phát hành hóa đơn
Theo tinh thần của Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh tự chịu trách nhiệm trong vấn đề tạo và phát hành và sử dụng hóa đơn. Cơ quan thuế chỉ đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra thực hiện. Trong cơ chế mới này, các thành phần kinh tế trong xã hội tự xác định, lựa chọn hình thức hóa đơn sử dụng, chủ động khởi tạo hóa đơn với số lượng không hạn chế, tùy theo nhu cầu của DN. Cơ quan thuế chỉ quản lý các loại thông báo, báo cáo của DN và lấy công tác “hậu kiểm” làm trọng tâm. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Luật quản lý thuế hiện nay.
Tuy nhiên, với cơ chế thông thoáng như vậy cũng khiến cơ quan thuế đối mặt với một vấn đề nan giải chính là làm thế nào để ngăn chặn việc các DN “ma” được thành lập tự khởi tạo hóa đơn nhằm thu lợi bất chính gây nguy hại nền kinh tế, nhất là đối với các DN làm ăn nghiêm túc, đây cũng chính là vấn đề mà các DN đang hết sức quan tâm.
Theo quy định tại Nghị định 51/CP, DN sử dụng hóa đơn chỉ phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế theo định kỳ hằng quý (không phải hằng tháng như trước đây), tức là DN có lập thông báo phát hành hóa đơn thì phải 3 tháng sau mới phải báo cáo cơ quan thuế về tình hình sử dụng hóa đơn của mình. Như vậy, ít nhất là sau 3 tháng kể từ khi phát hành hóa đơn, nếu cơ quan thuế nhận thấy báo cáo đó không hợp lý, nghi ngờ gian lận thì mới thực hiện việc kiểm soát sử dụng hóa đơn của DN. Nói cách khác, nếu một DN thành lập trong vòng 2 - 3 tháng rồi tự động giải thể sau khi đã “đánh quả” thì cơ quan thuế đành bất lực, chỉ những DN nghiêm chỉnh dính phải loại hóa đơn này là đành chấp nhận ngậm “quả đắng”. Trong cơ chế quản lý cũ, vấn đề thành lập DN “ma” để mua bán hóa đơn của Bộ Tài Chính đã là vấn đề bức xúc, làm đau
đầu các nhà quản lý. Hiện nay, với cơ chế này, nan đề DN “ma” sẽ biến ảo sang một dạng “bình cũ rượu mới”, không phải “mua bán” hóa đơn nữa mà là “tự sản xuất” hóa đơn. Như vậy, tầm nghiêm trọng của vấn đề sẽ tăng lên rất nhiều.
Thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn theo nghị định 51/2010/NĐ-CP, các DN được Nhà nước nhấn mạnh là phải “tự bảo vệ chính mình”. Tuy nhiên, đối với từng DN đơn lẻ, những biện pháp tự bảo vệ có thể thực hiện được là rất hạn chế và yêu cầu đặt ra ở đây là cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp để hỗ trợ DN tự bảo vệ chính mình.
Đối mặt với vấn đề DN “ma”, từ phía các DN điều quan trọng là cần có sự kiểm tra, xác minh cẩn thận đối với những đối tác mà đơn vị mình chuẩn bị tiến hành giao dịch (nhất là đối với những đối tác mới tiến hành giao dịch lần đầu). Từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần hỗ trợ DN những công cụ để họ thuận lợi trong việc xác minh đối tác của minh. Ở đây, Tôi xin để xuất việc xây dựng “bản đồ kinh doanh trực tuyến”.
