6. Kết cấu của luận văn
1.3.1. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về đất đai của thành phố Đà Nẵng
Theo báo cáo của thành phố Đà Nẵng thì từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500 ha, trong đó có 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD; chuyển mục đích trên 500 ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Với sự đồng thuận của chính quyền và các tầng lớp nhân dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để cùng với chính quyền quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Từ năm 2003 đến nay, nguồn thu từ đất của thành phố khoảng trên 20.000 tỷ đồng, phục vụ kịp thời cho đầu tư phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đã cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống mới sau giải tỏa.
Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất ở tại các quận, huyện đến nay đã đạt trên 95% diện tích đất cần cấp. Thành phố đã tiến hành 174 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 82.000 m2 đất; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với số tiền hơn 206 triệu đồng. Thành phố đã giải quyết 1.699/1.729 đơn thuộc thẩm quyền về tranh chấp đất đai (đạt 98,88%); 972/998 đơn khiếu nại (đạt 97,40%); 19/19 đơn tố cáo (đạt 100%); và 52/52 đơn đòi lại đất cũ (đạt 100%).
Những kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai của Đà Nẵng đã được Trung ương ghi nhận và đánh giá tốt, trong đó việc vận dụng, triển khai một cách sáng tạo và có hiệu quả công tác quy hoạch và sử dụng đất đai; thực hiện thành công phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được xem là mô hình điểm cần nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.
Công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào nề nếp, thuộc loại tốt nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại những hạn chế, bất cập như tình trạng xây dựng nhà trái phép trong khu quy hoạch, trên đất nông nghiệp vẫn còn tồn tại; giao đất, chuyển đổi mục đích còn tuỳ tiện; một số trường hợp đền bù còn chưa thoả đáng; cấp GCN quyền sử dụng đất sai quy định, đơn cử như tại địa bàn Hoà Vang dẫn đến phải huỷ hơn 1.000 sổ đỏ.
Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng quyết tâm và chỉ đạo trong năm 2013 các đơn vị chức năng phải lập xong quy hoạch tổng thể và kế hoạch sử dụng đất của toàn thành phố, trong đó bao gồm khu vực nào sẽ ở ổn định, khu vực nào sẽ phải giải toả, công bố công khai cho người dân được biết.
UBND thành phố sẽ là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm cấp phép đối với các trường hợp chuyển đổi mục đích SDĐ và cấp GCN quyền SDĐ, đồng thời bãi bỏ thẩm quyền này đối với cấp quận, huyện. Các quận, huyện phải chịu trách nhiệm xử lý ngay các trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất công, đất nông nghiệp và cho phép các quận/huyện thành lập các đội đi tháo dỡ. Về cưỡng chế thu hồi đất, Bí thư Thành uỷ yêu cầu quận/huyện chủ trì, thực hiện tuân thủ chặt chẽ theo đúng quy trình, tuy nhiên, yêu cầu phải báo cáo UBND thành phố để có phương án hỗ trợ. Ngoài ra, không cho phép xây dựng nhà trên đất rừng được giao, khi cần thành phố sẽ thu hồi đất rừng và sẽ không đền bù tiền đất.
Đặc biệt là đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, thành phố Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan, đơn vị lập lại trật tự về bố trí tái định cư, mọi quy trình phải tiến thành công khai minh bạch theo nguyên tắc “ở đâu sẽ bố trí tái định cư ở đó”. Trong đó, nghiêm cấm các Ban Đền bù giải toả và các Công ty của thành phố sử dụng văn bản có bút phê của Chủ tịch HĐND thành phố để giải quyết bố trí tái định cư, tất cả phải tập hợp về UBND thành phố để giải quyết.
Về bộ máy quản lý, Đà Nẵng chỉ đạo thành lập Chi cục Quản lý đất đai và tăng thêm 01 Phó Giám đốc cho Sở Tài nguyên và Môi trường.