Mặc dù, vốn đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Song, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế sau đây:
Thứ nhất, về quy mô vốn và dự án. Mặc dù quy mô vốn và số dự án đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp đã tăng lên cả về chất và lượng, song chưa ổn định. Đặc biệt nguồn vốn thu hút FDI không ổn định về quy mô và tỷ trọng trong giai đoạn 2008 – 2011.
Thứ hai, vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nhiều năm qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Đa số các tập đoàn lớn trong các ngành chế tạo là các doanh nghiệp lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng thấp trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài, cả ở tầm chính phủ trung ương lẫn địa phương.
Thứ ba, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp có một số bất hợp lý, dẫn đến hiệu quả kinh tế của khu vực đầu tư nước ngoài chưa cao. Cấp phép đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực và sản phẩm ngành công nghiệp vượt quá nhu cầu hiện tại như các dự án bia, nước giải khát có ga, sản phẩm nghe nhìn, điện tử gia dụng, lắp ráp ô tô, chất tẩy rửa...Tình hình trên cộng với ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế khu vực đã làm cho công suất huy động của nhiều sản phẩm ngành công nghiệp thuộc khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt thấp như ô tô 5%; xe máy, máy giặt, tủ lạnh trên 30%. Việc cấp phép những năm đầu còn chạy theo số lượng, thiên về thay thế nhập khẩu; tuy có bổ sung hàng hoá
cho thị trường, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, nhưng tình trạng này kéo dài dẫn đến một số sản phẩm chèn ép sản xuất trong nước.
Thứ tư, địa bàn đầu tư chưa đảm bảo tính cân đối. Vốn FDI vẫn chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có cơ sở vật chất tốt, chưa tạo ra sự lan tỏa vốn đầu tư trong cả nước.
Thứ năm, đối với thu hút nguồn vốn trong nội bộ ngành công nghiệp tuy đã có bước chuyển dịch đúng hướng song đã không làm chất lượng và hiệu quả tăng trưởng công nghiệp được cải thiện do đầu tư cho công nghiệp phụ trợ chưa nhiều, làm tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành còn thấp so với với tốc độ gia tăng giá trị sản xuất. Đặc biệt là, các ngành công nghiệp gia công như: may mặc, da giày, chế biến xuất khẩu gỗ… có giá trị sản xuất cao, nhưng phần lớn chi phí lại là vật tư nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này làm cho việc thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghiệp không thực hiện được mục tiêu ban đầu đề ra là làm ngành này tăng trưởng với chất lượng cao, vững chắc.
Thứ sáu, về việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Chúng ta phải thừa nhận rằng, có một khoảng cách khá lớn về công nghệ cũng như phương pháp quản lý giữa Việt Nam và Nhật Bản. Kỳ vọng chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI và kết quả thực tế cũng có một khoảng cách khá xa. Mục tiêu thu hút công nghệ cao và công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ chưa đạt được như kỳ vọng khi trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5 - 6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Sự thiếu hụt về các cán bộ giỏi có trình độ tổ chức hoạt động hoặc công nhân kỹ thuật cao, do vậy việc tiếp nhận công nghệ cao là rất khó khăn. Trong khi đó, các dự án của Nhật Bản tập trung khá cao vào lĩnh vực công nghiệp, thậm chí vào các ngành rất hiện đại (người máy) do vậy nhược điểm trên trong hệ thống nhân lực của Việt Nam càng rõ nét. Hàm lượng công nghệ, tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư FDI chưa cao.
Thứ bảy, ảnh hưởng tới môi trường. Một số doanh nghiệp FDI không tuân thủ đúng luật bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở các KCN, KCX. Không nghiêm túc tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đầu tư xây dụng hệ thống xử lý nước thải, vi phạm tiêu chuẩn môi trường ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Nhiều doanh nghiệp ĐTNN hướng sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng sự liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong nước còn yếu nên giá trị gia tăng trong một số sản phẩm xuất khẩu còn thấp.
Các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản tại Việt Nam phần lớn tập trung vào các ngành công nghiệp như : gia công, lắp ráp ô tô, xe máy, các linh kiện điện tử, hàng may mặc,... Đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp do các doanh nghiệp FDI nhập nguyên vật liệu từ bên ngoài và chủ yếu là gia công, lắp ráp ở Việt Nam, góp rất ít vào giá trị sản phầm cuối cùng trước khi xuất khẩu ra nước khác. Do đó, rất khó để tạo ra đột phá trong tăng trưởng ngành công nghiệp.
Nguyên nhân của những hạn chế trên
Nguồn vốn FDI thu hút còn dưới mức tiềm năng do hệ thống chính sách và pháp luật thiếu đồng bộ và chưa hoàn chỉnh gây tác động tâm lý cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo nghiên cứu của JETRO, có hơn một nửa số doanh nghiệp FDI của Nhật Bản cho rằng “Chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, chế độ thuế quan, chi phí nhân công tăng” là vấn đề rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam. Theo nghiên cứu của JETRO, có tới 67,5% (2013) số các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch, 66,1% là thủ tục hành chính phức tạp và 65% là chế độ thuế, thủ tục thuế quan phức tạp. Chưa thực sự hình thành được một sân chơi bình đẳng giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Trong một số lĩnh vực sản xuất còn áp dụng các biện pháp hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài (xi măng, sắt thép, điện). Liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ. Cụ thể như việc cung cấp nguyên liệu, phụ tùng của các doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế, làm giảm khả năng tham gia vào chương trình nội địa hoá và xuất khẩu tại chỗ thông qua các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, tuy có cải thiện nhưng chưa đồng bộ, đặc biệt hạ tầng giao thông và nguồn năng lượng ổn định. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JBA) đánh giá, hệ thống đường xá, bến cảng, sân bay, cũng như hạ tầng công nghiệp như điện, khí đốt, nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hơn nữa hầu hết các dự án là Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là các dự án công nghiệp đặc biệt là các dự án sản xuất ô tô, đồ gia dụng,… nên gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.
