“Bên đường chiến tranh” và “giếng đợi”

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 31 - 33)

Hình ảnh “giếng nước, gốc đa” đã trở thành đề tài quen thuộc của thơ ca truyền thống Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sĩ. Là hình ảnh biểu trưng cho cộng đồng, cho quê hương Việt Nam, cho những cái “chung nhất” trong cảnh vật cũng như con người Việt Nam. Ví như câu chuyện về “Cái giếng làng” hay “Cái giếng tổng” của tác giả Đỗ Nhật Minh để nói lên tinh thần đoàn kết của xóm làng. Còn là những tình cảm thiết tha sâu lắng của người dân với Bác Hồ:

Cả làng không hẹn không mời Bước chân tụ lại một nơi – giếng đình Cúi đầu tay nắm vòng quanh

Đỏ hoe bờ giếng ân tình Bác ơi! Giếng đầy còn có khi vơi

Lòng dân nhớ Bác chẳng nguôi bao giờ”

(Giếng nước Bác Hồ - Phan Thị Thanh Nhàn) Nhà thơ Chính Hữu đã từng viết về hình ảnh giếng nước là một trong những hình ảnh biểu trưng tiêu biểu cho quê hương, đất nước để những chiến sĩ khoác súng trên vai không nguôi nhớ về quê nhà.

Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính…” (Đồng chí – Chính Hữu)

Trong tác phẩm Bên đường chiến tranh của Nguyễn Minh Châu, cũng với hình ảnh “giếng nước” nhưng bằng việc sử dụng nghệ thuật biểu tượng một cách khéo léo theo cách riêng của mình, tác giả đã đặt vào hình ảnh “giếng nước” với một nội dung hoàn toàn trái ngược, đó là việc đi vào khám phá, diễn tả cái riêng tư của cá nhân con người. Lúc này, hình ảnh giếng nước trở thành biểu tượng chứng minh cho tình yêu, sự thủy chung chờ đợi của người phụ nữ vùng núi Vô Hốt tên Hạnh. Và mỗi lần đứng bên giếng nước, mọi kỷ niệm trong quá khứ như lại trở về trong cô, khuấy động tâm hồn cô. Thể hiện niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, vào ngày mai tươi sáng hơn, sự hy vọng, chờ đợi và tin vào ngày mai của Hạnh – cái ngày mà cô sẽ được gặp lại An.

Hình ảnh giếng nước được tác giả nhắc lại tới 15 lần trải dọc suốt chiều dài của cuộc chiến tranh, chứng kiến bao mất mát, đau thương và thay đổi của cuộc sống với bom đạn. Và nhất là sự mất mát lớn lao trong mối tình của Hạnh –

người phụ nữ trẻ vùng núi Vô Hốt với An – anh chàng sĩ quan trẻ. Họ gặp nhau, yêu nhau, thổ lộ tình yêu bên bờ giếng và cũng là bên bờ giếng ấy, cô gái “tóc cột vểnh đuôi gà” đã từng khẳng định tình yêu của mình: “…nhưng đến khi có một chị xinh đẹp lại lẳng nhất trong đám bắt đầu mở cuộc tấn công thì Hạnh cứ vừa kéo nước vừa khua chiếc gầu sắt tây vào thành giếng choang choang, “Em giặt áo cho anh An nhé!” vừa thốt ra câu ấy, cô gái đã bất ngờ nhận lấy một gầu nước hất thẳng vào mặt…Hạ xong kẻ địch thủ, Hạnh ôm chiếc gầu múc nước chạy vào giữa bầy trâu đúng thủ thế…”[30;102]. Cũng từ đó, tình yêu của họ ngày càng sâu sắc và bền chặt. Hình ảnh giếng nước trở thành biểu tượng sắt son cho mối tình giữa họ, giếng nước mát lành không bao giờ vơi cạn là biểu tượng, là nhân chứng của tình yêu mà Hạnh dành cho An trong suốt cuộc đời, mà cho tới khi họ thất lạc nhau vì chiến tranh, Hạnh vẫn “cất giữ một nửa trái tim” cho An, vẫn giữ gìn kỷ vật của tình yêu giữa họ không phải cái gì khác mà chính là “cái giếng khơi mát lành” nơi góc vườn nhà Hạnh.