Bản đồ trực tuyến không phải là vấn đề xa lạ đối với những người sử dụng internet, hiện nay có rất nhiều loại bản đồ online như: bản đồ xe bus, bản đồ các tuyến đường bộ… Các loại bản đồ này có một số loại ở chế độ mở để người xem có thể bổ sung thêm vị trí, địa điểm mà mình biết vào bản đồ. Tuy nhiên, loại bản đồ mà tôi muốn đề cập đến ở đây là bản đồ các đối tượng sản xuất kinh doanh do cơ quan Nhà nước xây dựng, quản lý.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị chủ trì, giao cho Sở kế hoạch đầu tư ở mỗi tỉnh, thành phố thực hiện, cùng phối hợp với cơ quan thuế và ủy ban nhân dân các cấp ở mỗi địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ tự xây dựng một bản đồ kinh doanh, trên bản đồ sẽ là vị trí của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, khi click vào vị trí đó, thông tin về đăng ký kinh doanh của đơn vị sẽ hiện lên: ngày thành lập, ngành nghề đăng ký kinh doanh… Tất nhiên, việc xây dựng bản đồ sẽ không có ý nghĩa nếu như không có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên từ phía cơ quan chức năng. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch “hậu kiểm” đối với các đơn vị được cấp đăng ký kinh doanh, Sở kế hoạch đầu tư cần phối hợp với cơ quan thuế, ủy ban nhân dân các cấp, thông báo về số lượng đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, giao cho ủy ban nhân dân các cấp phối hợp theo dõi. Việc theo dõi phải phân cấp đến từng quận, huyện, xã, phường, tổ dân phố, khi có sự thay đổi nào về các đối tượng sản xuất kinh doanh trong khu vực được phân cấp quản lý như: có đối tượng kinh doanh nào mới hoạt động, ngừng hoạt động, bỏ trốn, hay có biểu hiện bất thường khác…cấp dưới cần thông báo
ngay với cấp trên để kịp thời tiến hành kiểm tra xác minh đồng thời cập nhật ngay thông tin lên bản đồ kinh doanh.
Từ bản đồ kinh doanh mà mỗi tỉnh, thành phố thành lập, Bộ kế hoạch và đầu tư xây dựng nên bản đồ kinh doanh trực tuyến cấp quốc gia. Có bản đồ này, các DN sẽ có một công cụ hữu hiệu để xác minh đối tác của minh: tìm kiếm DN trên bản đồ, click vào vị trí được tìm thấy, thông tin về đối tác sẽ hiện lên (ngành nghề kinh doanh, thời gian đã hoạt động, tình trạng hoạt động, thậm chí có thể là ảnh scan của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đó…) giúp DN xác nhận được tính chân thực, độ tin cậy của đối tác giao dịch. Điều quan trọng ở đây là mọi thông tin được cơ quan Nhà nước cập nhật thường xuyên, kịp thời, khiến cho các DN an tâm hơn.
Bên cạnh vấn đề DN “ma” đã nêu ở trên, trong thời gian qua, những vấn đề liên quan đến các nhà in cũng cần được quan tâm, đó là:
- Thứ nhất, hiện tượng quá tải: nguyên nhân của tình trạng này một mặt là do thời gian triển khai gấp rút, số lượng DN cần đặt in nhiều trong khi số lượng nhà in còn hạn chế, mặt khác do các DN ở các tỉnh lẻ lo lắng chất lượng nhà in ở đây không đáng tin cậy nên đổ xô về các thành phố lớn, khiến cho các nhà in ở đây đã không đủ đáp ứng nhu cầu của các DN trong địa bàn lại phải chịu thêm áp lực từ số lượng DN từ nơi khác.
- Thứ hai, chất lượng nhà in: trong thời gian qua, những DN in thấy đơn vị mình đủ khả năng in hóa đơn đều có thể đăng ký với cơ quan thuế để cơ quan thuế niêm yết thông báo đến các DN. Chính vì vây, chất lượng của các nhà in không được kiểm soát. Bên cạnh đó, có những DN in đủ điều kiện in hóa đơn đảm bảo chất lượng nhưng do đặt tại các tỉnh lẻ nên mặc dù đã đăng ký với cơ quan thuế để thông báo đến các DN về việc nhận in hóa đơn nhưng một số DN lại thờ ơ vì cho rằng những nhà in ở tỉnh lẻ thì chất lượng in hóa đơn sẽ không đảm bảo và đổ xô về các thành phố lớn.
Trước thực trạng đó, thời gian tới Tổng cục Thuế cần phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư chỉ đạo Cơ quan thuế và sở kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra chất lượng tại các nhà in trên địa bàn, cấp giấy chứng nhận cho những đơn vị đạt tiêu chuẩn in hóa đơn và thông báo đến các DN. Tiêu chuẩn để đánh giá các nhà in không chỉ là tiêu chuẩn về quy trình công nghệ, máy móc thiết bị mà còn cần đưa ra những tiêu chuẩn về quản lý như: việc xây dựng các quy trình bảo mật thông tin; quy trình in; quy trình hủy hóa đơn in lỗi, in hỏng, tránh không để xảy ra hiện tượng hóa đơn của doanh nghiệp lọt ra bên
ngoài… Có như vậy, độ an toàn của các hóa đơn DN đặt in mới được đảm bảo, DN an tâm hơn khi đặt in hóa đơn và những bất cập trên mới được giải quyết.