ĐTSX và XNK Cà phê - Cao su Nghệ An
Công tác quản trị nhân lực của Công ty cũng như các hoạt động quản trị khác, nó chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố như triết lý quản lý của lãnh đạo Công ty, trình độ cán bộ quản trị, đặc điểm lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phương hướng phát triển của Công ty trong tương lai, sự phát triển của các ngành kinh tế hiện đại và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc điểm nguồn lực Công ty, cán bộ quản trị nhân lực công ty. Sau đây chúng ta đi xem xét sự tác động của từng yếu tố tới sự thành công của công tác quản trị nhân sự trong Công ty.
Các đặc điểm về lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Công ty
Đặc điểm về các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Công ty là một trong những nhân tố khách quan ảnh hưởng tới công tác quản trị nhân lực của Công ty. Nếu như trước đây, Công ty Đầu tư Sản xuất và Xuất Nhập Khẩu Cà phê- Cao su Nghệ An chỉ sản xuất kinh doanh phục vụ cho ngành Cà phê- Cao su thì đến nay Công ty đã mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực như kinh doanh nông sản. Mặc dù sự thay đổi trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Công ty là không đáng kể tuy nhiên nó cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động quản trị nhân lực của Công ty.
Các đặc điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tác động đến hoạt động của quản trị nhân lực theo hai hướng, tích cực và tiêu cực. Thứ nhất, về mặt tích cực, dựa vào các đặc điểm của lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Công ty mà nhà quản trị có thể xác định được số lượng và chất lượng lao động Công ty cần để hoàn thành các mục tiêu của mình.
Qua các đặc điểm riêng về lĩnh vực kinh doanh của mình, Công ty đưa ra các quyết định tuyển dụng hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo thuận lợi như đã nêu, yếu tố này cũng sẽ trở thành bất lợi nếu như nhà quản trị không nắm bắt được chính xác nhu cầu của Công ty, cũng như của lĩnh vực kinh doanh mà Công ty đang theo đuổi.
Phương hướng phát triển của Công ty trong tương lai
Ngoài yếu tố đã nêu ở trên, các phương hướng phát triển của Công ty trong thời gian tới cũng là một trong những nhân tố tác động đến các hoạt động của quản trị nhân lực trong Công ty. Trong thời gian tới Công ty phấn đấu vì mục tiêu tăng cường công tác quản lý tài chính nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn, từng bước nâng cao tiền lương và thu nhập nhằm cải thiện đời sống cho người lao động.
Xuất phát từ các phương hướng nêu trên, các hoạt động quản trị nhân lực cũng phải thực hiện theo mục tiêu phát triển chung của Công ty. Có thể nói các phương hướng phát triển của Công ty sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động của quản trị nhân lực. Đó chính là cơ sở để các nhà quản trị nhân lực hoạch định các chiến lược, xây dựng các chương trình quản lý lao động. Các chính sách cũng như biện pháp về nhân sự đều phải tiến đến mục tiêu cao nhất của toàn Công ty.
Sự thành công của công tác quản trị nhân lực sẽ được khẳng định ở kết quả cuối cùng Công ty có đạt được mục tiêu của mình hay không. Nhà quản lý giỏi là người biết hướng nhân viên của mình vào những mục tiêu chung của tổ chức, biến chúng thành mục tiêu chung của từng cá nhân người lao động, kích thích họ hoàn thành nó một cách xuất sắc. Chỉ khi nào tập hợp được đầy đủ các yếu tố trên tổ chức mới khai thác được hết các tiềm năng của nguồn nhân lực của mình, đạt được mục tiêu cao nhất đã đề ra.
Sự phát triển của các ngành kinh tế hiện đại và tiến bộ của khoa học kỹ thuật
Bất kì một doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều phải hoạt động dưới sự điều tiết của nền kinh tế và chịu sự tác động từ môi trường bên ngoài. Nền kinh tế càng phát triển càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho Công ty có cơ hội áp dụng các tiến bộ đó vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh những thuận lợi của sự phát triển đó, doanh nghiệp cũng gặp phải những khó khăn như sự dòi hỏi ngày càng cao từ thị trường, cạnh tranh ngày càng trở lên gay gắt hơn. Do đó một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được cần phải biết xây dựng và duy trì cho mình một nguồn nhân lực có trình độ, có khả năng cạnh tranh cao.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế nước ta cùng và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động quản trị nhân lực trong tổ chức ngày càng được chú trọng hơn. Nều như trước đây, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng để người lao động làm việc tốt chỉ cần trả lương cao cho họ, thì nay khi nền kinh tế phát triển nhu cầu của con người ngày càng cao, người lao động không chỉ cần có lương cao mà họ còn đòi hỏi được coi trọng, được có cơ hội phát triển bản thân .
