Kỹ thuật microsatellite đã được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc và đa dạng di truyền trên nhiều quần thể bò từ khắp các châu lục và với số lượng locút microsatellite sử dụng cũng rất khác nhau. Moazami-Goudazi và cộng sự (1997) sử dụng 17 locút microsatellite để nghiên cứu đa dạng di truyền và mối quan hệ di truyền của 10 giống bò ở Pháp. Schmid và cộng sự (1999) sử dụng 30 locút microsatellite để nghiên cưu đa dạng di truyền của một số giống bò của ở Thụy Sĩ. MacHugh và cộng sự (1998) đã sử dụng 20 locút microsatellite để xác đinh cấu trúc di truyền của 7 giống bò của châu Âu. Martin-Buriel và cộng sự (1999) sử dụng 30 locút microsatellite để nghiên cứu đa dạng di truyền của 6 giống bò bản địa Tây Ban Nha. Loftus và cộng sự (1999) sử dụng 20 locút microsatellite để nghiên cứu mối quan hệ di truyền và tính đa dạng di truyền của một số giống bò gồm cả Bos taurus và Bos indicus ở vùng Cận Đông, Châu Âu và Tây Phi. Canon và cộng sự (2001) đã sử dụng 16 chỉ thị microsatellite để xác định cấu trúc di truyền, mối quan hệ di truyền và tính đa dạng di truyền của 18 giống bò thịt bản địa của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp nhằm cung cấp những thông tin về tính đa dạng di truyền và đặc điểm di truyền phân tử phục vụ cho mục đích bảo tồn. Kim và cộng sự (2002) sử dụng 13 locút microsatellite để nghiên cứu sự sai khác di truyền và mối quan hệ di truyền của các giống bò ở Đông Bắc Á bao gồm Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, kết quả cho thấy tính đa dạng thể hiện cao nhất là giống bò của Trung Quốc sau đó là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mukesh và cộng sự (2004) đã sử dụng 20 locút microsatellite để nghiên cứu tính đa dạng di
truyền của một số giống bò bản địa của Ấn Độ. Ibeagha-Awemu và cộng sự, (2005) đã sử dụng 16 locút microsatellite để nghiên cứu cấu trúc tính đa di truyền của 12 giống bò bản địa Châu Phi. Brenneman và cộng sự (2007) sử dụng 26 locút microsatellite để nghiên cứu sự đa dạng di truyền của 4 giống bò nuôi tại Mỹ là Angus, American Brahman, Senepol và Romsinuano.
Gần đây là nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2007) đã sử dụng 30 locút microsatellite để nghiên cứu sự đa dạng và cấu trúc di truyền của 27 giống bò vàng Trung Quốc trên tổng số 1638 mẫu. Kết quả đã cho thấy tính đa dạng di truyền của các giống bò vàng của Trung Quốc là rất cao so với kết quả phân tích trên 3 giống bò ngoại nhập hơn nữa khi phân tích cấu trúc di truyền kết quả cũng cho thấy các giống bò vàng tách biệt hẳn so với các giống ngoại nhập. Đây là một trong những nghiên cứu có ý nghĩa tham khảo rất tốt bởi vì các giống bò của Trung Quốc có mối liên hệ rất gần với các giống bò của Việt Nam.