Qua các thí nghiệm của đề tài cho thấy, cá chẽm là loài cá có sức chịu đựng cao với môi trường, sống cả ở nước mặn, lợ hay ngọt và mật độ nuôi cao. Chất lượng nước trong ao nuôi rất quan trọng liên quan đến sự bắt mồi của cá, chất lượng nước kém cá giảm ăn, thậm chí bỏ ăn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất của cá nuôi. Bên cạnh đó, nguồn cá chẽm sinh sản nhân tạo đã được tập thức ăn nhân tạo và đã được thuần hóa độ mặn phù hợp nơi nuôi là rất cần thiết. Thức ăn và lượng cho cá ăn phải đảm bảo được hàm lượng protein phù hợp cho nhu cầu sự tăng trưởng và phát triển của cá. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình.
Các kết quả thí nghiệm trên bể cho thấy cá chẽm sống tốt trong nước lợ nhạt, đặc biệt là nước ngọt. Cá có khả năng tập ăn dễ dàng và lớn nhanh khi cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm cao phù hợp với nhu cầu tăng trưởng của cá. Bên cạnh thức ăn công nghiệp thì cá tạp và ốc cũng cho kết quả khá khả quan trong nuôi cá chẽm. Vấn đề cần đặt ra là vùng nuôi có nguồn thức ăn tươi sống (cá tạp, ốc) chất lượng và phong phú hay không. Thức ăn công nghiệp dành cho cá chẽm có thể thay thế hoàn toàn thức ăn tươi sống hay thay thế 1 phần để giải quyết vấn đề nguồn thức ăn tươi sống (cá tạp, ốc) ngày càng khan hiếm, có tính mùa vụ, không ổn định và không đảm
bảo chất lượng. Khi sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá chẽm thì cá giống đã được tập thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó phải xem xét chất lượng nước ở vùng nuôi, cải thiện chất lượng nước ao nuôi. Tuy nhiên trong nuôi bán thâm canh hay thâm canh nên sử dụng thức ăn công nghiệp để hạn chế ô nhiểm nước và chủ động được nguồn thức ăn cũng như chất lượng thức ăn được đảm bảo suốt chu kỳ nuôi. Đặc biệt, kết quả thí nghiệm còn cho thấy hoàn toàn có khả năng nuôi cá chẽm bán thâm canh trong bể.
Kết quả của các thí nghiệm trên bể kết hợp các kết quả triển khai tại Hậu Giang cho thấy, cá chẽm cho tăng trưởng, năng suất và tỷ lệ sống rất tốt trong môi trường nước ngọt hoàn toàn. Ở mô hình nuôi cá chẽm kết hợp với cá rô phi trong ruộng lúa cho kết quả cũng khá khả quan về tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất. Tuy nhiên, do trong mô hình nuôi cá chẽm bị phụ thuộc khá nhiều về thời gian sinh trưởng và mùa vụ của cây lúa làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và năng suất của cá nuôi. Kết quả nghiên cứu các mô hình ở các vùng cho thấy, đối với mô hình này, cần đảm độ sâu mực nước đủ cao, hạn chế tối đa xáo trộn làm đục nước, và đặc biệt là nghiên cứu them tỷ lệ kết hợp cá chẽm và cá rô phi thích hợp cho mô hình nuôi ruộng.
Trong mô hình nuôi lồng, có nhiều trở ngại về vị trí và môi trường nước trong nuôi cá chẽm trong lồng ở Hậu Giang nên rất khó có thể phát triển mô hình này ở địa phương. Vùng sâu trong nội địa (Long Mỹ), sông rạch có nước chảy khá chậm, ít lưu thông, nhiều thực vật, và nhiều nhà máy, nên khó thích hợp cho nuôi lồng. Vùng Châu Thành mức nước sông dạo động lớn, chảy xiếc, nên cũng không tìm được vị trí thích hợp cho nuôi thực nghiệm. Nhìn chung, nuôi cá chẽm trong lồng khó khả thi ở Hậu Giang.
Trong nuôi ao, qua 2 đợt nuôi cá chẽm trong ao ở Hậu Giang cho thấy cải thiện vấn đề con giống đã tập thức ăn công nghiệp và sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng protein cao, dồng thời chăm sóc, quản lý nước thỏa đáng và kịp thời (bón vôi,...) đã nâng cao tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất của mô hình nuôi và hoàn toàn có thể phát triển tốt mô hình này ở địa phương, cần tiếp tục cải tiến phương pháp quản lý chăm sóc để nâng cao hơn năng suất và hiệu quả.
Hậu Giang có tiềm năng diện tích rất lớn cho nuôi cá chẽm, với mô hình nuôi cá chẽm trong ao cần được chú ý phát triển ở qui mô gia đình hay công ty, cho xuất khẩu. Việc đa dạng hóa đối tượng nuôi và mô hình nuôi và sản
phẩm xuất khẩu, trong đó có cá chẽm là rất cần thiết hiện nay, góp phần phát triển nuôi thủy sản bền vững ở Hậu Giang