Voi loài vật biểu tượng cho Đắk Lăk

Một phần của tài liệu nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh đắk lắk (Trang 57 - 59)

Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở Bản Đôn đã hình thành từ rất lâu, kèm theo đó là một hệ thống tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa có liên quan đến voi, hình thành trên một “dòng” văn hóa về voi. Hiện nay, Bản Đôn vẫn được xem là nơi có thương hiệu voi lớn nhất Đắk Lắk cũng như Việt Nam.

Không chỉ là loài vật đơn thuần, từ ngàn đời nay loài voi được xem là biểu tượng gắn với những truyền thuyết, sự tích anh hùng của người dân thượng ngàn Tây Nguyên.

Các sản phẩm du lịch có thể khai thác gắn liền với voi bao gồm:

-Tham quan rừng và các khu sinh thái tự nhiên bằng phương tiện là voi - Các lễ hội văn hóa liên quan đến voi

- Biễu diễn nghệ thuật đường phố bằng voi.

Hội đua voi thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm ở huyện Buôn Đôn. Bãi đua thường là khu vực tương đối bằng phẳng, rộng để voi dàn hàng đua và dài khoảng 1000m. Voi từ các buôn xa, gần đều về đây tụ hội. Trước ngày đua voi các lán trại mọc lên san sát cho các nài voi đến sớm để chuẩn bị. Thắng lợi của voi còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi nài voi. Nó thể thiện công lao và tài thuần dưỡng của các nài.

Trước khi vào cuộc, các chú voi tham gia được bố trí xếp hàng ngay ngắn. Mỗi voi đều mang trên mình các lá cờ nhiều màu sắc và cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Trên mình voi còn có hai mảnh vải thổ cẩm đặc trưng của dân tộc Tây Nguyên, cưỡi trên voi thường là hai người, trong đó có một người là nài voi, người còn lại là thanh niên khoẻ mạnh vạm vỡ.

Sau khi hồi tù và rít lên, lần lượt từng hàng voi đến trước ban giám khảo quỳ phục và cúi chào khán giả rồi trở về vị trí xuất phát để chờ lệnh. Một hồi tù và nữa lại vang lên, voi đồng loạt phóng nhanh về phía trước, tiếng reo hò cổ vũ của khán giả, tiếng trống chiêng và tiếng bước chân voi khuấy động cả khu rừng. Voi nào cũng cố gắng chạy thật nhanh để về đích sớm nhất.

Với số lượng voi tham gia đua có khi lên đến vài chục con nên voi phải thi đấu qua nhiều vòng để chọn ra một chú voi chạy nhanh nhất. Và voi chiến thắng cũng được trao “vòng nguyệt quế” tết từ hoa lá trong rừng, phần thưởng cho tất cả các voi dự thi là những khúc mía hay nải chuối mà nài voi và cả khán giả cũng đã chuẩn bị sẵn, còn phần thưởng của ban tổ chức cho nài voi là các ché rượu cần ngon nhất. Giữa nắng gió của trời Tây Nguyên vào tháng 3, không gì sôi động và hào hứng bằng việc tận mắt chứng kiến và thoả thích reo hò cổ vũ cho voi chạy đua. Nghỉ giải lao trong chốc lát, voi lại vào thi ném xa, kéo co, đá bóng. Màn thi nào voi cũng cố gắng thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo của mình mặc dù thân hình

không nhỏ nhắn chút nào. Ngoạn mục nhất có lẽ là màn thi vượt sông Sêrêpôk. Khúc sông mà đàn voi bơi qua là đoạn cuối của Sêrêpôk trên đất Việt. Sau hiệu lệnh cả đàn voi chạy lao xuống nước, nước bắn tung toé một góc sông. Cảnh tượng này nhìn từ trên cao rất đẹp và hùng vĩ. Ra đến giữa sông, du khách và khán giả chỉ còn thấy nhấp nhô dáng nài voi đang ngồi chồm hổm trên lưng voi. Lúc đó ta mới cảm nhận hết được tài thuần dưỡng voi cũng như mối quan hệ mật thiết giữa voi và người dân Đắk Lắk.

Thời gian gần đây, được sự đầu tư của Tỉnh, hội đua voi được tổ chức qui mô hơn, đều đặn, vừa nhằm mục đích tôn vinh tinh thần thượng võ của các dân tộc Tây Nguyên, bảo tồn văn hoá bản địa và thu hút khách du lịch. Số lượng khách trong nước đến với hội voi đang tăng đáng kể, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá về hội voi nhiều hơn trong thời gian gần đây.

Một phần của tài liệu nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh đắk lắk (Trang 57 - 59)