Khái quát hoạt động du lịch Khánh Hòa

Một phần của tài liệu nghiên cứu sở thích và quyết định lựa chọn ẩm thực đặc trưng địa phương của du khách nội địa tại thành phố nha trang (Trang 39 - 155)

2.1.1. Đặc điểm và điều kiện tự nhiên

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ của nước ta, có phần lãnh thổ trên đất liền nhô ra xa nhất về phía biển Đông. Phía bắc giáp tỉnh Phú Yên, điểm cực bắc: 12052'15'' vĩ độ bắc. Phía nam giáp tỉnh Ninh Thuận, điểm cực nam: 11042' 50'' vĩ độ bắc. Phía tây giáp tỉnh Đăk Lắk, Lâm Đồng, điểm cực tây: 108040’33'' kinh độ đông. Phía đông giáp biển đông, điểm cực đông: 109027’55'' kinh độ đông; tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm huyện Vạn Ninh, cũng chính là điểm cực đông trên đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài phần lãnh thổ trên đất liền, tỉnh Khánh Hòa còn có vùng biển, vùng thềm lục địa, các đảo ven bờ và huyện đảo Trường Sa. Bên trên phần đất liền và vùng lãnh hải là không phận của tỉnh Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa có hình dạng thon hai đầu và phình ra ở giữa, ba mặt là núi, phía đông giáp biển. Nếu tính theo đường chim bay, chiều dài của tỉnh theo hướng bắc nam khoảng 160km, còn theo hướng đông tây, nơi rộng nhất khoảng 60km, nơi hẹp nhất từ 1 đến 2km ở phía bắc, còn ở phía nam từ 10 đến 15km.

Diện tích của tỉnh Khánh Hòa là 5.197km2 (kể cả các đảo, quần đảo), đứng vào loại trung bình so với cả nước. Vùng biển rộng gấp nhiều lần đất liền. Bờ biển dài 385km, có khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa.

Tỉnh Khánh Hòa nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Khánh Hoà gồm 8 huyện thị gồm thành phố Nha Trang-trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, là đô thị loại I-một trung tâm du lịch lớn trong cả nước, thành phố Cam Ranh từ năm 2010 được chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh, huyện Cam Lâm, huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn và huyện đảo Trường Sa.

Việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Khánh Hòa và các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc thuận lợi nhờ đường sắt xuyên Việt và quốc lộ 1A xuyên suốt chiều dài của tỉnh. Về

phía tây, tỉnh Khánh Hòa tựa lưng vào Tây Nguyên, là cửa ngõ thông ra biển của một số tỉnh Tây Nguyên qua quốc lộ 26.

Hình 2.1: Bản đồ hành chính tỉnh Khánh Hòa

Nguồn Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa.

Tỉnh Khánh Hòa có nhiều cảng biển, đặc biệt Cam Ranh là một cảng thiên nhiên vào loại tốt nhất trong nước và thế giới.

Về đường hàng không, thành phố Nha Trang và vùng phụ cận có thời tiết thuận lợi để phát triển ngành hàng không, đồng thời là, một trạm tiếp vận thuận lợi cho các đường bay trong và ngoài nước.

Vị trí địa lý của tỉnh Khánh Hòa có ảnh hưởng lớn đến các yếu tố tự nhiên khác như: khí hậu, đất trồng, sinh vật. Vị trí địa lý của tỉnh Khánh Hòa còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, vì tỉnh Khánh Hòa nằm gần đường hàng hải quốc tế, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ của Tây Nguyên thông ra biển Đông.

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang. Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, sắc đẹp cũng như khí hậu của nó. Thành phố Nha Trang nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa. Phía Bắc giáp huyện Ninh Hòa, phía Nam giáp huyện Cam Lâm, phía Tây giáp huyện Diên Khánh,

phía Đông tiếp giáp với biển. Có tổng diện tích đất tự nhiên là 252,6km2, với 27 đơn vị hành chính cơ sở: 19 phường và 08 xã. Nha Trang có nhiều lợi thế về địa lý, thuận tiện về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển trong nước và quốc tế, là cửa ngõ Nam Trung bộ và Tây Nguyên nên Nha Trang có nhiều điều kiện mở rộng quan hệ giao lưu và phát triển.

