a.Hệ thống thác nước
Với hệ thống sông suối phong phú, mà tiêu biểu là sông Sêrêpook với hai nhánh chính là Krông Ana và Krông Nô chảy ngược theo hướng đông tây qua địa phận Đắk Lắk hàng trăm km, trên địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, qua nhiều bậc đã hình thành nên hàng chục thác ghềnh ngoạn mục, có những nơi lòng hẹp, dốc lớn cột nước vỡ òa tạo âm thanh ầm ầm hùng vĩ ( thác Đray Sáp thượng, Đray Hling, Đray Nur…) có nơi lòng suối trải rộng len nhiều nhánh, tạo nên dòng chảy trải dài hàng trăm mét trên các ghềnh đá lớn êm ả, nhẹ nhàng ( thác Thủy Tiên, thác Bảy Nhánh…) tất cả đều ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh tạo nên khung cảnh vừa dữ dội mạnh mẽ lạ vừa ky bí, thơ mộng mà đến nay vẫn còn nguyên tính hoang sơ chưa khám phá hết.
Thác Krông Kmar nằm ở trung tâm thị trấn huyện Krông Bông, cách TP. Buôn Ma Thuột 60km đi theo tỉnh lộ 12 hoặc đi theo quốc lộ 27. Từ đỉnh Chư Yang Sin cao hơn hai ngàn mét, dòng nước đổ xuống thành những bậc thác nối tiếp nhau, âm thanh rền vang khắp khu rừng nguyên sinh, bọt tung trắng xóa. Cạnh những cột nước có rất nhiều tảng đá to, có mặt phẳng cho du khách ngồi chiêm ngưỡng thác hoặc tổ chức liên hoan nhẹ. Ngược lên phía thượng nguồn, nơi xuất phát của dòng sông Krông Kmar, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một hồ nước sâu trong vắt ngay trên núi, bao bọc chung quanh là rừng thông xanh biếc, vi vu trong tiếng chim rừng.
Những năm gần đây, Krông Kmar đã được nhiều người biết đến, không chỉ bởi phong cảnh tuyệt vời với những thác nước ầm reo giữa non ngàn, không khí trong lành mát dịu của thiên nhiên mà còn vì những hoạt động văn hóa diễn ra ngay tại thác như uống rượu cần, cưỡi voi chinh phục Chư Yang Sin hay đầm mình trong làn nước mát của Krông Kmar.
Thác Thủy Tiên nằm về hướng Đông Bắc, cách huyện Krông Năng 7 km lại có vô vàn những tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành ba tầng, chiều cao khoảng 30 m. Tầng thấp nhất có những bậc lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm giữa vòm cây xanh mát. Hai bên lòng thác rễ cây buông rũ trông rất nên thơ. Tầng thứ hai trải rộng hơn với nhiều bậc đá, nước tuôn trắng xóa nhưng cũng có những chỗ không sâu, du khách có thể tắm an toàn. Ở tầng thứ ba, nước đổ từ trên xuống tạo thành hồ khá sâu, sau đó lại hòa vào dòng nước uốn lượn hiền hòa giữa đại ngàn.
Hiện nay, tham quan thác Thủy Tiên được kết hợp với tìm hiểu văn hóa các dân tộc bản địa như nghe kể sử thi, tham dự lễ kết nghĩa anh em ở nhà dài của người Ê Đê, thưởng thức các món ăn độc đáo của người Nùng, Dao, Mông. Điểm du lịch thác Thủy Tiên vừa mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, lại vừa chứa đựng những giá trị văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc. Sự hòa quyện này mang lại nét hấp dẫn riêng cho DLST - văn hóa nơi đây.
Thác Bảy Nhánh thuộc huyện Buôn Đôn nằm trong khu du lịch Buôn Đôn. Từ TP. Buôn Ma Thuột, du khách có thể đi ô tô hoặc xe máy hoặc xe buýt khoảng 42km là đến thác. Đường đi đã được đổ nhựa đẹp, hai bên đường là những rẫy cà phê, nếu vào mùa sẽ bạt ngàn hoa trắng và ngào ngạt hương thơm. Từ trên xe, du khách có thể thấy những nếp nhà sàn và cả những tượng nhà mồ của người dân tộc bản xứ.
