a) Các chuẩn mực, các nguyên tắc kế toán.
Kế toán là một bộ phận quan trọng trong Doanh nghiệp. Kế toán là cầu nối giữa người ra quyết định với các hoạt động kinh tế và với các kết quả của các quyết định của họ. Hay nói cách khác, Kế toán nhận diện các hoạt động kinh tế phát sinh, phản ánh toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế và truyền tải thông tin đến người sử dụng thông tin. Đối tượng sử dụng thông tin kế toán không chỉ có các đối tượng bên trong là những nhà quản lý, các nhà marketing mà còn có cả các đối tượng bên ngoài quan trọng như các nhà đầu tư, các chủ nợ, cơ quan thuế, cơ quan nhà nước khác có liên quan. Vì vậy để thông tin kế toán dễ hiểu, dễ quản lý và đảm bảo tính thống nhất và minh bạch giữa các Doanh nghiệp, Bộ Tài Chính đã ra quy định rất rõ ràng, chặt chẽ việc ghi nhận các nghiệp vụ kế toán phát sinh thông qua các chuẩn mực kế toán. Vì vậy, tất cả các Doanh nghiệp phải tuân theo khuôn mẫu, chuẩn mực chung đó để thực hiện. Một số chuẩn mực quy định liên quan tới kế toán doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh như:
Tại chuẩn mực số 14- Doanh thu và thu nhập khác có quy định cụ thể điều kiện ghi nhận đối với từng loại doanh thu cụ thể, cách xác định doanh thu và từng loại doanh thu bao gồm những nội dung gì (Chương 1 của luận văn cũng được trình bày theo vào các quy định tại chuẩn mực này)
Tại chuẩn mực số 02 – Hàng tồn kho nói rất rõ các chi phí nào được tính vào giá vốn hàng bán, chi phí nào tính vào giá trị tài sản, và cách tính các giá vốn hàng bán…
Hay tại chuẩn mực số 16 – Chi phí lãi vay cũng quy định rõ chi phí đi vay là các chi phí gì, chi phí nào được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí đủ các điều kiện gì thì được vốn hóa…
b) Đặc thù kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chuẩn mực kế toán quy định chung cho tất cả các Doanh nghiệp. Nhưng trong quá trình thực hiện, tùy vào loại hình kinh doanh mà các Doanh nghiệp vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của Doanh nghiệp mình. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đúng theo quy định chung.
Ví dụ cụ thể tại Công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ “Đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, sử dụng hạ tầng của đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật truyền hình trả tiền để truyền tải nguyên vẹn nội dung chương trình, kênh chương trình được cung cấp bởi đơn vị cung cấp nội dung đến thuê bao truyền hình trả tiền”. Như vậy, theo quyết định này đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chỉ đơn thuần là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình nên nguồn thu chủ yếu là từ các thuê bao từ các dịch vụ truyền hình như truyền hình cáp, truyền hình độ nét cao…nên doanh thu chỉ được ghi nhận sau khi đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Khách hàng của loại hình doanh nghiệp này rất lớn chủ yếu là các hộ gia đình ở nhiều khu vực khác nhau. Do vậy để dễ dàng thu tiền thuê bao hàng tháng thì doanh nghiệp sử dụng một đội ngũ các thu ngân tại các địa bàn đó. Và doanh thu, các khoản phải thu cước thuê bao hàng tháng sẽ được ghi nhận theo từng thu ngân chứ không theo dõi theo từng khách hàng cụ thể.