“Chiếc thuyền ngoài xa” và “chiếc thuyề nở gần”

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 39 - 55)

Sở dĩ chúng tôi nhận định rằng tác phẩm là một sự tâm đắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu là bởi lẽ nhìn từ việc nhà văn đặt tên cho cả tập truyện ngắn

sau 1975 của mình là Chiếc thuyền ngoài xa ta đã thấy được sự tâm đắc của nhà văn về tác phẩm, cũng xuất phát từ nội dung ý nghĩa của tác phẩm để từ đó chúng ta đi đến nhận định này.

Ngay từ nhan đề tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” – tên truyện xuất phát từ một hình ảnh trong truyện mang đầy ý nghĩa biểu tượng. Chiếc thuyền ngoài xa gợi ra cho chúng ta thấy được ý nghĩa về khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống. Qua cái nhìn từ một khoảng cách xa, chiếc thuyền hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng như bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp mà người phóng viên nhiếp ảnh đã chụp được. Nhưng ở bên trong con thuyền ngoài xa ấy còn chứa đựng biết bao sự thật của cái cuộc đời đa sự đa đoan, trong đó có bao nhiêu sự nhọc nhằn khổ đau của nhân sinh.

Cốt truyện Chiếc thuyền ngoài xa có hai mạch truyện lồng vào nhau. Mạch thứ nhất là chuyện về một chuyến đi “săn ảnh” của phóng viên ảnh tên Phùng. Sau một tuần lang thang với nhiều bức ảnh đã chụp được nhưng không hài lòng. Vào một buổi sáng sớm, Phùng đã tình cờ may mắn gặp được một khung cảnh tuyệt đẹp, và bức ảnh nghệ thuật anh chụp được đúng là một tặng vật quý giá hiếm hoi mà trời đất hay là số phận đã đem đến cho anh: “trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền hiện một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng sữa có pha một chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung ảnh đấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt “vào”[30;334]. Trong giây phút ấy, người nghệ sỹ được thăng hoa trong cảm xúc ngây ngất, cũng chính là niềm hạnh phúc tràn ngập tâm hồn “do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”.

Mạch truyện thứ hai xuất hiện là khi anh bất ngờ chứng kiến một cảnh hoàn toàn trái ngược cũng từ chiếc thuyền ấy: Gã đàn ông dẫn người vợ từ trên thuyền xuống, đi lên bờ và đánh đập tàn bạo chị vợ bằng chiếc thắt lưng da cũ của lính ngụy, còn người vợ thì im lặng chịu đựng, không hề chống lại cũng không van xin. Tình huống bất ngờ đầy nghịch lý còn tiếp tục diễn ra trước mắt Phùng khiến anh vô cùng kinh ngạc: Thằng Phác – đứa con trai của hai vợ chồng làng chài, để bảo vệ mẹ nó, nó đã xông lại đánh người bố, rồi tiếp là cảnh người mẹ khóc van xin đứa con. Tình tiết câu truyện liên tiếp xảy ra và hàng loạt những tình

cảnh đột ngột và liên tục. Đặt nhân vật Phùng giữa hai cảnh tượng thật trái ngược và những cảm xúc đối nghịch, nhà văn với ngụ ý đưa ra sự đối sánh giữa nghệ thuật với đời sống, và một tình tiết rất hay là nhà văn để cho nhân vật của mình vồn làm nghề thuộc nghệ thuật cảm nhận và chứng kiến về hiện thực cuộc sống, chỉ có như vậy thì sự so sánh ở đây mới hay và hết nghĩa được, và chỉ có như vậy tác giả mới có thể nói hết được những gì muốn nói, mới gửi gắm được hết những suy ngẫm, quan niệm về đời sống và nghệ thuật. Đằng sau bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp và đầy thơ mộng kia là một hiện thực trần trụi, cay đắng của cuộc đời người dân chài lam lũ, cực nhọc.

Qua câu chuyện bức ảnh nghệ thuật của phóng viên ảnh, người đọc nhận ra tư tưởng của Nguyễn Minh Châu về quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật không thể chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bên ngoài, nhất là cái vẻ đẹp tuyệt vời thơ mộng, mà còn phải thấu thị tới bề sâu của cuộc đời, mà tâm điểm chính là con người với số phận đa đoan, với mọi nhọc nhằn và cả khổ đau, không hiếm những ngang trái và bi kịch. Đến đây, gợi cho chúng tôi nhớ đến một quan niệm văn chương từng được nhà văn Nam Cao phát biểu qua suy nghĩ của nhân vật Điền trong Trăng Sáng: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng khổ đau kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”. Trong truyện của mình, Nguyễn Minh Châu không hề phủ định cái đẹp của nghệ thuật, nhưng nhà văn muốn người thưởng thức hãy nhìn sâu hơn vào những gì ở bên trong, ở phía sau của vẻ đẹp ấy. Đoạn kết truyện càng làm rõ thêm tư tưởng nói trên: “Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kỹ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”.

Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa tuy mang tính triết lý khá rõ, nhưng không chỉ đơn thuần thể hiện mối qua hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Sức hấp dẫn và cũng là điều ám ảnh người đọc ở tác phẩm còn là mối quan hoài đế xót xa, day dứt của nhà văn về những nỗi nhọc nhằn, khổ đau của con người, những nghịch lý ngang trái của cuộc đời mà ở đây là trong một gia đình dân chài ven biển miền Trung. Chiếc thuyền vó lưới hiện lên vô cùng sống động nhiều tầng ý nghĩa, nó vừa là phương tiện duy nhất kiếm sống của cả cái gia đình ngư dân đông đúc

vùng đất đầy những khó khăn ngang trái, cuộc sống lênh đênh trôi nổi trên sóng nước là hình ảnh cụ thể của những con người trong cuộc mưu sinh.

Sự xuất hiện nhiêu lần của chiếc thuyền trong thiên truyện là một biểu tượng đầy sức ám ảnh. Lần thứ nhất, hình ảnh hiện lên dưới con mắt của Phùng mang một vẻ đẹp mơ màng, huyền ảo và tuyệt đẹp, đó là hình ảnh “người ta đẩy một chiếc thuyền xuống nước” nhưng chủ yếu là hình ảnh chiếc thuyền hiện lên trong sự hối hả của công việc làm ăn trên biển. Sau đó là hình ảnh “cảnh thuyền đánh cá thu lưới vào lúc nhập nhoạng sáng”, đây là một đề tài “đã có quá nhiều người khai thác, đã từng để lại những bức ảnh thật đẹp, đầy chất thơ của những người cầm máy có tên tuổi”. còn là cảnh “vài ba chiếc mũi thuyền và một cảnh đan chéo của những tấm lưới đọng đầy những giọt nước…”, cảnh làm ăn nhộn nhịp của dân chài lưới. Ngay sau lúc đó – đây cũng là giây phút mà nhiếp ảnh Phùng thấy sung sướng và mãn nguyện vô cùng trong suốt cuộc đời cầm máy ảnh. “Một chiếc thuyền lưới vó mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban nãy đang chèo thẳng vào trước mặt tôi”, nhân vật Phùng phải thốt lên rằng: “có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho như vậy: “Trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào…trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Và ngay lúc này, anh nhiếp ảnh sau một tuần trời đi săn đã nhanh chóng chụp lại hình ảnh vừa trông thấy một cách không ngần ngại bằng một động tác bấm “liên thanh” hết tới một phần tư cuốn phim. Nhưng ngay sau đó, là hình ảnh “chiếc thuyền ở gần” cận cảnh của một gia đình ngư dân chài lưới hiện ra mồn một trước mắt khiến Phùng không khỏi ngỡ ngàng. Khác hoàn toàn với cái vẻ đẹp thơ mộng, mơ hồ và “đẹp tuyệt đỉnh” và Phùng vừa thu được vào chiếc máy ảnh của mình, hình ảnh “chiếc thuyền ở gần” hiện lên miêu tả rõ nét tỉ mỉ tới từng chi tiết về cuộc sống của một gia đình làng chài: Đó là hình ảnh người đàn ông “tấm lưng rộng và cong như một chiếc thuyền,… hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ lúc nào cũng nhìn dán vào tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng của người

đàn bà”, là hình ảnh người đàn bà với “đường nét thô kệch…”, là cảnh “Lão đàn ông lập tức trở lên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két…mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ” “người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề một tiếng kêu, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”, tiếp theo là cảnh một thằng bé lao tới giằng lấy chiếc thắt lưng, nó “dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng” của người đàn ông, hình ảnh người đàn bà van xin đứa con. Sau đó họ lại trở về chiếc thuyền như chưa hề có chuyện gì xảy ra, chiếc thuyền lưới vó lại biến mất.

Chiếc thuyền lưới vó hiện lên lúc này là một phương tiện kiếm sống và là nơi cư ngụ duy nhất của gia đình ngư dân đông con, dường như tất cả những khó khăn, cực nhọc đã ập đến cuộc sống của cái gia đình ngư dân đông con này, khiến cho cuộc sống mưu sinh của họ gặp quá nhiều sóng gió, cũng chính cái hoàn cảnh khó khăn ấy là nguyên nhân cho sự việc lão đàn ông cứ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” với vợ mình, cuộc vật lộn mưu sinh nhọc nhằn và còn luôn phải đối mặt với hiểm nguy rình rập trên biển, lâu dần đã biến người chồng của gia đình thuyền chài ấy từ một người thanh niên hiền lành thương vợ thành một kẻ vũ phu đến mức tàn bạo.

Vì sao người đàn bà trong cái gia đình làng chài đấy lại cam chịu gần như là nhẫn nhục trước những trận đòn vô lý của gã chồng? Phải chăng chị ta là một người u mê, tăm tối, một người không có ý thức về sự sống của mình. Hoàn toàn không phải vậy, do công việc làm ăn nhọc nhằn, vất vả của những ngư dân vùng biển. Cuộc sống cực nhọc, bấp bênh khiến họ phải chấp nhận cả không ít những nghịch cảnh, những ngang trái. Và sự cần thiết phải có một người đàn ông ở trên thuyền khiến cho người đàn bà cam chịu, nhẫn nhục, vì hạnh phúc của những đứa con, vì hạnh phúc gia đình.

