Trong nghiên cứu của chúng tôi bệnh nhân xơ gan gặp chủ yếu là nam 98 bệnh nhân chiếm 81,7% và 22 bệnh nhân nữ chiếm 18,3%. Tỷ lệ nam/nữ là 4,4. Kết quả này cho thấy xơ gan là bệnh gặp nhiều ở nam hơn nữ. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Đặng Thị Kim Oanh (2007) [51] nam 86,75, nữ 14,1% cũng như của Nguyễn Đức Anh [50] nam 86,7%, nữ 13,1%. Phạm Thị Phương Hạnh [49] nam 77,5%, nữ 22,5%.
4.1.3. Nguyên nhân gây xơ gan
* Do rượu:
Trong 120 bệnh nhân chúng tôi nghiên cứu kết quả 52 bệnh nhân xơ gan do rượu chiếm 43,3% phù hợp với các nghiên cứu của Phạm Thị Phương Hạnh [49] xơ gan do rượu chiếm 38,8%, Đặng Thị Kim Oanh [51] xơ gan do rượu chiếm 48% và Nguyễn Đức Anh [50] xơ gan do rượu chiếm 64%. Nghiên cứu của Fisher L. và cộng sự (2007) [42] xơ gan do rượu chiếm 40%.
Điều đáng chú ý là tất cả các bệnh nhân nghiện rượu đều là nam giới. Đây là thói quen của nam giới từ lâu nay ở nhiều nước trên thế giới không chỉ riêng ở nước ta và nghiên cứu của chúng tôi không phải là ngoại lệ. Rượu ảnh hưởng đến chức năng gan, uống rượu lâu ngày có thể là nguy cơ gây ung thư gan. Loại rượu bệnh nhân uống thường là rượu trắng tự cất nấu bằng các loại ngũ cốc kém chất lượng dùng để chăn nuôi. Trên thế giới phụ nữ ngày càng có xu thế uống rượu nhiều nhưng ở Việt Nam thói quen uống rượu ở nữ là hiếm hơn. Đây cũng là một lý do tại sao xơ gan gặp ở nam nhiều hơn.
*Do virus:
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 40 bệnh nhân nhiễm 1 loại virus chiếm 33,3% (trong đó có 36 bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B và 4 bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C) so với kết quả nghiên cứu của các tác giả Phạm Thị Thanh Tâm (2008) [52] là 31,6%. Điều này là phù hợp với dịch tễ nhiễm virus viêm gan của các nước đang phát triển virus viêm gan B luôn chiếm tỷ lệ cao.
Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi cùng với nghiên cứu của các tác giả khác tỷ lệ bệnh xơ gan do nguyên nhân virus gây nên chiếm tương đối cao trong các nguyên nhân gây xơ gan.
*Do rượu và virus:
Nguyên nhân do rượu và virus là 18 bệnh nhân chiếm 15% trong đó có 11 bệnh nhân kèm nhiễm virus viêm gan B, 6 bệnh nhân kèm nhiễm virus viêm gan C và chỉ có 1 bệnh nhân đồng nhiễm virus viêm gan B và C. Các bệnh nhân này đều có thời gian uống rượu kéo dài trên 3 năm. Nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả của Đặng Thị Kim Oanh 13% [51].
Nghiện rượu làm cho cơ thể giảm sức đề kháng tạo điều kiện thuận lợi cho những người mang virus không có triệu chứng trở thành người có virus hoạt động. Khi đó virus phát triển và gây tổn thương tế bào gan rất nhanh do hàng rào bảo vệ cơ thể đã suy yếu.