Hạnh luôn soi mình xuống giếng dường như mong muốn kiếm tìm hình bóng quen thuộc của An ngày nào. Hạnh đã chọn nhà ven đường để ở và luôn cất giữ một nửa trái tim cho An, Hạnh giữ gìn ngôi nhà với mong muốn An tìm đến và luôn khắc khoải trông chờ ngày hội ngộ.

Họ gặp lại nhau khi mà: “Nhìn xuống nước, An không thấy bóng mình mà chỉ thấy một mái tóc đàn bà xõa trên nền gạch. Trong bóng hoàng hôn chạng vạng An chợt trông thấy một sợi tóc bạc trên mái tóc ấy, sợi tóc bạc ấy cứ sáng lên trước mắt anh như một nét vẽ của thời gian”[30;110], họ gặp lại nhau khi mà Hạnh đã có một gia đình với những đứa con, còn An cũng đã thành đạt trong quân đội, trong những tháng ngày khắc khoải kiếm tìm, chờ đợi mong mỏi, giờ đây họ đã được gặp lại nhau, Hạnh đã nhận ra được hình dáng cũ ngày nào của An “trong một phút cứ để mặc cho tất cả nỗi xao động về mối tình đầu từ thuở còn xa lắc trong quá khứ và không bao giờ quên chiếm đoạt lấy tâm hồn mình, phủ lên người đàn ông đã già mặc bộ quân phục dã chiến đứng im lặng trước mặt một cái nhìn âu yếm…”[30;110]. Mặc cho bao khó khăn, thăng trầm của cuộc chiến tranh, Hạnh vẫn luôn dành cho An một tình yêu trong sáng, mãnh liệt không bao giờ vơi cạn như hình ảnh giếng khơi luôn ăm ắp đầy. Thứ tình yêu đó đã được tác giả thể hiện khá cụ thể và ý nghĩa qua những tưởng tượng về một đám cưới mà

Hạnh đã khát khao được cùng An thực hiện từ rất lâu, mặc dù chiến tranh đã chia cắt họ, nhưng đến hôm nay, được gặp lại nhau, tình yêu giữa họ từ bấy lâu nay chưa một lần nguội lạnh lại trở về đầy ắp hơn, bằng những mộng tưởng của mình, Hạnh khéo léo và kín đáo sắp xếp “đêm đám cưới” giữa họ: “Hôm nay là cuộc vui gặp mặt của chúng ta, anh có hiểu không, là đêm đám cưới của hai ta khi còn đầu xanh tuổi trẻ để rồi sau đó đưa nhau về sống chung dưới một mái nhà…”[30;113]. Cũng chỉ đến khi Hạnh cảm thấy mãn nguyện khi gặp lại được An, được sống trong cái đám cưới mộng tưởng đó, Hạnh mới vui vẻ và nhẹ nhàng chia tay mảnh đất vùng núi Vô Hốt này, cùng với ngôi nhà và cái giếng để trở về đoàn tụ với chồng con, với cuộc sống thực tại.

Biểu tượng “giếng khơi mát lành” thấm đẫm tính lãng mạn ấy đã chắp cánh cho cảm hứng ngợi ca khi viết về vẻ đẹp của tâm hồn giữa dòng cảm hứng đời tư - thế sự của Nguyễn Minh Châu sau 1975. Giếng nước biểu tượng cho tình yêu trong sáng của An và Hạnh, biểu tượng cho niềm tin mãnh liệt vào ngày mai, để Hạnh có đủ nghị lực cùng gia đình chèo chống và vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, còn là niềm tin và sự quyết tâm chiến thắng trở về của An. Hình ảnh “giếng khơi mát lành” đã gắn bó và đi bên cuộc đời họ, chứng kiến tình yêu của họ, vượt qua thời gian, qua ba cuộc kháng chiến đầy gian khổ để ngày hôm nay, họ lại được bên nhau, bên “giếng khơi mát lành” cùng với mối tình nồng thắm giữa họ.

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 31 - 33)