Kinh nghiệm của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nhật bản vào ngành công nghiệp việt nam (Trang 32 - 34)

Trung Quốc trước năm 1978, đó là một nền kinh tế khép kín với ngành công nghiệp lạc hậu, các cơ sở công nghiệp còn nghèo nàn, nhỏ và quy mô, lạc hậu về kỹ thuật, sản lượng sản xuất thấp.

Tuy nhiên, kể từ cuộc cải cách kinh tế vào cuối năm 1978, diện mạo kinh tế Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn với một nền kinh tế mở. Trung Quốc đã sớm tăng cường thu hút FDI vào ngành công nghiệp ngay từ khi thực hiện việc cải cách mở cửa với bên ngoài và được coi là một quốc gia thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã xuất hiện trong danh sách 10 nước đang phát triển đứng đầu thế giới về thu hút FDI. Ngay trong thời kỳ đầu cải cách mở cửa, Trung Quốc thành lập 4 đặc khu kinh tế, mở cửa 14 thành phố ven biển, đẩy mạnh thu hút vốn và kỹ thuật của nước ngoài với những ưu đãi về thuế, đất đai, lao động... Trong giai đoạn này, FDI vào Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các ngành gia công, chế tạo, sử dụng nhiều lao

động. Trong giai đoạn 1992 - 2000, chủ trương xây dựng thể chế kinh tế thị trường được đẩy mạnh, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng nhanh. Năm 1993, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ). Phương thức "lợi dụng vốn ngoại" của Trung Quốc trong giai đoạn này là cùng góp vốn với công ty nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp FDI nghiên cứu và thực nghiệm tại Trung Quốc. Từ năm 1995, FDI của Trung Quốc tập trung vào nhóm ngành công nghiệp, xây dựng (chiếm khoảng 70%), trong đó ngành chế tạo chiếm tỷ trọng lớn… Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2001, chính sách thu hút FDI của Trung Quốc có sự điều chỉnh phù hợp với các quy định của WTO với việc từng bước mở cửa thu hút đầu tư FDI vào các ngành dịch vụ, bất động sản, tiền tệ… Trong giai đoạn 2010 - 2020, Trung Quốc nêu rõ quan điểm thu hút FDI vào các ngành kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, nhân lực chất lượng cao. Trung Quốc cũng tiến hành sửa đổi bổ sung "Danh mục hướng dẫn ngành nghề đầu tư nước ngoài", đồng thời cho phép chính quyền địa phương được phê chuẩn dự án đầu tư từ 100 triệu USD lên 300 triệu USD. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã tiến tới xây dựng mặt bằng pháp lý thống nhất cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài của ngành phù hợp với thông lệ quốc tế. Trung Quốc thực hiện chính sách khá thông thoáng, thuận lợi mà trọng tâm là dành cho đầu tư nước ngoài một số ưu đãi với mức độ khác nhau để thu hút dòng vốn quan trọng này vào ngành công nghiệp. Kết hợp chính sách ưu đãi và cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài, tiến tới lợi thế về nhân lực, hạ tầng cơ sở, nguyên liệu vật liệu, công nghệ và chi phí giao dịch. Đổi mới về nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo một chương trình chủ động, có hiệu quả, phù hợp với ngành công nghiệp, kết hợp với các ngành khác để tạo ra sự phát triển đồng bộ giữa các ngành.

Nói tới thủ tục, quy trình đầu tư: Thủ tục đầu tư ở nước này là thủ tục một cửa đơn giản, với những hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Trung Quốc thực hiện phân cấp, phân quyền, nâng cao quyền hạn nhiều hơn cho các tỉnh, thành phố, khu tự trị trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI. Nhà nước cho phép mỗi tỉnh, thành phố, khu tự trị có những đặc quyền trong quản lý, phê chuẩn dự án đầu tư.

Trung Quốc cũng là nước thu hút FDI nhiều từ Nhật Bản, hiện nay có tới hơn 45.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào nước này. Song, vốn đầu tư Nhật vào Trung Quốc tụt từ mức 13,479 tỷ USD năm 2012 xuống chỉ còn 6,497 tỷ USD và đang có xu hướng giảm dần do e ngại về tình hình chính trị cũng như sự lớn mạnh về kinh tế ngày càng nhanh của Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nhật bản vào ngành công nghiệp việt nam (Trang 32 - 34)