Phân loại nồng độ 25(OH)D huyết thanh

Một phần của tài liệu Khảo sát nồng độ vitamin D (25-OH) trong huyết thanh ở bệnh nhân xơ gan (Trang 76 - 78)

Trong số 120 bệnh nhân xơ gan nghiên cứu của chúng tôi: Nồng độ 25(OH)D trung bình 13,64 ± 7,93 ng/ml, giá trị thấp nhất là 3 ng/ml, cao nhất là 57,03 ng/ml. Nồng độ 25(OH)D huyết thanh <30 ng/ml chiếm 95,8%,

trong đó có 44 bệnh nhân (36,7%) có nồng độ 25(OH)D thiếu ở mức độ nặng <10 ng/ml và có 58 bệnh nhân chiếm 48,3% có nồng độ 25(OH)D huyết thanh từ 10 đến 20 ng/ml.

Puzt-Bankuti C. và cộng sự (2012) [45]: Nghiên cứu 75 bệnh nhân xơ gan có nồng độ 25(OH)D thấp trung bình là 16 ± 9,2ng/ml và thiếu vitamin D với 25(OH)D thấp dưới 20 ng/ml chiếm 71% bệnh nhân. Theo tác giả thiếu vitamin D là phổ biến ở bệnh nhân xơ gan và cho thấy một mối liên quan đáng kể giữa nồng độ 25(OH)D với mức độ rối loạn chức năng gan và gợi ý rằng nồng độ 25(OH)D thấp có thể dự đoán tiến triển mất bù và tử vong ở những bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính.

Malham M.và cộng sự (2011) [44]: Nghiên cứu 123 bệnh nhân trong đó có 89 bệnh nhân xơ gan rượu và 34 bệnh nhân xơ gan mật tiên phát cho thấy 85% bệnh nhân xơ gan rượu bị thiếu vitamin D và tỷ lệ này là 55% số bệnh nhân xơ gan mật tiên phát.

Arteh J.và cộng sự (2010) [43]: Nghiên cứu trên 118 bệnh nhân bị bệnh gan mạn tính cho thấy 109/118 (92,4%) thiếu hụt vitamin D và ít nhất 1/3 số họ thiếu hụt nghiêm trọng.

Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự kết quả nghiên cứu của tác giả trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu của Hồ Phạm Thục Lan (2009): nghiên cứu thiếu vitamin D ở người bình thường ở thành phố Hồ Chí Minh: tỷ lệ thiếu vitamin D ở nam giới là 20%, nữ giới là 46,1%. Trong đó tỷ lệ thiếu vitamin D ở độ tuổi < 30 tuổi là 50%, ở độ tuổi 30- 60 tuổi là 40%, ở độ tuổi > 60 tuổi là 56%. Yếu tố nguy cơ thiếu vitamin D là tuổi, trọng lượng và thời gian phơi nắng [57]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Hương (2010), tiến hành nghiên cứu trên 558 đối tượng (222 nam và 336 nữ) tuổi từ 13 đến 83 tại Hà Nội và Hà Nam. Kết quả

phân tích cho thấy nồng độ 25 (OH)D trung bình ở nam giới (28,6 ± 8,9 ng/ml) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nữ (24,1 ± 8,5 ng/ml). Ở cả 2 giới, nồng độ 25(OH)D cao nhất vào mùa hè và thấp nhất vào mùa đông (p<0,0001). Tỷ lệ thiếu vitamin D ở nữ (74,4%) cao hơn đáng kể so với ở nam (58,3%) (p=0,0001). Nguy cơ thiếu vitamin D liên quan đến độ tuổi, giới tính, nơi cư ngụ [58].

Qua nghiên cứu trên chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ giảm nồng độ vitamin D phổ biến ở bệnh nhân xơ gan (95,8%), tỷ lệ này cao hơn đối với tỷ lệ giảm nồng độ vitamin D ở người bình thường (20%÷70%).

Trong nghiên cứu của MalhamM quan sát rằng sự thiếu hụt là ít rõ ràng hơn ở những bệnh nhân xơ gan mật tiên phát cho thấy mật kém hấp thu axit béo không phải là cơ chế duy nhất liên quan đến thiếu hụt vitamin D. Điều này gợi ý cơ chế thiếu hụt vitamin D ở bệnh nhân xơ gan có thể là kết quả của nhiều yếu tố như: giảm sự hydroxyl hóa của vitamin D tại gan, suy dinh dưỡng, kém hấp thu đặc biệt ở đối tượng nghiện rượu, gan giảm sản xuất protein vận chuyển vitamin D, và việc sản xuất vitamin D ở da bị suy yếu do giảm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời ở người bị bệnh mạn tính thường hạn chế hoạt động ngoài trời hơn nhóm người khỏe mạnh hoặc vàng da.

Một phần của tài liệu Khảo sát nồng độ vitamin D (25-OH) trong huyết thanh ở bệnh nhân xơ gan (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)