Nha Trang có nhiều trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các trường cao đẳng, trường dạy nghề, các trung tâm triển khai các tiến bộ kỹ thuật chuyên ngành tương đối đồng bộ. Chính vì vậy, thành phố Nha Trang đã trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Khánh Hòa và của vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

Địa hình Nha Trang khá phức tạp có độ cao trải dài từ 0 đến 900m so với mặt nước biển được chia thành 3 vùng địa hình. Vùng đồng bằng duyên hải và ven sông Cái có diện tích khoảng 81,3km², chiếm 32,33% diện tích toàn thành phố; vùng chuyển tiếp và các đồi thấp có độ dốc từ 30 đến 150 chủ yếu nằm ở phía Tây và Đông Nam hoặc trên các đảo nhỏ chiếm 36,24% diện tích, vùng núi có địa hình dốc trên 150 phân bố ở hai đầu Bắc - Nam thành phố, trên đảo Hòn Tre và một số đảo đá chiếm 31,43% diện tích toàn thành phố.

Nha Trang có khí hậu nhiết đới xavan chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Khí

hậu Nha Trang tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm là 26,3oC. Có mùa đông ít lạnh

và mùa khô kéo dài. Mùa mưa lệch về mùa đông bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 12 dương lịch, lượng mưa chiếm gần 80% lượng mưa cả năm (1.025mm). Khoảng 10 đến 20% số năm mùa mưa bắt đầu từ tháng 7, 8 và kết thúc sớm vào tháng 11. So với các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Nha Trang là vùng có điều kiện khí hậu thời tiết khá thuận lợi để khai thác du lịch hầu như quanh năm. Những đặc trưng chủ yếu của khí hậu Nha Trang

là: nhiệt độ ôn hòa quanh năm (25oC - 26oC), tổng tích ôn lớn (> 9.500oC), sự phân mùa

khá rõ rệt (mùa mưa và mùa khô) và ít bị ảnh hưởng của bão.

2.1.2. Tài nguyên du lịch tự nhiên

Vịnh Vân Phong: Thuộc huyện Vạn Ninh cách thành phố Nha Trang 80km về phía Bắc, là khu vực khí hậu ôn hòa có bãi biển đẹp, cát mịn, một bên núi đồi hùng vĩ bao la… có thể tổ chức nhiều hoạt động du lịch cả dưới nước lẫn trên cạn. Vịnh Vân Phong được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế tổng hợp trong đó có ưu tiên phát triển du lịch nghĩ dưỡng cao cấp.

Bán đảo Đầm Môn: Nằm trong vịnh Vân Phong của huyện Vạn Ninh, nơi đây thu hút du khách bởi những cồn cát trải dài với những bãi tắm đẹp và nhiều khu rừng còn giữ được vẻ nguyên sinh của nó…thích hợp đối với các hoạt động du lịch trên biển và trên bộ như tắm biển, lặn biển, các môn thể thao biển, thám hiểm rừng nguyên sinh…

Bãi biển Xuân Đừng: thuộc Đầm Môn là một trong những bãi biển còn hoang sơ với nước biển trong xạnh có thể nhìn thầy đáy, nơi có nhiều rặng san hô và khu vực này rất kín gió. Ở đây du khách có thể khám phá cuộc sống của cư dân địa phương người gốc Indonesia hiện tượng kỳ thú của thiên nhiên là có thể khai thác nước ngọt sát ngay mép biển.

Bãi biển Đại Lãnh nằm sát quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Vạn Ninh cách thành phố Nha Trang hơn 80km về phía bắc. Bãi biển Đại Lãnh được cho là một trong những bãi biển đẹp nhất miền Trung và được liệt kê vào danh thắng cấp quốc gia… nơi đây phù hợp với các hoạt động du lịch liên quan đến biển.

Bãi biển Dốc Lết nằm ở địa phận huyện Ninh Hòa cách thành phố Nha Trang khoảng 50km về phía Bắc. Dốc Lết với bờ biển cát trắng trải dài gần 10km, nước biển trong xanh tương đối nông với nhiều loại hải sản tươi ngon phong phú…

Đầm Nha Phu, Hòn Thị, Hòn Lao là các địa danh thuộc huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang 15km, khu vực đầm Nha Phu quanh năm lặng gió sống êm đêm với các đảo như Hòn Lao, Hòn Thị… nơi đây là nơi có tiềm năng du lịch rất lớn và có thể phát triển nhiều loại hình du lịch ở khu vực này.

Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh lớn của cả nước với nhiều hòn đảo lớn nhỏ che chắn cho Nha Trang trong đó có đảo Hòn Tre là lớn nhất. Năm 2003 vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên chính thức của câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, mở ra cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh du lịch của vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa. Vịnh Nha Trang gắn liền với các đảo Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Mun và các địa danh như Bãi Trũ, Trí Nguyên, Hòn Chồng…tất cả đều là nhưng nơi du lịch lý thú.

Đảo Hòn Tre nằm ở trung tâm vịnh Nha Trang, cách bờ biển khoảng 5km, là nơi có mối liên kết hết sức thuận lợi giữa thành phố Nha Trang với các đảo phụ cần như Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Chà Là…đảo Hòn Tre là đảo có diện tích rộng nhất tỉnh Khánh Hòa trong đó có các đỉnh núi cao từ 200m đến 500m. Hòn Tre là điểm du lịch thú vị giữa lòng biển Nha Trang, thích hợp để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái nghĩ dưỡng cao cấp. Trên đảo Hòn Tre có khu vui chơi giải trí và hệ thống khách sạn

cao cấp từ 5 đến 6 sao tiêu chuẩn quốc tế Vinpearl – đây là khu vui chơi giải trí lớn nhất cả nước hiện nay.

Hòn Tằm nằm ở phía Nam vịnh Nha Trang đảo với hình dáng như con tằm nằm trong kén với bãi biển cát trắng trãi dài và thảm thực vật rừng xanh ngát là nơi lý thú để tận hưởng vẽ đẹp của biển và núi rừng. Ở đây có thể tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, thể thao biển.

Khu bảo tồn biển Hòn Mun – là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam nằm ở phía Đông vịnh Nha Trang. Đáy biển Hòn Mun là thảm thực vật biển phong phú và đa dạng với các quần thể rạng san hô và các loại sinh vật biển là nơi quan sát và nghiên cứu rất lý thú và bổ ích cho các nhà nghiên cứu. Tại đây du khách có thể tham gia các hoạt động thể thao trên biển đặc biệt là lặn biển ngắm san hô hoặc tham quan bằng tàu đáy kính .

Vịnh Cam Ranh là một trong những vịnh nước sâu kín gió hàng đầu thế giới. Vịnh có diện tích khoảng 60km2 đội sâu trung bình từ 18m đến 20m đáy biển tương đối bằng phẳng, vịnh Cam Ranh có địa thế chiến lược quân sự cực kỳ quan trọng bên cạnh đó vịnh còn nhiều bãi tắm còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với bãi biển dài cát trắng bên cạnh những hàng dưa xanh cao vút, tạo nên nét đặc trưng của khu vực Nam Trung bộ. Phía Nam bán đảo là các xã Cam Lập, Cam Thịnh Đông, Cam Thịnh Tây còn giữ được nét nguyên sơ với cảnh quan sơn thủy hữu tình là nơi thích hợp để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. Đặc biệt Bãi Dài cách thành phố Nha Trang 25km là khu vực có bãi cát trắng trãi dài nước biển trong xanh và không sâu là nơi có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại tập thể hoặc các môn thể thao biển và thể thao trên cát.

Bên cạnh lợi thế biển đảo thì Khánh Hòa còn sở hữu các địa điểm tham quan du lịch trên đất liền như suối Ba Hồ, suối Tiên, thác YangBay, suối nước nóng… đặc biệt là khu du lịch Hòn Bà ở độ cao trên 1500m so với mặt nước biển với khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm được mệnh danh là “Đà Lạt của thành phố biển”. Từ Hòn Bà có thể nhìn bao quát toàn bộ thành phố Nha Trang là nơi thích hợp để tổ chức các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng và khám phá rừng nhiệt đới.

