Minh Châu trước 1975
Văn học giai đoạn 1945 - 1975 phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nó không thể không bị chi phối bởi những quy luật bất thường. Theo sát nhiệm vụ chính trị, tự ý thức mình như một vũ khí tư tưởng, văn học đã tập trung mọi cố gắng vào việc giáo dục, đào tạo, xây dựng “con người mới”. Phát hiện “con người cộng đồng” trong mỗi cá nhân. Trong đó, phát triển tập trung vào một hướng lớn và đi tới đỉnh cao của nó là quan niệm con người sử thi. Nếu như con người trong văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp thường thể hiện ý thức công dân, nhận thức chính trị một cách hồn nhiên thì trong văn học chống Mĩ, con người được nâng cao, nhấn mạnh về tầm vóc tư tưởng, về ý thức chính trị. Đó là con người có lý tưởng cao cả về độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, ý thức sâu sắc về tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc. Con người được nâng lên tầm vóc lớn trước hết là ở phương diện tư tưởng chính trị này.
Hòa chung trong bầu không khí sục sôi của chiến tranh, cũng như tất cả các nhà văn trong thời khắc lịch sử này, Nguyễn Minh Châu cũng hướng ngòi bút của mình vào cái “ta chung” của toàn cộng đồng, toàn dân tộc. Và sự thể hiện về con người qua ngòi bút của Nguyễn Minh Châu giai đoạn này cũng không tránh khỏi những quan niệm dễ dãi, đơn giản khi nhìn về con người, nhìn con người vừa theo công thức lại vừa lý tưởng hóa.
Tiến sĩ N.Nikulin – tiến sĩ văn học người Nga nhận xét nhân vật của Nguyễn Minh Châu dường như luôn được nhà văn “tắm rửa sạch sẽ”, được “bao
bọc trong một bầu không khí vô trùng”. Trong giai đoạn này, con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu hầu như chỉ mới là điểm nhìn chứ chưa phải là điểm dừng hay đích đến của sự khám phá qua ngòi bút của tác giả. Nhà văn thông qua con người để quan sát bức tranh hoành tráng của lịch sử xã hội, thông qua những đại diện của cộng đồng để khám phá vẻ đẹp, sức mạnh và số phận cộng đồng.
Nguyễn Minh Châu đã rất thành công khi xây dựng lên kiểu “con người sử thi” trong truyện ngắn của mình qua nghệ thuật biểu tượng đặc sắc, các hình ảnh biểu trưng lúc này có vai trò như là một công cụ quan trọng giúp nhà văn thể hiện và khẳng định bản lĩnh của mình. Bởi lẽ, qua các hình ảnh biểu trưng, con người trở nên đẹp đẽ, trong sáng và thánh thiện hơn, ở một tầm cao hơn có thể đại diện cho cả một cộng đồng, cả một dân tộc, đại diện cho ý chí và lòng quyết tâm giành chiến thắng trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Quan trọng là Nguyễn Minh Châu đã sử dụng các cặp hình tượng sóng đôi quấn quyện, soi chiếu, làm sáng rõ cho nhau. Nếu như người đọc có thể thán phục trước vẻ đẹp huyền diệu, bí ẩn và cuốn hút của ánh trăng (Mảnh Trăng cuối rừng), trầm trồ trước sức sống của nhành mai (Nhành mai), yêu thích cái giếng trong vắt bên đường chiến tranh (Bên đường chiến tranh) thì họ cũng có thể từ đó mà nghiêng mình trước vẻ đẹp ngời ngợi trong các nhân vật: Nguyệt, Thận, Hạnh. Bởi lẽ, trăng – chính là Nguyệt – cô thanh niên xung phong đầy dũng cảm, anh hùng, hội tụ tất cả những gì đẹp nhất, tinh khiết nhất của cuộc đời. Trăng quyến rũ từ bề ngoài đến cái vẻ huyền bí hoặc trong chiều sâu, ở cái thấp thoáng ẩn hiện nơi Trường Sơn đại ngàn thì Nguyệt đẹp từ hình dáng đến tâm hồn, từ “đôi gót chân hồng hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá…mặc chiếc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dài tết thành hai dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng lóa khoác ở cánh tay một cách nhẹ nhàng…”[30;85] đến hành động dũng cảm đưa những chuyến xe vào mặt trận và ở niềm tin mãnh liệt vào tình yêu dành cho Lãm, niềm tin vào cuộc sống tự do, hạnh phúc ngày mai, niềm tin vượt qua bom đạn, vượt qua chiến tranh gian khổ. Hình ảnh cô Nguyệt hiện lên bao trùm trong tác phẩm đi liền với hình ảnh mảnh trăng như là một đại diện tiêu biểu cho toàn thể cộng đồng dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của cuộc cách mạng vĩ đại mang tầm vóc lớn lao đối với toàn thể dân tộc. Nguyệt còn là biểu tượng của sự suy tôn cái đẹp trong những người phụ nữ, người mẹ, người vợ thời chiến, hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, để cho những chiến sĩ,
những thanh niên hay những người chồng, người đàn ông yên tâm và vững vàng tay súng giành thắng lợi trên mọi mặt trận, mọi chiến trường.
