U Đầu Rìu nuôi tại Nghệ An, Hà Tĩnh và bò H’mông nuôi tại Hà Giang nên chúng cần được nghiên cứu đánh giá vừa để bảo tồn vừa để phát triển. Vì vậy, những thông tin về điểm ngoại hình của các quần thể bò Vàng Việt Nam là rất cần thiết để cùng với các thông tin về đặc điểm di truyền phân tử sẽ góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ di truyền của một số nhóm bò vàng ở nước ta đồng thời để giúp cho công tác chọn lọc, nhân thuần và lai tạo giống.