Hình ảnh chiếc thuyền miêu tả cuộc sống khó khăn, bấp bênh còn rõ nét hơn khi nhà văn miêu tả chi tiết chiếc thuyền đặt trong khung cảnh dữ dội của một cơn biển động: “gần sáng trời trở gió đột ngột, từng mảng mây đen xếp ngổn ngang trên mặt biển đen ngòm, và biển bắt đầu gào thét, sóng bạc đầu ngoài cửa lạch nổi cồn lên, cao như ngọn núi tuyết trắng: Trong phá, các thứ tàu thuyền đều tìm vào bờ để trú, duy ở giữa phá chẳng hiểu tại sao vẫn còn thấy một chiếc

thuyền vó bè đang đậu”. Trong suốt chiều dài thiên truyện, hình ảnh chiếc thuyền hiện rõ một nét đối nghịch giữa “chiếc thuyền ngoài xa” và chiếc thuyền ở gần” - là sự đối lập giữa nghệ thuật và thực tại cuộc sống, qua đó tác giả gửi gắm tới người đọc một thông điệp, là hãy nhìn sâu, hiểu sâu sắc hơn tất cả mọi vấn đề, biết nhìn sâu vào đằng sau cái đẹp, bên trong cái đẹp của nghệ thuật là thực tại cuộc sống, phải biết đưa cuộc sống hiện thực vào bên trong nghệ thuật. Đây còn là minh chứng rõ nét cho tình yêu thương lớn lao của nhà văn đối với con người, thể hiện trong sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc.

2.2.2.3. “Cỏ lau” và “Đá vọng phu” ở vùng núi Đợi trong truyện “Cỏ lau”

Qua khảo sát truyện ngắn Cỏ lau, chúng tôi thấy hình ảnh cỏ lau được nhắc lại tới 34 lần , hình ảnh đá vọng phu lặp lại 24 lần trong tác phẩm. Xuất hiện trong hoàn cảnh qua lời kể và hồi ức của nhân vật Lực, xuất hiện với một tần xuất rất lớn như một nỗi ám ảnh trong tâm trí nhà văn, đây được coi như một biểu tượng đa nghĩa giàu sức ám ảnh nhất trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu. Cỏ lau xuất hiện nhiều lần trong truyện ngắn là biểu tượng về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, cũng là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên hoang dã. Không chỉ có vậy, cỏ lau còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sức mạnh dẻo dai, sức trỗi dậy của con người sau chiến tranh. Đồng thời, mở ra hình ảnh của một thế giới tâm linh huyền ảo.

Bên cạnh hình ảnh cỏ lau là hình ảnh đá vọng phu được nhắc lại nhiều lần (24 lần) trong đó có 16 lần nhắc đến hình ảnh đá vọng phu như một hình ảnh biểu tượng tiêu biểu nổi trội trong tác phẩm, là biểu tượng bất tử, biểu tượng của những dãy tượng đài về sự khốc liệt nhất của chiến tranh. Cũng là biểu tượng của những bi kịch không giải tỏa nổi vì chiến tranh. Đặc biệt, đá vọng phu là biểu tượng của sự chờ đợi đến hóa đá hay của lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ trong chiến tranh. Ngoài ra, còn là biểu tượng cho sự cô đơn của những con người thời hậu chiến.

Biểu tượng Cỏ lau:

Hình ảnh cỏ lau hiện lên trong hồi ức của Lực với tất cả những gì đẹp nhất, ngút ngàn nhất, thể hiện sự bất tử vô tận của cả một cánh rừng lau ngút ngàn. Rừng lau hiện lên trong ánh mặt trời xanh loáng, “hoa lau phơ phất trên nền xanh uyển chuyển của rừng lau, thân cây lau cúi rạp xuống từng đợt, ánh lá xanh loáng dưới nền mặt trời rồi trở mầu sẫm huyền bí trong vô vàn tiếng lá chạm nhau xào xạc” [30;481]. Khi thì “những dỡn sóng cỏ lau phản chiếu ánh trăng lấp lánh như những tấm lưng mềm mại của đàn cọp đang nô dỡn”[30;483]. Lúc thì “những triền lau mới nhú mang một vẻ hiu hắt, vài đọt hoa hiếm hoi điểm xuyết lên giữa hoàng hôn vùng rừng một sắc tím bâng quơ”[30;486]. Những chiếc rễ lau thì “xoắn xuýt đầy sức sống”. Hình ảnh rừng lau được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một sự ám ảnh xoáy sâu trong tâm trí nhà văn cũng như bạn đọc.

Đặc biệt là hình ảnh “cỏ lau”, 26/30 lần xuất hiện trong tác phẩm mang ý nghĩa biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tự nhiên không gì có thể tàn phá nổi. Hình ảnh rừng lau ngút ngàn, xanh mướt mặc cho bàn tay con người đào bới,

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 39 - 55)