Nhành mai trong truyện ngắn cùng tên cũng vậy. Trải qua bao sự khắc nghiệt của chiến tranh, nhành mai vẫn nở. Giống như cô gái trẻ tên Thận trải qua những tháng ngày bom đạn chiến tranh với tất cả sự dũng cảm và kiên cường, bất chấp những mất mát để trụ vững tay súng và chờ đợi hạnh phúc.
Trong truyện ngắn Nguồn suối, song song với hình ảnh nguồn suối mát lành chảy mãi là vùng đất Pa – Khen anh hùng với những nhân vật như ông già Lào, Y Khiêu, Vang… là đại diện người dân thuộc mọi thế hệ ở vùng đất biên giới này luôn luôn với tinh thần quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng phục vụ cách mạng, ủng hộ cách mạng Việt Nam. Nguồn suối nối liền giữa hai nước Việt – Lào cũng là tình nghĩa anh em kết nối bền chặt giữa các nước láng giềng .
Nhìn chung, hình ảnh con người được Nguyễn Minh Châu thể hiện ở giai đoạn văn học trước 1975 là con người đại diện cho lịch sử, kết tinh cho những phẩm chất tốt đẹp và cao quý nhất của cả cộng đồng, cả dân tộc. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, nhà văn đã luôn đứng về phía những nhân vật của mình, thể hiện ở sự đồng cảm với nhân vật của mình. Bên cạnh đó, ngòi bút của nhà văn luôn hướng đến khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn, bền vững trong con người, trong thiên nhiên cùng với chất trữ tình đằm thắm. Nhà văn thông qua con người để quan sát bức tranh hoành tráng của lịch sử xã hội, thông qua những đại diện của cộng đồng để khám phá vẻ đẹp, sức mạnh và số phận cộng đồng. Các nhân vật ở giai đoạn này luôn được Nguyễn Minh Châu đặt trong mối quan hệ với hoàn cảnh lớn của lịch sử xã hội, được quan sát từ lăng kính của cộng đồng, được đánh giá bằng thước đo giá trị của cộng đồng, và được khám phá chủ yếu ở bình diện con người xã hội. Con người lúc này là con người biết xả thân vì nghĩa lớn, biết đặt cái chung của tập thể, của dân tộc lên trên cái riêng nhỏ bé của cá nhân. Chỉ như vậy mới có hình ảnh cô Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng) với quyết tâm cùng Lãm vượt qua đoạn đường đầy khó khăn để đưa cho bằng được chiếc xe chở hàng phục vụ quân đội sang bên kia sông, qua một đoạn đường vô cùng nguy hiểm, mà đáng lẽ ra cô đã xuống từ ngang quãng trạm gác bến ngầm ở ngã ba. Bên cạnh đó, hình ảnh Thận – một cô gái dũng cảm vượt qua những đau đớn, mất mát của gia đình, chứng kiến cảnh mẹ bị giết, nhà bị đốt cháy, làng xóm ly tán… nhưng với tính cách rắn rỏi, dũng cảm, vượt qua nỗi đau, Thận anh dũng chiến đấu, vì
hòa bình, vì hạnh phúc của cả dân tộc, cả đất nước. Các nhân vật như Ngạn, Y Khiêu, Vang (Nguồn suối)… cũng đều là những con người như thế.
Sau 1975, tiếp theo mạch nguồn cảm hứng sử thi của nền văn học dân tộc, các sáng tác của Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn đầu cũng thể hiện rõ khuynh hướng sử thi, con người trong thời kỳ này vẫn là con người sử thi, con người đại diện cho cộng đồng, đại diện cho dân tộc. Hạnh, Hường, An, Hưng, Nhĩ, ông Việt…trong Bên đường chiến tranh là đại diện cho tất cả những gương mặt của những chiến sĩ ngoài mặt trận, của những con người ở hậu phương, những người làm công việc tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, hay làm công việc của những bác sĩ, y tá với nhiệm vụ cứu chữa cho thương binh… Tiêu biểu hơn cả là Hạnh - một cô gái nhanh nhẹn, tháo vát, chịu nhiều bất hạnh trong gia đình. Là người chị cả, Hạnh phải cáng đáng mọi việc trong gia đình, vừa chăm sóc mẹ lại vừa nuôi dạy cả một bầy em. Đặc biệt là tình yêu của cô với An, vượt qua bom đạn, vượt qua thời gian, tình yêu ấy vẫn được cô cất giữ như một báu vật. Hình tượng “giếng đợi” như một biểu tượng xoắn kết, bổ sung cho vẻ đẹp của Hạnh. Giếng chứng kiến những mất mát, đau thương, giếng soi tấm lòng chung thủy của người con gái, giếng mát lành xoa dịu cơn khát trên đường hành quân của người chiến sĩ… Giếng ngọt và mát, trong vắt như lòng người con gái trong suốt cuộc chiến tranh… Cách thức lựa chọn biểu tượng này đã thay thế nhà văn biểu đạt cả sự ngưỡng vọng đối với một thế hệ con người trong một thời đại.