Nhà nước cần xây dựng chính sách tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp được bình đẳng như nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh, xây dựng các chế tài đủ sức răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp cho các doanh nghiệp phát huy được năng lực hoạt động và cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.
Có chính sách phát triển ngành dược, để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Phát triển công nghiệp Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" nhằm nâng cao năng lực của ngành dược nội địa. Để thực hiện tốt đề án này, nhà nước cần có chính sách, cơ chế để hổ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc ngành dược nghiên cứu nguyên liệu dược và đầu tư phát triển sản phẩm mới. Hiện tại phần nội dung của đề án chủ yếu mới chỉ đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ mà chưa đưa ra được chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp dược. Do đó các doanh nghiệp khó có thể chủ động và có những bước đột phá trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Có hình thức xử phạt hợp lý đối với cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lòng tin của khách hàng và ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm.
Có chính sách ưu đãi về vốn, về thuế để khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thuốc, đặc biệt là các loại thuốc biệt dược, thuốc quý hiếm và có trình độ công nghệ cao.
Ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, thủ tục giao đất, giao rừng đối với các dự án tổng thể về phát triển vùng nguyên liệu và chế biến nguyên liệu cho sản xuất hóa dược và bào chế thuốc.
Miễn giảm thuế nhập khẩu một số thiết bị máy móc (trong nước chưa sản xuất được) phục vụ sản xuất thuốc công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ gen, vắc xin,…).
Rút ngắn thời gian đăng ký công bố sản phẩm để kịp tiến độ đưa sản phẩm mới ra thị trường của các doanh nghiệp.