Như vậy có thể thấy sự phát triển của nền kinh tế làm cho đời sống của con người cũng thay đổi theo, muốn khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của mình, công tác quản trị nhân lực càng phải được chú trọng để thích nghi với sự thay đổi đó. Bên cạnh đó, các nhà quản trị nhân lực của Công ty phải luôn cập nhật những
thông tin mới để ngày càng hoàn thiện công tác quản trị con người trong tổ chức
Triết lý quản lý của lãnh đạo Công ty
Công tác quản trị nhân lực của Công ty chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các chính sách của Công ty. Và các chính sách đó đều bắt nguồn từ triết lý quản lý của lãnh đạo Công ty. Các lãnh đạo của Công ty luôn coi người lao động là động lực chính cho sự phát triển của Công ty, là mục tiêu hoạt động của tổ chức. Công ty không ngừng tìm mọi biện pháp nhằm cải thiện điều kiện làm việc và chất lựợng cuộc sống của người lao động. Hơn nữa Công ty luôn tạo điều kiện để người lao động làm việc độc lập và khuyến khích họ tự đánh giá kết quả thực hiện công việc của mình (kết hợp với đánh giá của người lãnh đạo trực tiếp).
Có thể nói cách nhìn của người lãnh đạo về vai trò của hoạt động quản trị nhân lực sẽ là yếu tố quyết định đến việc Công ty có chú trọng đầu tư cho hoạt động này hay không .Thông qua các chính sách đó, chúng ta có thể thấy rõ sự tác động của triết lý quản lý của lãnh đạo Công ty tới công tác quản trị nhân lực. Trước hết, các chính sách này tạo điều kiện cho người lao động tự đánh giá việc thực hiện công việc, nâng cao ý thức cá nhân người lao động. Điều này tạo thuận lợi trong việc quản lý người lao động của tổ chức. Xuất phát từ các triết lý quản lý trên các nhà lãnh đạo đã đưa ra các chính sách nhằm cải thiện điều kiện làm việc cũng nhưng không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.
Các đặc điểm nguồn nhân lực của Công ty
Nguồn nhân lực của Công ty là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn tới công tác quản trị nhân lực trong tổ chức. Như chúng ta đã khẳng định, mỗi một tổ chức đều có một tập thể lao động mang đặc trưng riêng của mình. Hoạt động quản trị nhân lực chỉ phát huy được hiệu quả với tổ chức khi nó nắm bắt được các đặc tính riêng của nguồn nhân lực trong tổ chức đó để đưa ra các chính sách và biện pháp phù hợp. Công ty Đầu tư Sản xuất và Xuất Nhập Khẩu Cà phê- Cao su Nghệ An là một Công ty trực thuộc Nhà nước. Nguồn nhân lực trong Công ty được chia ra làm hai lực lượng chính, bao gồm lao động văn phòng và lao động tại các Nông trường và Xí nghiệp. Lao động văn phòng Công ty đến tháng 12 năm 2012 là 70 người, năm 2013 có 66 người trong đó có 72.21% người có trình độ đại học, 27.79% còn lại là cao đẳng, trung cấp và phổ thông. Có thể thấy lao động văn phòng của Công ty hầu hết là lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Hơn nữa, đặc điểm lao động văn phòng của Công ty là họ có hiểu biết về sản phẩm và thị trường của Công ty cũng như năng
lực thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Do được đào tạo kỹ càng, các lao động văn phòng của Công ty luôn hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của Công ty cũng như của pháp luật.
Một lực lượng lao động khác cũng giữ một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Công ty, đó là lực lượng lao động tại các Nông trường và Xí nghiệp của Công ty. Đến hết tháng 9 năm 2013 số lao động tại các Nông trường và Xí nghiệp của Công ty là 2206 người. Do là lao động tại các Nông trường và Xí nghiệp nên đòi hỏi về trình độ của người lao động là không cao. Lao động của các Nông trường và Xí nghiệp phần lớn là lao động trung cấp và phổ thông chiếm 60% toàn bộ lao động trong các Nông trường. Đặc điểm chính của các lao động này là chiếm một tỷ lệ khá cao trong toàn Công ty. Tuy nhiên một số lao động tại các Nông trường và Xí nghiệp lại chưa có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của tập thể.
