2.3.1.1. Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Nhìn chung, cơ sở lưu trú ở Đắk Lắk khá nhiều, chất lượng một số khách sạn đạt loại tốt. Các khách sạn và nhà nghỉ thường có phục vụ ăn uống và các món ăn đặc sản theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, đa số các khách sạn và nhà nghỉ chỉ tập trung trong phạm vi TP. Buôn Ma Thuột. Du khách muốn nghỉ lại qua đêm tại các điểm du lịch ở huyện thường khó tìm được phòng nghỉ vừa ý hoặc thậm chí không có nhà nghỉ hay khách sạn nào gần đó. Các khách sạn ở huyện thường có quy mô nhỏ, phục vụ chưa chuyên nghiệp và thiết bị hiện đại rất thiếu. Trong điều kiện phát triển du lịch bền vững hiện nay, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được so với nhu cầu của du khách.
Tính đến 2010 tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn là 132 cơ sở là với tổng số buồng là 2.583, trong đó có 3 khách sạn 3 sao với 188 buồng, 4 khách sạn 2 sao với 116 buồng, 3 khách sạn 1 sao với 40 buồng, 37 khách sạn chưa xếp hạng với 1075 buồng, các loại nhà nghỉ và nhà khách gồm 85 cơ sơ với 1.164 buồng.
Bảng 2.1 . Hiện trạng cơ sở lưu trú của Đắk Lắk
STT Hạng mục Năm Tăng trưởng BQ
ĐV tính 2000 2005 2006 2010 2000 – 2005 2006 – 2010 2000 - 2010
1 Cơ sở lưu trú Cơ sở 12 54 68 132 35,10% 18,04% 27,10% Số buồng Buồng 319 1.213 1.484 2.583 30,62% 14,86% 23,26% 2 Khách sạn từ 1
đến 3 sao Cơ sở 5 34 40 47 46,72% 4,11% 25,12% Số buồng Buồng 159 876 1.033 1.419 40,68% 8,26% 24,47% 3 Cơ sở lưu trú khác Cơ sở 7 20 28 85 23,36% 32,00% 28,36% Số buồng Buồng 160 337 451 1.164 16,07% 26,75% 21,95%
Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk
Trong những năm gần đây công trình xây dựng khách sạn Đăkruco đã hoàn thành, đây là khách sạn 4 sao đầu tiên được xây dựng ở Đắk Lắk với tổng số 120 phòng các loại. Tính đến năm 2010 số cơ sở lưu trú đã tăng lên nhanh chóng cả về số lượng cũng như bước đầu chuyển biến về mặt chất lượng. Ngành du lịch cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở lưu trú về chất lượng, quy mô, đa dạng hoá các loại hình phục vụ, liên kết với các công ty du lịch, nâng cao trình độ nghiệp vụ và tăng cường quảng bá, tiếp thị để thu hút và phục vụ du khách tốt hơn.
b. Các cơ sở ăn uống và dịch vụ khác
Tỉnh hiện bốn khu du lịch là khu du lịch hồ Lăk, khu du lịch hồ Ea Kao, khu du lịch Buôn Đôn và khu vui chơi giải trí ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhà thi đấu thể
thao của tỉnh có diện tích lên tới 8.700m2, hiện đại, có 3.000 chỗ ngồi đã đăng cai một số giải thể thao toàn quốc như quyền anh, cầu lông, bóng chuyền. Không chỉ là địa điểm thi đấu, nhà thi đấu còn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá mang tính cộng đồng thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, giao lưu giữa các thế thệ. Bốn hồ bơi, bốn sân tennis và các cơ sở thể thao của thành phố đã phần nào đáp ứng nhu cầu chưa cao của người dân và du khách.
Ở TP. Buôn Ma Thuột có nhiều nhà hàng đặc sản, món ăn ngon. Một số quán nổi tiếng như Đam San, Ngon, Thanh Hùng, Kim Anh, Bò Né Bốn Triệu. Món ăn và hương vị thức ăn của Đắk Lắk khá lạ lẫm đối với nhiều người, chúng thường được đánh giá cao vì vừa lạ về khẩu vị, vừa thanh về gia vị và ngon.
Có thể nói, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch như vậy là một cố gắng lớn, mặc dù mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của du lịch. Do đó, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng dịch vụ và trình độ nghiệp vụ cần được đánh giá đúng mức để cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững.
2.3.1.2. Cơ sở hạ tầng du lịch
a. Hệ thống giao thông
Mặc dù địa hình cao nguyên nhưng giao thông Đắk Lắk khá phát triển và đang ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu du lịch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có năm tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 700,2 km. Trong đó:
- Quốc lộ 14 dài 272 km nối Đắk Lắk với Gia Lai và quốc lộ 26 đến TP. Nha Trang, mặt đường bê tông nhựa, công trình thoát nước vĩnh cửu.
- Quốc lộ 27 đi TP. Đà Lạt, Phan Rang, dài 83,2 km mặt đường đã được láng nhựa, 28,2 km đường công trình thoát nước vĩnh cửu.
- Quốc lộ 28 dài 58 km, quốc lộ 14C dài 168 km, đường đã được rải nhựa hoàn toàn.
- Tỉnh lộ có 16 tuyến đường, nối liền các huyện với thành phố, tổng chiều dài 610 km. Có 44 cây cầu vĩnh cửu với tổng chiều dài 716 m và 44 cầu tạm.
Các tuyến đường huyện cũng được đổ nhựa nhiều, với 77 tuyến, dài 806 km. Đường xã, đường thôn buôn dài hơn 4.400 km, chủ yếu là đường đất với khoảng 200 cây cầu lớn nhỏ. Hầu hết các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 125 xã có đường nhựa.
