Sự vận động trong quan niệm về hiện thực

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 64 - 65)

Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực. Mỗi nền văn học, mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc đều có những hiện thực lớn, bao trùm, thu hút sự quan tâm của cả xã hội nói chung, của các nhà văn nói riêng.

Hiện thực bao trùm và bức xúc nhất của giai đoạn trước 1975 là hiện thực của đời sống chính trị xã hội với hai nội dung chính: Cuộc chiến tranh vệ quốc và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là mảng hiện thực tập hợp những sự kiện, những hiện tượng, những diễn biến quan trọng nhất của đời sống xã hội, thể hiện những nét bản chất nhất của thời kỳ lịch sử đó và do đó, nó trở thành đề tài trung tâm và mối quan tâm duy nhất của nền văn học ở giai đoạn này. Đây hoàn toàn là một chiều hướng đúng đắn và phù hợp đối với vận mệnh của dân tộc cũng như những ước vọng của nhân dân. Tiếp nhận những định hướng đúng đắn ấy, bằng trách nhiệm, tâm huyết và tài năng của mình, các nhà văn đã tự xác định nguồn đề tài – phạm vi hiện thực phản ánh để có thể hòa nhập vào dòng thác vĩ đại của lịch sử dân tộc. Dùng tiếng nói của mình để nói lên những vấn đề chung của toàn thể dân tộc, toàn thể nhân dân. Đề tài chiến tranh đã trở thành một mảnh đất đầy hứa hẹn để các nhà văn khám phá phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam, thể hiện nhiệt tình chân thật cũng như tình yêu sâu sắc của người cầm bút với Tổ quốc, với nhân dân.

Sau chiến tranh, cuộc sống hoà bình bắt đầu với bao vấn đề mới mẻ, bức xúc thời hậu chiến. Đời sống chính trị xã hội không còn là mối quan tâm duy nhất của con người và do đó cũng không còn là đối tượng phản ánh duy nhất của văn học. Từ việc chỉ ra “đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng”. Sự đổi mới đầu tiên bắt đầu từ việc mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh trong các tác phẩm văn chương. Từ một hiện thực chủ yếu được giới hạn trong những vấn đề cơ bản của đời sống chính trị xã hội, văn học đã tìm đến một hiện thực rộng lớn hơn của đời sống nhân sinh thế sự. Những mảng đề tài phong phú từ hiện thực chính trị đến cuộc sống đời tư, từ sinh mệnh lớn lao của cả cộng đồng đến số phận những cá nhân cùng bao vấn đề bề bộn, phức tạp của đời thường đã đem lại cho văn học sau chiến tranh một gương mặt mới mẻ, chân thực, đậm chất nhân văn và thực sự gần gũi với con người.

Chảy theo mạch nguồn vận động của nền văn học dân tộc, bằng tài năng và tâm huyết nghề nghiệp của mình, các nhà văn đã kịp thời cho ra đời những sáng tác phù hợp với thời đại, thuận theo từng giai đoạn của lịch sử, phù hợp với yêu cầu bức thiết của nền văn học nước nhà. Trong đó, nổi trội và tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Minh Châu.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, gắn bó với sự nghiệp cầm bút của một người lính, Nguyễn Minh Châu có dịp đi và tiếp xúc với thực tế sinh động của cuộc sống. Ông đã từng khoác trên vai khẩu súng, cùng đồng đội trải qua những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh, chính những lí do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngòi bút của ông gắn bó máu thịt với đề tài chiến tranh ngay từ những năm 60. Bắt đầu từ năm 1966 ông đã cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Cửa sông, ngay sau đó là một loạt những truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, ca ngợi phẩm chất của những người lính, ca ngợi lý tưởng cách mạng cao đẹp đồng thời cổ vũ, kêu gọi tinh thần kháng chiến toàn dân, toàn diện. Chúng ta có thể kể đến truyện ngắn Nguồn suối (1970), Nhành mai (1970), Mảnh trăng cuối rừng (1970)…các tác phẩm của ông ra đời trong giai đoạn này như sự hoàn thiện bức chân dung đầu tiên của một nhà văn – chiến sĩ. Các sáng tác của Nguyễn Minh Châu từ truyện ngắn tới tiểu thuyết đều hướng về Tổ quốc, hướng về nhân dân, hướng về những biến cố lớn lao của cách mạng và sức cuốn hút mãnh liệt của thời đại, của lịch sử. Nhưng đến giai đoạn sau 1975, không chỉ dừng lại ở hiện thực về chiến tranh, Nguyễn Minh Châu đã đưa người đọc đến những mảng hiện thực mới mẻ hơn về cuộc sống, số phận và nhân cách của cá nhân con người sau chiến tranh, hay những chiêm nghiệm, những đối chứng, nhận thức lại cuộc sống với bao nỗi phức tạp, khó khăn, đó là Bức tranh (1976),

Chiếc thuyền ngoài xa (1987), Bến quê (1985), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Cỏ lau (1989), Phiên chợ Giát (1989)…

Luận văn đi vào khám phá hai khía cạnh lớn trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực của Nguyễn Minh Châu ở hai giai đoạn trước và sau năm 1975, để từ đó thấy rõ được sự vận động chuyển mình trong quan niệm nghệ thuật về hiện thực của nhà văn.

Một phần của tài liệu Thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu (Trang 64 - 65)