Do các đặc trưng riêng về nguồn nhân lực như đã nêu trên, hoạt động quản trị nhân lực của Công ty chịu tác động không nhỏ từ các đặc điểm đó. Trước hết là các tác động tích cực phải kể đến đó là hoạt động quản trị nhân lực sẽ nhận được sự ủng hộ (đặc biệt là các chính sách về nhân sự của Công ty) từ phía người lao động. Từ đó người lao động sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định do Công ty đề ra. Sự ủng hộ, đóng góp ý kiến của người lao động trong Công ty sẽ là điều kiện tiên quyết đối với sự thành công của các chương trình nhân sự.
Tuy nhiên bên cạnh các tác động tiêu cực, đặc điểm riêng của nguồn nhân lực trong Công ty cũng có thể trở thành trở ngại lớn đối với hoạt động quản trị nhân sự của tổ chức. Do nhu cầu của người lao động luôn thay đổi, mỗi đối tượng người lao động lại có những nhu cầu khác nhau đòi hỏi nhà quản trị phải rất linh hoạt và nhạy bén trong việc đáp ứng các nhu cầu đó. Đối với đối tượng người lao động, hiểu biết hạn chế, họ cũng dễ dàng biến thành trở ngại đối với nhà quản trị trong việc các nhiệm vụ của mình. Nếu như các chính sách của Công ty không thoả đáng, hoặc không làm cho người lao động hiểu cặn kẽ, người lao động cũng có thể chống lại và tỏ ra đối đầu với các người quản lý.
Như vậy có thể thấy rằng, nguồn nhân lực của tổ chức là đối tượng của quản trị nhân lực, nó vừa có thể tạo điểu kiện thuận lợi lại vừa có thể cản trở các hoạt động của công tác quản trị nhân lực. Một nhà quản trị nhân lực chỉ thành công khi biết nắm bắt được các đặc điểm riêng của lao động trong tổ chức và khai thác có hiệu quả các đặc điểm riêng ấy.
Cán bộ quản trị nhân lực của Công ty
Ngoài hai yếu tố tác động đến công tác quản trị nhân lực của Công ty nêu trên, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động này, đó là đặc điểm riêng của cán bộ quản trị nguồn lực của Công ty. Một Công ty muốn khai thác và sử dụng lao động có hiệu quả nhất thiết phải có một đội ngũ cán bộ quản trị nhân sự năng động và trình độ chuyên môn cao.
Tại Công ty Đầu tư Sản xuất và Xuất Nhập Khẩu Cà phê - Cao su Nghệ An, phòng chuyên trách về nhân sự của Công ty có tên gọi là Phòng Tổ chức - Nhân sự. Bộ phận chuyên trách về nhân sự của Công ty bao gồm gồm trưởng phòng và các phó phòng giúp việc, các cán bộ chuyên trách về tiền lương, thi đua khen thưởng, tổ chức nhân sự. Các cán bộ nhân sự của Công ty đều ở trình độ Đại học trở lên và đã có kinh nghiệm trong công tác quản trị nhân lực. Hoạt động quản trị nhân lực của Công ty sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cán bộ chuyên trách về nhân sự. Bởi họ chính là người xây dựng và tiến hành các chương trình quản lý nguồn nhân lực của Công ty. Hơn thế, chính họ sẽ là người giữ vai trò tư vấn cho lãnh đạo Công ty về các chính sách đối với người lao động. Nhà quản trị nhân sự là cầu nối giữa lãnh đạo và người lao động. Họ là người giải thích các chính sách của lãnh đạo cho người lao động hiểu và thực hịên nó, đồng thời họ cũng là người đề đạt các nhu cầu của người lao động với lãnh đạo của Công ty.
Như vậy, có thể thấy nhà quản trị nhân sự chính là người giữa vai trò điều hoà quan hệ lao động trong tổ chức, tạo lên sức mạnh đoàn kết của tập thể lao động. Có thể nhận định rằng trong Công ty, các cán bộ quản trị nhân sự giữ vai trò quyết định đối với sự thành công của công tác quản trị nhân lực. Do đó muốn khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của tổ chức, Công ty cần không ngừng nâng cao trình độ cũng như tinh thần làm việc của các nhân viên trong Công ty.