1.2. Tổng quan về cá chim vây vàng
1.2.3. Tình hình bệnh dịch trong nuôi cá biển nói chung và cá chim vây vàng nói riêng
Nuôi cá biển là nghề phát triển mạnh ở Việt Nam từ 30 năm nay và đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn nhưng trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu dừng lại do dịch bệnh xảy ra nhiều, nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
1.2.3.1. Bệnh do nấm, ký sinh trùng
Nấm là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh ở cá như: Bệnh nấm thủy mi – gây ra do do 4 giống nấm Leptolegnia, Aphanomyces, Saprolegnia và Achlya; Bệnh nấm mang - gây ra bởi Branchiomyces. Các loại nấm gây hại nhiều đối với nhiều loại cá nuôi giai đoạn cá con, cá thịt và trứng cá. Nấm gây bệnh trên cá làm cho cá bị ngứa ngáy, lở loét, kém ăn. Biện pháp phòng và trị hiện nay thường dùng muối ăn (NaCl) nồng độ 2 - 3%, sulfate đồng (CuSO4) nồng độ 0,5g/m3 nước để tắm cho cá nuôi.
Ký sinh trùng cũng là tác nhân gây bệnh trên cá biển nuôi. Nguyễn Thị Muội và Đỗ Thị Hòa (1978 -1980) đã phát hiện được 80 loài ký sinh trùng ký sinh trên cá biển. Nhiều loại ký sinh trùng như: ký sinh trùng đơn bào (Amyloodinium), ký sinh trùng bánh xe (Trichodiniosis), và các loại sán lá đơn chủ (Monogeneansis, Neobenedenia girellae, Benedenia epinepheli và Benedenia sp) cũng là nguyên nhân gây ra một số bệnh ở cá nuôi. Mặc dù không gây tổn thất lớn nhưng nó làm cho cá chậm lớn, giảm chất lượng thịt cá, tạo cơ hội cho vi khuẩn và virus tấn công.
Biện pháp phòng ngừa các bệnh do ký sinh trùng thường là giữ vệ sinh ao cá nhất là ao ương, cải tạo ao nuôi kỹ càng, thả cá với mật độ vừa phải và tẩy giun sán định kỳ cho cá nuôi bằng thuốc.
1.2.3.2. Bệnh do virus
Virus là tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên cá biển nuôi lồng bè. Tuy nhiên ở Việt Nam tình hình nhiễm bệnh do virus ở trên cá nuôi vẫn chưa nghiêm trọng, các tác nhân virus gây bệnh thường gặp chủ yếu ở tôm nuôi như bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng (YHV), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHHNV), hội chứng Taura (TSV)…
Ở trên cá biển nuôi, tác nhân virus gây bệnh được ghi nhận nhiều là virus gây bệnh tử hoại thần kinh (VNN). Bệnh này gây ra trên nhiều loài cá biển và phân bố rộng rãi ở nhiều vùng địa lý khác nhau (Takana và cộng sự 2003, 2004; Curtis và ctv 2001...). Bệnh này đã được phát hiện trên các loại cá mú (Epinephelus spp.) cá chẽm (Lates calcarifer) và cá bớp (Rachycentron canadum) nuôi ở Khánh Hòa, Việt Nam (Trần Vĩ Hích và cộng sự, 2008). Một số bệnh do virus cũng gây thiệt hại đáng kể cho nghề nuôi cá biển trên thế giới như virus IHN gây hoại tử cơ quan tạo máu ở cá hồi vân, iridovirus gây ra hiện tượng hoại tử mang và da ở cá tầm trắng.
Ngoài ra, một số bệnh khác do virus cũng đã được ghi nhận ở các loài cá khác như bệnh nhiễm trùng xuất huyết do vi rút do virus VHS gây nên ở cá hồi, cá trích, cá bơn; bệnh do RSIV ở cá vược, cá tráp và cá mú song.
Hiện nay chưa có biện pháp chữa trị cho bệnh bởi virus trên cá nuôi nên để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh virus thì phải đảm bảo nguồn giống sạch virus và hạn chế nhập, xuất khẩu các loại cá có nguy cơ nhiễm virus đã biết.
1.2.3.3. Bệnh do vi khuẩn
Hiện nay, bệnh do vi khuẩn gây thiệt hại rất lớn cho nghề ương nuôi cá thương phẩm. Nhiều bệnh trên cá nuôi lồng bè trên biển do vi khuẩn đã được ghi nhận như: bệnh đốm trắng ở thận trên cá giò nuôi thương phẩm, bệnh Vibriosis, bệnh mòn vây cụt đuôi và bệnh xuất huyết nhiễm trùng máu ở cá mú, cá giò, cá chẽm (Đỗ Thị Hòa và cộng sự, 2008)
Theo thống kê Ở Khánh Hòa, có khoảng 30% hộ nuôi cá biển bị chịu tác hại của bệnh do vi khuẩn. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều loài cá biển nuôi như cá mú, cá chẽm, cá hồng, đặc biệt giai đoạn cá nhỏ (5 - 20cm), cá nuôi lồng thường chịu tác hại nặng hơn giai đoạn cá lớn với tỷ lệ chết có thể đạt 50-100%, đây là bệnh không cú mựa vụ rừ ràng (Đỗ Thị Hũa, 2008).
