- Giặc sớm yên là có “âm phù thần trợ”.
2.2.3. Không gian, thời gian và địa điểm tổ chức
Hai lễ hội cướp phết đều diễn ra trong không gian của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Đó là làng Hiền Quan, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và làng Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Chính không gian chung là nằm trong vùng làng quê Bắc Bộ, cụ thể là không gian làng, nơi tụ cư, sáng tạo và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt cổ đã làm nên những nét tương đồng cho hai lễ hội này. Đó là tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng làng, những người đã có công đánh giặc giữ làng mang
lại cuộc sống bình an cho dân làng. Đó là tục mở hội ở các đình làng (đình Đông Lai – hội cướp phết Bàn Giản; đình, đền Hiền Quan - lễ hội cướp phết Hiền Quan) là sự thể hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, là tinh thần đoàn kết cộng đồng trong ngày hội.
Thời gian mở hội của hai lễ hội cướp phết Hiền Quan và Bàn Giản cũng mang những nét tương đồng, đều diễn ra trong tiết trời đầu xuân (lễ hội cướp phết Hiền Quan tổ chức vào ngày 12 – 13 tháng Giêng âm lịch, lễ hội cướp phết Bàn Giản tổ chức vào ngày 6 – 7 tháng Giêng) với mục đích cầu cho một năm mới may mắn, tốt lành. Lịch lễ hội cổ truyền của người Việt dựa vào đặc điểm khí hậu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng bằng Bắc Bộ là vùng thể hiện tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa rõ rệt nhất của thiên nhiên Việt Nam với bốn mùa khí hậu rõ rệt xuân, hạ, thu, đông. Toàn bộ đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân nơi đây chịu sự chi phối mạnh mẽ của khí hậu và tính chất mùa vụ của nông nghiệp. Thời gian tổ chức lễ hội là vào dịp đầu xuân là thời gian chuẩn bị vào mùa gieo cấy, người nông dân vừa nhằm dịp nông nhàn thuận theo thời tiết đẹp đầu xuân thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình (cầu mùa, cầu may và tạ ơn) cũng chính vì vậy mà từ xưa dân gian đã có câu ca dao:
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà”.