Con người đa ngã, phức tạp, bí ẩn trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu sau

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 60 - 64)

Châu sau 1975

Sau năm 1975, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những quy luật thời bình sớm muộn sẽ chi phối văn học. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi phải nhìn nhận lại nhiều điều. Đại hội VI và VII của Đảng đều nhấn mạnh “nhân tố con người”: “tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân…xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”, “lợi ích chính đáng của quần chúng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết”, “con người vừa là động lực vừa là mục đích của cách mạng, của sự nghiệp đổi mới đất nước”, “con người là vốn quý nhất, chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta…chúng ta cần hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố con người…”.

Nguyễn Minh Châu lúc này mới có dịp để thực hiện điều tâm niệm từ lâu trong ông “Bây giờ ta phải chiến đấu cho quyền sống của dân tộc, sau này ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, làm sao cho con người ngày càng

tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới lâu dài”. Cái nhìn của Nguyễn Minh Châu về con người đã đạt tới sự nhận thức tính phức tạp, đa tầng của bản chất con người, nhưng vẫn không mất đi niềm tin và sự khao khát khám phá những vẻ đẹp sâu xa của con người. Con người lúc này trở thành đối tượng quan sát, khám phá của nhà văn, thể hiện như những nhân cách cá nhân đích thực, phức tạp, toàn vẹn, đầy bất ngờ và bí ẩn. Cuộc sống đời thường và quan niệm về một thế giới tương quan tương thông, về con người đa đoan đa sự là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi căn bản trong cách nhìn đối với con người của Nguyễn Minh Châu cũng như các nhà văn khác sau chiến tranh.

Nhìn con người trong mối quan hệ toàn vẹn, tổng thể, nhà văn Nguyễn Minh Châu ở giai đoạn văn học này đã lấy con người là đối tượng quan sát, phản ánh và là thước đo chuẩn mực giá trị cao nhất với chính con người. Điều đó đồng nghĩa với sự thừa nhận những giá trị khác nhau của con người, đánh giá con người bằng thước đo giá trị nhân bản, lúc này ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã quan tâm đến cuộc sống của những cá nhân với những thăng trầm của số phận, những diễn biến phức tạp của tính cách hay những ngóc ngách bí ẩn của tâm linh. Kết hợp một cách khéo léo với nghệ thuật biểu tượng, điều đó càng làm cho những nhân vật cũng như những số phận, cá nhân trong sáng tác của ông trong giai đoạn này tỏa sáng hơn, thể hiện rõ nét chiều sâu tâm hồn của mỗi nhân vật, cũng là sự tài tình, tài hoa trong ngòi bút Nguyễn Minh Châu.

Hình ảnh bức tranh (Bức tranh) gắn liền với nhân vật họa sĩ và cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của nhân vật này. Lựa chọn cách cho nhân vật đối diện với chính mình, nhìn thẳng vào cả những “rắn rết” lẫn “rồng phượng” trong con người, nhà văn đã đi vào khám phá chiều sâu nội tâm, chỉ ra cả hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực trong mỗi một con người. Chiếc gương – cái mặt trong truyện là biểu tượng đặc sắc giúp con người tự soi vào lòng mình, nhìn ra cả những nổi trội lẫn những khuất tối đã được che lấp.

Chuyến tàu tốc hành giống như thử nghiệm “đối chứng” về “tính chất kỳ lạ của con người”. Quỳ vừa là một người đàn bà có số phận không bình thường lại vừa mang bao nhiêu cái đa đoan của người phụ nữ. Cá tính mạnh mẽ, khát vọng tìm đến sự hoàn thiện nóng bỏng, Quỳ vừa đem lại tình yêu lại vừa là tác nhân tạo nỗi đau cho người khác. Khát vọng truy tìm “thánh nhân” này ngày càng trở nên ráo riết, khiến cho bản thân cô cũng không thể nào hiểu nổi. Và “chuyến tàu mộng du lang thang đi tìm kiếm cái chân trời của những giá trị tuyệt đối hoàn mĩ, cái điều chẳng bao giờ có” trở thành cơn khát cháy lòng của “một người đàn bà

quá ham hố”. Chuyến tàu trở thành hành trình tìm về bản ngã của Quỳ, đồng thời là “vật chứng” Nguyễn Minh Châu sử dụng để khai thác những thúc đẩy vừa mang tính bản năng vô thức, vừa mang tính lí trí cao độ của con người.

Chiếc thuyền ngoài xa là hình ảnh ẩn dụ nhằm tạo ra cái nhìn mới về cuộc sống lao động tảo tần, kham khổ của những người dân hàng chài. Chiến tranh đã đi qua, tuy nhiên, bi kịch về sự đói nghèo, bạo lực gia đình, những phi lí vẫn chưa kết thúc. Tác giả muốn đưa ra thức nhận mới, rõ hơn về người dân hàng chài với “cuộc sống cứ lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào”. Đồng thời, thông qua cách suy nghĩ, ứng xử của người đàn bà và biến chuyển của câu chuyện, Nguyễn Minh Châu buộc người đọc phải có cái nhìn tỉnh táo hơn, khách quan hơn đối với những phương diện khác nhau của con người.

Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu còn là sự chiêm nghiệm về những giới hạn trong đời người. Biểu tượng bến trong Bến quê là sự phản tỉnh cho những ai suốt cuộc đời vẫn phiêu lãng viển vông để rồi cái bến quê hương cũng không kịp đặt chân đến. Bi kịch của Nhĩ những ngày cuối đời giúp ta nhận thức rõ hơn về khát vọng không cùng cũng như những giới hạn không thể vượt qua của con người.

Sử dụng giấc mơ hóa vật trong Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu một lần nữa chạm sâu vào vùng bí ẩn thiêng liêng mà văn học trước 1975 ít chú tâm khai thác. Lão Khúng luôn là một lão nông cần cù, mộc mạc nhưng đồng thời đầy những bảo thủ thâm căn cố đế. Nỗi khổ của cuộc đời lão nông, những thất vọng chen lẫn hy vọng trong cuộc biến chuyển của thời đại, bi kịch gia đình… khiến lão Khúng vừa khát vọng được tự do song đồng thời vẫn mong được chịu sự ràng buộc. Giấc mơ biến thành con bò, được đi trong tự do đại ngàn là sự thúc đẩy biểu hiện của những ám ảnh trong tầng sâu vô thức. Giấc mơ khắc họa chân dung lão Khúng trong hình dạng kỳ quái “nửa người nửa bò”, “máu me đầm đìa”, “chính lão là con bò”. Mang thân hình nửa người nửa bò ấy lão sóng đôi cùng bí thư Bời đi đến vùng đất khai hoang của con trai lão trên cao nguyên Đắc Lắc. Giấc mơ đó như soi rọi tiềm thức sâu kín trong con người bằng những nét nhòe của ảo giác, Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra cả bản tính thiện lẫn cái hoang dã, u tối đầy bản năng của người nông dân, chỉ ra thân phận “nửa người nửa bò” nhọc nhằn tủi nhục của họ, giấc mơ được biến thành con bò, đi lại trong tự do, hay chính là biến thành con bò hoang đã luôn đeo đẳng, ám ảnh trong tiềm thức của lão cũng chính

là khát vọng tự do, ảo tưởng tự do hoang dã của chính lão, nhưng hình ảnh con bò trở về với chủ của nó thể hiện cuộc đời luẩn quẩn hay chính là những thất bại của lão, nhận thức về ảo tưởng tự do của lão Khúng, vì đó chỉ là ảo tưởng, chỉ xuất hiện trong tiềm thức của lão nên khi thức tỉnh ngộ ra điều đó khiến lão Khúng càng thêm thất vọng. Như vậy, ở truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã sử dụng yếu tố tâm linh như một biện pháp nghệ thuật để đào sâu vào tâm lý nhận vật. Nguyễn Minh Châu thông qua biểu tượng người – bò đã làm rõ nhận thức con người là một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn.

Chăm chú quan sát cuộc sống xung quanh mình, Nguyễn Minh Châu nhận thấy ngày càng có nhiều vấn đề cần phải quan tâm và nhà văn muốn “dùng ngòi bút tham gia trợ lực cho con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người”[12;244]. Thể hiện những điều quan sát ở đời thường của những người xung quanh, nhà văn muốn lưu ý mọi người về cách sống, thức tỉnh ở mỗi người nhìn lại những thói quen, những cách ứng xử với người khác và với chính mình. Điều độc đáo và sâu sắc hơn cả đó là qua các hình ảnh biểu trưng, các nhân vật của ông như gửi lại nơi người đọc những bức thông điệp về cuộc sống trên mọi phương diện, là sự nhận thức lại, những chiêm nghiệm triết lý về con người và hiện thực cuộc sống của anh Nhĩ khi sắp lìa xa cuộc đời, là sự thức tỉnh lương tâm, đối mặt với chính tội lỗi của mình đi cùng với đó là những day dứt lương tâm của anh họa sĩ, còn là hình ảnh cô y tá Quỳ luôn gắn với “cơn mộng du” trên cuộc hành trình kiếm tìm sự hoàn thiện, cũng là cuộc hành trình nhận thức về cuộc sống…

Như vậy, từ những quan niệm và hướng tìm tòi đổi mới sau năm 1975 được phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng: Nguyễn Minh Châu đã bước qua cách nhận diện con người chỉ trong mối quan hệ với cộng đồng, với giai cấp, với xã hội. Khắc phục tính phiến diện đó, nhà văn đã tìm cách phân tích các quan hệ sâu kín của những hiện tượng và tình huống cá biệt để làm bật lên cái phức hợp, phong phú và sống động của nó. Và trên hướng đó con người được soi chiếu vừa trong mối quan hệ giữa cá nhân với cách mạng, giữa cá thể với cộng đồng, vừa trong mối quan hệ với gia đình, trong tình yêu, bạn bè và trong quan hệ với xung quanh, kể cả quan hệ với kẻ thù. Trước kia, ông viết về cộng đồng, vì dường như số phận của cộng đồng chi phối triệt để số phận cá nhân, và cảm hứng nhân đạo hòa nhập, giao thoa với cảm hứng anh hùng. Đến giai đoạn này, ông tìm đến với những thực thể riêng: Khám phá con người qua tính cách, đạo đức, bằng ứng xử và hành động, ngòi bút của ông thường xuyên đi sâu vào đời sống nội tâm, tìm

được sự giao cảm với con người ở những niềm vui, những nỗi buồn, sự mất mát đau khổ…và chính những điều này đã đưa lại cho sáng tác của ông những điểm mới trong cách thức thể hiện con người.

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 60 - 64)