Từ thực tiễn thực hiện chính sách đối với cán bộ xã ở thành phố Hà Nội có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, Thực hiện chính sách cán bộ xã phải đặt trong tổng thể mối quan hệ chặt chẽ với các khâu khác của công tác cán bộ, phải được tiến hành đồng bộ, tích cực nhưng phải có bước đi thích hợp, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Chính
sách cán bộ dù có tác động lớn nhưng chỉ là một khâu, một mặt của công tác cán bộ, không thể tách rời các khâu khác của công tác cán bộ. Do vậy, phải đặt chính sách cán bộ xã trong tổng thể công tác cán bộ, coi đó như một động lực để tiến hành các hoạt động khác.
Hai là, phải coi trọng chính sách đãi ngộ vật chất cho cán bộ xã. C.Mác đã từng nói con người trước hết là phải ăn, sau đó mới nói đến làm triết học, chính trị, khoa học... Hay như dân gian thường có câu: “Có thực mới vực được đạo”. Thông qua việc giải quyết lợi ích vật chất và tinh thần sẽ góp phần trực tiếp tạo động lực phấn đấu cho mỗi cán bộ. Thực tế cho thấy vấn đề chính sách đãi ngộ, nhất là chính sách tiền lương, phụ cấp luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ xã, nếu chính sách này phù hợp sẽ động viên rất mạnh mẽ và lan tỏa tích cực sâu rộng đến đội ngũ cán bộ và nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các chính sách khác; ngược lại, chính sách này làm cán bộ thất vọng thì khó làm tốt các chính sách khác.
Ba là, thực hiện chính sách cán bộ xã không phải chỉ là công việc của riêng Đảng hay chính quyền, mà rất cần có sự chung tay góp sức của toàn thể hệ thống chính trị, của bản thân những người cán bộ. Cán bộ xã công tác trong các tổ chức của hệ thống chính trị chính trị xã nên trách nhiệm thực hiện chính sách cán bộ cũng là trách nhiệm của các tổ chức đó. Mặt khác, cán bộ xã gắn bó trực tiếp, thường xuyên với gia đình, họ hàng, làng xóm, cùng sống và làm ăn với dân làng, bởi vậy, phải biết tuyên truyền, động viên nhân dân trong xã ủng hộ, tham gia quá trình thực hiện chính sách đối với cán bộ xã.
Bốn là, luôn nắm bắt tình hình thực hiện các chính sách cán bộ cơ sở, kịp thời phát hiện và điều chỉnh những điểm bất hợp lý. Không thể có chính sách hoàn toàn phù hợp cho mọi trường hợp. Quá trình thực hiện chính sách phải thường xuyên phát hiện những sai sót, bất hợp lý, nhất là những vấn đề mới phát sinh do hoàn cảnh thay đổi để điều chỉnh.
Chương 3
Phương hướng và giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt chính sách cán bộ đối với cán bộ xã
ở thành phố Hà Nội giai đoạn hiện nay