2.1.3. Đặc điểm về văn hóa xã hội

Là một tỉnh ven biển Nam Trung bộ, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng, Khánh Hòa đã hội lưu được cả ba yếu tố địa – văn hóa: văn hóa núi rừng, văn hóa đồng bằng – sông nước và văn hóa biển đảo.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, với sự pha trộn văn hóa người Chăm bản địa với lưu dân từ ngoài Bắc vào cùng với các dân tộc thiểu số khác như Raglai, Ê đê, Gié Trieng, người Hoa… đã để lại cho vùng đất này bản sắc văn hóa rất đặc thù, thể hiện sự tiếp biến văn hóa Việt – Chăm qua tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na, tục thờ Lỗ Lường, tục thờ Thành Hoàng, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và lễ hội cúng đình làng Việt, tục thờ Ông Nam Hải (cá voi) với lễ hội cầu ngư, hát cúng lăng, hò bá trạo. Bên cạnh đó còn một nền văn học truyền khẩu với tục ngữ, ca dao, dân ca, các bài vè đi biển, truyện cổ, trường ca, sử thi... của người Việt, người Raglai và các dân tộc anh em khác; các nghề truyền thống độc đáo như nghề lưới đăng, khai thác yến sào, trầm kỳ ...; những phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng làng xã, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, nghệ thuật, ẩm thực, thú tiêu khiển... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống dưới dạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, một vùng đất với đầy đủ các dạng địa hình cơ bản như vùng núi bán sơn địa, đồng bằng duyên hải, biển, bờ biển và các đảo, quần đảo... cùng với cuộc sống gắn liền với biển của cư dân trên vùng đất ấy đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng biệt: văn hóa biển đảo Khánh Hòa với những giá trị đặc trưng tồn tại trong vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống.

Hiện nay ở Khánh Hòa có 142 di tích được xếp hạng bao gồm các di tích lịch sử, di tích nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; trong đó có 129 di tích cấp tỉnh và 13 di tích cấp quốc gia. Trong số 13 di tích và danh thắng quốc gia trên đất Khánh Hòa, có tới 4 di tích, danh thắng là biển đảo và liên quan tới biển, đó là vịnh Nha Trang là một trong 35 vịnh biển đẹp nhất thế giới; khu danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ, danh thắng Mũi Đôi – Hòn Đầu và di tích Tháp Bà Ponagar. Đặc biệt, huyện đảo Trường Sa, vùng lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông thuộc tỉnh Khánh Hòa, với diện tích khoảng 180.000 km2, gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ và đá ngầm, bãi đá san hô là tiềm năng vô cùng phong phú về hải đặc sản, khoáng sản cùng với giá trị chiến lược về hàng hải và quốc phòng – an ninh của Trường Sa đang là lợi thế to lớn để phát triển kinh tế – xã hội của Khánh Hòa và cả nước.

Có thể nói, đi dọc từ Bắc vào Nam, khó có nơi nào trên đất nước chúng ta lại có những cảnh đẹp về biển đảo một cách đa dạng, gây cảm xúc mạnh như khi đi ngang qua ven biển Khánh Hòa.

Cùng với giá trị địa lý tự nhiên hấp dẫn, nguồn tài nguyên biển của Khánh Hòa cũng vô cùng phong phú với nhiều loại hải sản và đặc sản quý, có trữ lượng lớn. Ai đến đây cũng không thể không thưởng thức những món ăn từ biển, và khi ra đi, vị biển còn theo mãi chân người. Nước mắm cá cơm Nha Trang, Cam Ranh mang tình cảm của người dân Khánh Hòa về khắp nơi. Yến sào Khánh Hòa, thương hiệu nổi tiếng từ xa xưa, món bổ dưỡng cao cấp mà ai cũng có quyền tự hào khi được thưởng thức…

Với vùng biển nông, ấm và nhiều ánh sáng, biển Khánh Hòa là nơi tụ hội của các rặng san hô, thảm thực vật và các tầng động vật biển phong phú, tạo nên một thế giới biển vô cùng đa dạng và hấp dẫn như chốn thủy cung, làm say lòng những ai đã một lần lặn biển. Tất cả những sản phẩm đó tôn lên vẻ đẹp và giá trị không nơi nào có được của bức tranh biển đảo Khánh Hòa.

Một phần của tài liệu nghiên cứu sở thích và quyết định lựa chọn ẩm thực đặc trưng địa phương của du khách nội địa tại thành phố nha trang (Trang 39 - 155)