Thác Bảy Nhánh không lớn như Krông Kmar hay hùng vĩ, mạnh mẽ như Thủy Tiên mà mang vẻ đẹp nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, thác cao khoảng 15 m. Quanh thác có rất nhiều những rặng si già, cành lá xum xuê, rễ đan vào nhau chằng chịt. Chiếc cầu treo dài hơn 200m sẽ đưa khách du lịch tròng trành qua các rễ si hay ngồi nghỉ trên những sàn gỗ mà uống rượu cần, ăn cơm lam, gà nướng lá bưởi và nghe kể về truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi. Không gian mát rượi. Nước trong vắt róc rách dưới chân. Chim chóc líu lo nhảy nhót trên cành. Đi đến một lần đều hẹn ngày trở lại.
Đắk Lắk còn rất nhiều thác đẹp, đường đi thuận tiện như thác Trinh Nữ, thác Dray Nao, thác Ea Mnang, thác Ea M’Đró. Mỗi thác mang một dáng vẻ riêng và đều gắn bó với các truyền thuyết của người dân địa phương. Những ai yêu thích thác có thể tìm đến hành trình thăm các dòng thác ở Đắk Lắk, kết hợp với một số thác rất đẹp và hùng vĩ ở Dak Nông như DraySap, Dray Nu, Điện Thanh, du khách sẽ hài lòng. Sắp tới, trong sản phẩm du lịch của Đắk Lắk có thêm loại hình vượt thác mạo hiểm, chắc chắn sẽ thu hút đông du khách tham gia. Các tài nguyên và loại hình du lịch này hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí phát triển DLST theo hướng bền vững.
Không chỉ có các ngọn thác, Đắk Lắk còn là xứ sở của hồ với hơn 500 hồ, trong đó 20 hồ chứa trên một triệu m3 nước. Các hồ không chỉ cung cấp nước cho đồng bào sinh hoạt, sản xuất mà còn là điểm du lịch bởi cảnh quan hữu tình, nên thơ của chúng.
b.hệ sinh thái hồ
Địa hình đồi núi chia cắt trùng điệp, các hợp thủy đầu nguồn những con suối, cùng với bàn tay con người qua thời gian đã hình thành nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo có mặt thoáng rộng hàng trăm hecta, các hồ này được bao bọc bởi những khu rừng hàng trăm năm tuổi, những đồn điền cà phê trĩu quả, những cánh rừng cao su thẳng tắp hoặc những buôn làng dân tộc đã tạo nên một vùng không gian thoáng đãng, một miền khí hậu trong lành. Ở Đắk Lắk thường là hồ đa mục tiêu ngoài việc tưới tiêu, làm thủy điện,điều hòa dòng chảy còn là nơi khai thác du lịch với những loại hình như tham quan, vãn cảnh, thể thao trên hồ nước: hồ Lắk, hồ Eakao, hồ Ea chư cáp, hồ Eo Đờn… Một số hồ lớn có các tiểu đảo như hồ Buôn Jông, hồ Ea Suop thượng, hồ Chư Minh… có thể là nơi khai thác sản phẩm du lịch hồ đảo rất hấp dẫn và sinh động. Hồ Lăk là một sự biểu hiện đa dạng về tài nguyên tự nhiên của du lịch Đắk Lắk với hệ sinh thái đất ngập nước nằm trên cao nguyên, tuy thủy vực không lớn như các vùng đất ngập nước khác như ở đồng bằng nhưng ở nơi đây là vùng dân cư lâu đời với dân tộc bản địa có tiềm năng về du lịch nhân văn và những đặc điểm riêng về sinh cảnh tạo nên một sắc thái riêng biệt trong khu vực Tây Nguyên.`Hồ Lăk thuộc huyện Lăk cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam, theo quốc lộ 27 đi Đà Lạt. Du khách có thể đi xe gắn máy, ô tô hoặc xe buýt đến Lăk. Đường dẫn vào điểm tham quan đã được tráng nhựa rất đẹp, có biển chỉ dẫn rõ ràng, ngoài ra có cả hệ thống nhà hàng phục vụ du khách nghỉ ngơi, ăn uống. Hồ rộng trên 500ha, là hồ tự nhiên rộng nhất Việt Nam, dài và uốn khúc mềm mại như
dải lụa bao quanh thị trấn Lạc Thiện của huyện Lăk. Mặt hồ xanh thẳm, in bóng rừng thông trên các quả đồi ven hồ. Xung quanh hồ là các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn. Năm xưa, cựu hoàng đế Bảo Đại đã chọn nơi đây để săn bắn, nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Ngôi nhà nghỉ mát của vua Bảo Đại trên đỉnh đồi vẫn còn được bảo tồn. Hồ Lăk liên thông với sông Krông Ana. Vào mùa mưa, nước hồ dâng ngập cả một vùng rộng lớn, sen nở kín cả một góc hồ, khiến cảnh hồ trở nên thơ mộng. Mùa khô, hồ cung cấp nước tưới cho nương rẫy, đồng thời điều hòa khí hậu. Quanh hồ lúc nào cũng mát mẻ, dễ chịu. Hồ vừa cung cấp nước, cá, sen, vừa là thắng cảnh. Những bức ảnh về hoàng hôn trên hồ Lăk với thuyền độc mộc đã mang vẻ đẹp của hồ Lăk đi rất xa, ra khỏi Việt Nam, đến với bạn bè quốc tế.
