Lịch sử phát triển của làng xã Việt Nam từ trước đến nay cho thấy, để quản lý làng xã, chính quyền trung ương bao giờ cũng nắm rất chắc các chức sắc chủ chốt trong xã như: Chánh lệnh trưởng, quản giáp (thời họ Khúc), xã chính (thời Trần), xã trưởng (thời Lê), lý trưởng (thời Nguyễn), xã trưởng, lý trưởng (thời Pháp thuộc) và thông qua các chức sắc chủ chốt này để thực hiện quyền quản lý, cai trị của chính quyền cấp trên đối với cấp xã. Chính quyền cấp trên có nắm và quản lý, vươn tới được cơ sở hay không phụ thuộc vào việc có nắm được các chức sắc chủ chốt của xã hay không. Cũng chính vì vậy chính quyền cấp trên thường rất quan tâm đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ đãi ngộ, thưởng, phạt đối với những người giữ các chức danh chủ chốt trong làng xã.
Ngày nay, thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong nước cũng như trên thế giới cho thấy chính sách cán bộ là một nội dung, một khâu quan trọng không thể thiếu trong công tác cán bộ, có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm các mặt của công tác cán bộ.
Đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ xã ở thành phố Hà Nội, chính sách cán bộ không chỉ có tác dụng lớn đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ xã và bản thân đội ngũ cán bộ xã mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã.
- Đối với các khâu của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ xã: chính sách cán bộ gắn liền với các khâu trong công tác cán bộ, từ tuyển dụng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, sử dụng, quản lý cán bộ xã. Chính sách cán bộ đúng vừa định hướng, vừa bảo đảm cho các khâu, các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ xã được thực hiện đúng đắn, có hiệu quả cao. Ngược lại chính sách cán bộ không hợp lý sẽ làm sai lệch, hạn chế kết quả các khâu, các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ xã. Thực tế cho thấy những xã nào thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ về quy hoạch, đào tạo, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ thì cơ sở đó đã đẩy lùi, hạn chế được các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ như việc tuỳ tiện, theo ý người đứng đầu, thiếu dân chủ, thiếu khách quan trong đánh giá, bố trí, đề bạt cán bộ, không có hiện tượng mất đoàn kết nội bộ; tư tưởng cục bộ dòng họ, bè phái, cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ, trù dập cán bộ trung thực, sử dụng cán bộ đạo đức phẩm chất, năng lực yếu kém do thân quen, nể nang, chạy chọt... ngày càng được đẩy lùi. Và chính ở cơ sở đó đã thực sự xây dựng được một đội ngũ cán bộ vững về chính
trị, sáng về đạo đức, mạnh về chuyên môn, đầy đủ năng lực và điều kiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, được nhân tin yêu, đồng tình ủng hộ
Đặc biệt, hiện nay, có chính sách sử dụng và đãi ngộ cán bộ xã tốt mới thu hút được cán bộ trẻ, có trình độ cao, năng lực công tác tốt về công tác tại xã. Tình trạng “chảy máu chất xám” hiện nay đang diễn ra ở các cơ quan, các tổ chức các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị của Thành phố có nguyên nhân từ sự bất cập của chính sách cán bộ. Nếu không có chính sách phù hợp thì khó có thể hạn chế được tình trạng cán bộ giỏi sẽ chạy sang khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế có yếu tố nước ngoài.
- Đối với đội ngũ cán bộ xã: Chính sách cán bộ là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy cán bộ xã phấn đấu vươn lên trong công tác, học tập, rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Nếu có hệ thống chính sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số cán bộ xã thì sẽ làm cho họ phấn khởi yên tâm công tác, toàn tâm, toàn ý cho công việc, từ phòng tránh tiêu cực để bảo vệ mình. Chẳng hạn, nếu có chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tốt thì sẽ có đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nếu có chính sách quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển tốt thì sẽ tạo tâm lý yên tâm công tác cho đội ngũ cán bộ; nếu có chính sách đãi ngộ tốt thì cán bộ sẽ không sách nhiễu dân, sẽ không dẫn đến tình trạng tha hóa, biến chất....
- Đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã: có chính sách tốt đối với cán bộ xã sẽ làm cho đội ngũ cán bộ xã hăng hái công tác, có đủ năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, do đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của xã. Thực tế cho thấy, ở những xã yếu kém của Thành phố Hà Nội đều có nguyên nhân cán bộ xã thiếu phấn khởi, nhiệt tình công tác, thậm chí mất đoàn kết do chính sách cán bộ bất hợp lý, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và bảo đảm lợi ích chính đáng của họ.