Đường đô thị dài 109,5 km, hầu hết là đường nhựa, đi lại thuận tiện và hai bên đường được trồng cây khá đẹp mắt. Các hàng cây bên đường đã trở thành nét đặc trưng của Đắk Lắk. Phần lớn là bằng lăng tím, hoa sữa và cây sao.
Mặc dù hệ thống đường nhựa chưa nhiều nhưng cùng với các dịch vụ vận tải, giao thông đường bộ đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân. Mạng lưới xe buýt đã mở rộng đến tất cả 13 huyện, thành phố với nhiều thành phần kinh tế tham gia, có hiệu quả cao. Dịch vụ taxi phát triển với nhiều thương hiệu khác nhau sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đi lại trong tỉnh. Giao thông đường hàng không đã được cải tiến, bắt nhịp cùng với sự phát triển kinh tế và nhu cầu du lịch của khách hàng. Sân bay Buôn Ma Thuột thuộc cụm sân bay miền Nam, đã hoạt động vận tải hành khách từ năm 1977 đến nay. Trước đây chỉ có hai tuyến chính là TP. Buôn Ma Thuột - TP. Đà Nẵng - Hà Nội và TP. Buôn Ma Thuột - TP. HCM với máy bay ATR72 thì từ ngày 10/3/2007 đã đưa vào hoạt động máy bay Airbus320 bay thẳng Hà Nội - TP. Buôn Ma Thuột và ngược lại. Lịch bay cũng nhiều hơn trước, mỗi ngày có 10 chuyến đi về giữa TP. HCM - TP. Buôn Ma Thuột, hai chuyến TP. Buôn Ma Thuột - TP. Đà Nẵng và một tuần có 6 chuyến đi về giữa TP. Buôn Ma Thuột - Hà Nội. Mật độ chuyến bay dày như thế góp phần không nhỏ cho hoạt động du lịch của tỉnh.
b. Thông tin liên lạc
Thông tin liên lạc đảm nhận việc vận chuyển tin tức một cách nhanh chóng, kịp thời, góp phần thực hiện các mối giao lưu giữa các vùng và các nước. Trong sự phát triển của du lịch, không thể thiếu thông tin liên lạc. Nhờ các tiến bộ khoa học kĩ thuật và sự đầu tư của nhà nước, bưu điện thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chất lượng các nghiệp vụ bưu điện như điện thoại, fax, thư, báo chí trong và ngoài nước, vào bất cứ thời điểm nào. Sóng phát thanh truyền hình đã phủ khắp các xã, phường trong tỉnh, hệ thống thông tin liên lạc Đắk Lắk đã đáp ứng một phần cho du lịch.
c. Điện, nước
Mạng lưới điện của tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện. Hàng năm, lượng nước mưa chuyển vào dòng chảy trong tỉnh đạt khoảng 17,5 tỉ m3, nhưng mưa phân bố không đều nên lượng điện cung cấp cũng chênh lệch theo mùa. Nguồn thủy điện của tỉnh đã có trên 14.000 KW, trong đó thuỷ điện Dray H’linh là 12.000 KW.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật gắn liền với năng lượng, đặc biệt là điện. Du lịch cũng chịu ảnh hưởng lớn của việc mất điện như du khách không thể sử dụng máy lạnh, máy tắm nước nóng, sạc pin máy quay phim, hay truy cập internet.
Thấy được những tác động không nhỏ đó, điện lực Đắk Lắk đã bắt đầu xây dựng các nhà máy thuỷ điện Buôn Kốp, Sêrêpốk III, Krông Kmar, Krông Hin 2 và nhiều nhà máy thuỷ điện nhỏ đang tiến hành thủ tục đầu tư như nhà máy thuỷ điện buôn Bra - Ea Kar (10MW), thuỷ điện Ea Ran - M’Đrăk (6MW). Với những nỗ lực trên, đến nay tất cả hộ dân trong tỉnh đã được dùng điện, 100% xã, phường có điện.
Đắk Lắk có ba hệ thống sông, phân bố khá đều trên lãnh thổ là hệ thống sông Sêrêpôk, sông Ba và sông Đồng Nai, cộng với hàng trăm hồ và suối, nguồn nước mặt của tỉnh khá dồi dào. Tuy nhiên, lượng nước rất thấp vào mùa khô khiến nhiều huyện gặp khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất.
Được sự đầu tư kinh phí của Nhà nước, Chính phủ Nhật Bản và các dự án nước sạch Danida (Đan Mạch), toàn tỉnh đã có 34 xã, thôn buôn vùng xa có các công trình, hệ thống cấp nước sạch. 48.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh với trên 70.000 người được hưởng lợi đã đưa tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch lên 44%.
Tại TP. Buôn Ma Thuột, hàng ngày nhà máy nước chỉ cung cấp được 28.000m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Đây là điểm hạn chế cần khắc phục vì nhu cầu nước sạch của người dân sẽ ngày càng nhiều trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống thoát nước của tỉnh được đánh giá là tốt, thoát nước nhanh, sạch. Nước thải không bốc mùi lên từ các cống rãnh như nhiều thành phố khác.
Những nỗ lực trong lĩnh vực điện, nước sẽ góp phần tạo điều kiện cho du lịch phát triển hơn trong tương lai. Đánh giá tại thời điểm hiện tại, điện nước Đắk Lắk đã phần nào phục vụ tốt cho phát triển DLST bền vững.