Các vi khuẩn gây bệnh trên cá biển đã được biết như : Vibrio spp, Aeromonas spp, Flexibacter sp, Pseudomonas fluorescents, Pseudomonas putida , Photobacterium damsela, (Đỗ Thị Hòa, 2008). Trong đó, nhóm vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh đang được chú ý hơn cả vì tốc độ lây lan và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của chúng trong nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay.
Vibrio – vi khuẩn gây bệnh điển hình ở động vật thủy sản
Bệnh vibriosis là tên gọi chung cho các bệnh khác nhau ở động vật thủy sản do vi khuẩn Vibrio spp gây ra. Trong bệnh vibriosis, vi khuẩn Vibrio có thể là tác nhân sơ cấp hoặc tác nhân thứ cấp (tác nhân cơ hội, ký sinh trùng ký sinh hay các tác động môi trường như cơ học, hóa học) có thể đóng các vai trò quan trọng trong các dịch bệnh vibriosis ở động vật thủy sản (Đỗ Thị Hòa và cộng sự, 2004).
Vibrio là tác nhân gây bệnh nguy hiểm đối với động vật thủy sản. V.
anguillarum, V.salmonicida, và V.vulnificus là ba trong số những loài gây bệnh chính cho vài loài cá (Bùi Quang Tề , Phan Thị Vân và cộng sự, 1998). Số lượng chết gây ra bởi Vibrio trên cá và các loài sò hến là rất phổ biến trong giai đoạn ấu
trùng sớm và có thể xuất hiện đột ngột, đôi khi dẫn đến chết toàn bộ (Thompson và cộng sự, 2004).
Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng trên biển phát triển mạnh, bệnh vibiosis đã trở thành các bệnh thường gặp và gây nhiều tác hại cho nghề nuôi thủy sản (Đỗ Thị Hòa và cộng sự, 2004). Bệnh do Vibrio gây ra có thể quan sát được ở khắp mọi nơi có nghề nuôi động vật thủy sản nước lợ và nước mặn, sự phân bố của bệnh này rộng khắp thế giới, tập trung ở châu Á, Phi và Mỹ.
Nhiều loài cá biển có giá trị kinh tế cao đang được nuôi phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, như cá mú (Epinephelus spp.), cá chẽm (Lates calcarifer) thường bị bệnh này, đặc biệt là hình thức nuôi lồng bè trên biển (Liopo và cộng sự, 2001).
Bệnh thường thể hiện các dấu hiệu: trên thân xuất hiện các đốm đỏ nhỏ, tại đó vẩy cá bị tróc và rụng đi, sau một thời gian tạo nên các vết loét nhỏ, sâu. Giải phẫu bên trong cho thấy hiện tượng xuất huyết nội tạng, và xuất huyết trong cơ của cá. Cá bị bệnh có thể gây chết hàng loạt khi bị cấp tính, gây chết rải rác khi ở các thể thứ cấp tính (Đỗ Thị Hòa và cộng sự, 2004). Từ cá bệnh ở Việt Nam người ta đã phân lập được một số loài vi khuẩn như Vibrio parahaemolyticus, V. alginolyticus, và V.
anguillarum (Phan Thị Vân và cộng sự, 2000). Ngoài ra có những báo cáo khác về bệnh do Vibrio ở cá như vi khuẩn V. anguillarum, V. vulnificus gây bệnh nhiễm khuẩn máu ở cá trình, V. salmonicida gây bệnh ở cá vùng nước lạnh (Đỗ Thị Hòa và cộng sự, 2004).
Tình hình bệnh dịch và nguyên nhân gây bệnh ở trên các loài cá nuôi thương phẩm như cá mú, cá chẽm, cá giò đã được nhiều nghiên cứu công bố. Tuy nhiên do cá chim vây vàng mới được đưa vào nuôi thương phẩm trong thời gian gần đây nên chưa có nghiên cứu cụ thể về dịch bệnh được công bố, nhưng qua thực tiễn nuôi cá chim vây vàng ở lồng bè trên biển, chúng tôi quan sát thấy số lượng cá bị hao hụt do bệnh tật là tương đối lớn. Chúng tôi cũng đã tiến hành thu mẫu cá chim trắng vây vàng bị bệnh đem về phân lập các chủng gây bệnh, kết quả là có rất nhiều vi khuẩn thuộc Vibrio spp đã được phân lập, đây là một cơ sở để kiểm tra và xem xét các tác nhân vi khuẩn gây bệnh trên loài cá này trong tương lai. Để làm sáng tỏ vấn đề này
thì cần các nghiên cứu cụ thể để đánh giá cũng như đưa ra các biện pháp khắc phục để nghề nuôi thương phẩm cá chim vây vàng được phát triển mạnh.
1.3. Tổng quan về vi khuẩn lactic