Công tác xúc tiến đầu tư đã có nhiều cải tiến, được tiến hành ở nhiều ngành, nhiều cấp, ở trong nước và ở nước ngoài bằng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này chưa cao, hoạt động xúc tiến đầu tư còn dàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào đối tác chiến lược, lĩnh vực trọng điểm, chưa có sự thống nhất điều phối để đảm bảo sự tập trung thực hiện đúng mục tiêu thu hút ĐTNN trong từng thời kỳ, từng địa bàn, từng đối tác.
Công tác quản lý Nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài còn nhiều mặt yếu kém, vừa buông lỏng, vừa can thiệp sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp. Trong một thời gian dài chưa xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới là cơ sở vận động, xúc tiến đầu tư, sử lý các dự án cụ thể, việc thực thi pháp luật, chính sách chưa nghiêm, công tác quản lý còn nhiều sơ hở, vẫn còn tồn tại vấn đề chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, vi phạm quy định về lao động …
Ngành công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản. Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu, không đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất Nhật Bản. Theo JETRO, năm 2013, tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 32,2%, trong khi của Trung Quốc là 64%, Thái Lan 53% và Malaysia 42%. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam chưa đưa ra được chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể và thực sự hấp dẫn. Theo cuộc khảo sát của JETRO, số các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng khó khăn trong nội địa hóa nguyên liệu, vật tư lến đến 74,5%, đến năm 2013 con số này tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao 71%. Do dung lượng thị trường còn nhỏ bé, việc áp dụng chính sách khuyến khích ưu đãi trực tiếp cho doanh nghiệp CNHT khó thực hiện được vì vi phạm các cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vào lĩnh vực được coi là các ngành thâm dụng công nghệ và vốn này. Về thu hút đầu tư nước ngoài, các năm qua Việt Nam chỉ tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn để nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp và tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp tăng đột biến, mà hoàn toàn không quan tâm đến các doanh nghiệp FDI nhỏ. Chính vì vậy, năng lực của CNHT Việt Nam hiện tại hết sức nhỏ bé.
Vai trò hỗ trợ trung gian của các tổ chức, các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ, kể cả ở khâu hoạch định chính sách, kế hoạch đến thực thi.
Các chương trình phát triển CNHT do một số tổ chức xúc tiến đã hình thành, nhưng chưa có chương trình nào thật sự hiệu quả, hầu hết vẫn dừng lại ở các hội thảo khởi động kêu gọi sự chú ý của công luận. Doanh nghiệp, đối tượng trực tiếp của các hoạt động này vẫn chưa nhận được các hỗ trợ thích đáng cần thiết.
Năm 2011, Quyết định 1483/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển CNHT đã được ban hành, tuy nhiên các hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT gần như không có gì mới so với cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyên nhân từ phía nhà đầu tư Nhật Bản
Doanh nghiệp Nhật Bản luôn là “người đi tiên phong” trong việc đầu tư vào ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vốn đang được Chính phủ Việt Nam khuyến khích. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của Nhật Bản hiện vẫn tập trung chủ yếu vào việc khai thác nguồn lao động rẻ của Việt Nam, phát triển thị trường mới và xuất khẩu sản phẩm sang nước thứ ba… còn tốc độ chuyển giao công nghệ cũng như bí quyết quản lý còn chậm.
Theo Báo cáo của JETRO cho thấy, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở Việt Nam theo phương thức hoạt động của FDI theo chiều dọc, gắn liền với việc xuất khẩu hoặc thiết lập các cơ sở lắp ráp hay đại lý tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, một số lượng lớn các cơ sở sản xuất dưới dạng dây chuyền lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm của Nhật Bản ở Việt Nam như: dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy,...Hơn nữa, việc các công ty Nhật Bản tiến hành hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại chỗ là không đáng kể. Nguyên nhân là do mục đích của họ chủ yếu là để xây dựng và phát triển các cơ sở tận dụng yếu tố thuận lợi có lợi thế so sánh ”tĩnh” ở nước sở tại. Việc CGCN đơn giản chỉ thông qua quá trình sản xuất hàng ngày, từng bước cho các công nhân làm quen dần với các tình huống phát sinh trong quá trình sản xuất. Do đó, chuyển giao công nghệ vẫn chỉ là lời kêu gọi từ phía Chính phủ Việt Nam.
CHƢƠNG 3
MỤC TIÊU, ĐỊNH HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƢ TRỰC TIẾP CỦA NHẬT BẢN VÀO NGÀNH CÔNG NGHIỆP
VIỆT NAM