Bên hồ Lăk là buôn Jun của người M’nông với những dãy nhà dài, đàn voi nhà và các tập tục của người bản xứ được bảo tồn qua bao đời. Du khách đến tham quan hồ Lăk và buôn Jun có thể nghỉ qua đêm, thưởng thức văn nghệ cồng chiêng và ăn món cá bống bắt từ hồ Lăk mà ai đã ăn một lần thì không thể quên.
Công ty cổ phần du lịch Đắk Lắk đã xây dựng ở đây Lak Resort với 16 bungalow gồm 32 phòng đầy đủ tiện nghi, đạt tiêu chuẩn ba sao. Lak Resort nằm trên đỉnh đồi, các phòng ngủ đều hướng ra hồ Lăk, núi Chư Yang Sin, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Nơi đây cũng được trang bị hồ hơi, mini bar, dịch vụ Internet ADSL. Ngoài ra, còn có các dịch vụ du lịch như câu cá trên hồ Lăk, đi thuyền độc mộc quanh hồ ngắm cảnh thiên nhiên, dạo chơi trong rừng. Hồ Lăk là một điểm đến hấp dẫn của du lịch Đắk Lắk.
Cũng theo hướng Nam, cách TP. Buôn Ma Thuột 12km là hồ Ea Kao. Đây là khu du lịch có quy mô lớn, rộng 120ha, chưa kể diện tích mặt hồ nước. Được đầu tư xây dựng trên khu vực có địa hình đa dạng như triền đồi, dốc, khe, khu du lịch này vừa mang tính hiện đại vừa thể hiện bản sắc dân tộc. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ rất hài lòng vì khí hậu mát mẻ., Nhiệt độ trung bình năm là 20,70C, lượng mưa trung bình năm 2.000mm, thích hợp cho hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng. Bao bọc hồ Ea Kao là một không gian xanh ngát. Không chỉ có cây rừng, chim rừng, vườn hoa trong khuôn viên du lịch cũng làm cho cảnh vật thêm hương sắc. Khu du lịch hồ Ea Kao được chia làm nhiều khu nhỏ hơn so với các hoạt động du lịch khác nhau như khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ, khu vườn thực vật, khu thiếu
nhi, khu cắm trại, khu bảo tồn thiên nhiên, vừa có giá trị du lịch, vừa mang lại hiệu quả cao về mặt thẩm mĩ, sức khỏe, giáo dục và kinh tế.
Cảnh quan thiên nhiên đẹp, rất nhiều cây xanh, hồ nước rộng và sạch đã góp phần giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái của vùng, đồng thời bảo tồn và nâng cao giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Ngoài hồ Lăk, hồ Ea Kao, Đắk Lắk còn có rất nhiều hồ đẹp, có thể khai thác du lịch như hồ Ea Súp, hồ Ea Nhai, hồ Buôn Triết.
Tạo hoá đã ban tặng cho Đắk Lắk những cảnh đẹp về mặt địa hình rất có giá trị du lịch như thác, hồ, các bãi đá hình thù kì dị, thung lũng, núi đồi. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, chắc chắn không thể bỏ sót những tài nguyên này, chúng làm cho Đắk Lắk thêm phần hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước. Khu vực phân bố của đa số các hồ và thác là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc. Việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên địa hình có cân nhắc đến nền văn hoá và kế sinh nhai của các cộng đồng dân tộc sống quanh thác, hồ sẽ đảm bảo cho DLST Đắk Lắk phát triển theo hướng bền vững.