doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng sử dụng hóa đơn điện tử
Việc kê khai thuế qua mạng không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, giảm chi phí, thời gian và nhân lực còn giúp cơ quan thuế giảm thời gian tiếp nhận tờ khai, xử lý tờ khai nhanh hơn, chính xác hơn, giảm chi phí, nhân lực lưu trữ, tra cứu tờ khai. Chính vì vậy, từ tháng 8/2009, Tổng cục Thuế đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng đối với người nộp thuế tại 4 địa bàn: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu cho các tờ khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thu nhập cá nhân, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài. Và đã được các doanh nghiệp đánh giá tốt, thu được những kết quả khả quan.
Trong năm 2010, Bộ tài chính quyết định mở rộng việc kê khai thuế qua mạng, thực hiện quyết định 2441/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tiếp tục triển khai mở rộng việc kê khai thuế qua mạng tại 19 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Cần Thơ, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hóa, Lào Cai. Đến cuối năm 2010, 8.100 người nộp thuế tại 19 tỉnh, thành phố đã thực hiện kê khai thuế qua mạng và tổng số tờ khai điện tử đã nhập vào hệ thống quản lý thuế là 125.000 tờ. Đến 31/3/2011, hệ thống kê khai thuế qua mạng đã được triển khai cho gần 10.000 người nộp thuế với tổng số tờ khai đã nhập vào hệ thống quản lý thuế 174.569 tờ khai.
Việc Nghị định 51/2010/NĐ-CP của chính phủ công nhận hình thức hóa đơn điện tử trong giao dịch và thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đã tạo một bước tiến lớn về mặt pháp lý giúp việc sử dụng hóa đơn điện tử có cơ sở để ứng dụng rộng rãi, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử. Tuy nhiên, trong thực tế số lượng doanh nghiệp nước ta sử dụng hình thức hóa đơn tiên tiến này còn rất ít, trong khi lợi ích của nó lại có thể thấy một cách rõ ràng như: doanh nghiệp chủ động trong giao dịch với đối tác, với cơ quan thuế, giảm được chi phí in ấn, thời gian đi lại và các phiền hà khác trong giao dịch, công tác lưu trữ cũng đảm bảo hơn… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các DN lo lắng việc bị làm giả bút ký (chữ ký số) khiến cho file hóa đơn điện tử bị làm giả. Hiện nay, số doanh nghiệp đã thực
hiện kê khai thuế qua mạng là những đối tượng đã có chữ ký số do nhà cung ứng dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp, là những đối tượng đã có những điều kiện ban đầu cần thiết trong việc khởi tạo hóa đơn điện tử. Nhưng chính lo ngoại trên mà trong số những doanh nghiệp trên, hầu như chưa có đơn vị nào triển khai hình thức hóa đơn này.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống kê khai thuế qua mạng, Tổng cục thuế cần có những chính sách tác động vào những đối tượng trên nhằm khuyến khích họ sừ dụng hình thức hóa đơn điện tử trong giao dịch. Mà mấu chốt của vấn đề là phải tháo gỡ được lo ngại trên của DN, để làm được điều này, trước hết Tổng cục thuế cần ban hành những văn bản quy định rõ trách nhiệm sử dụng bảo quản chữ ký số, chứng thư số; trách nhiệm của các bên khi chữ ký số bị làm giả; ban hành qui định, qui trình thủ tục cấp chứng thư số thống nhất để quản lý và sử dụng chứng thư số đảm bảo an toàn bảo mật thông tin; yêu cầu đơn vị cung cấp chứng thư số phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mạng lưới đại lý cung cấp thiết bị nhất định. Những điều này sẽ khiến các doanh nghiệp cảm thấy rủi ro trong việc sử dụng chữ ký số để khởi tạo hóa đơn điện tử được san sẻ, tháo gỡ được rào cản tâm lý giúp họ mạnh dạn sử dụng hình thức hóa đơn này. Bởi suy cho cùng, chữ ký số hay chữ ký trên giấy, hóa đơn điện tử hay hóa đơn giấy, tất cả đều chứa đựng khả năng bị làm giả, vấn đề là doanh nghiệp, các cơ quan chức năng có sẵn sàng đối mặt với những thách thức để tiến những bước tiến xa hơn hay không.