Hiện nay các NHTM Việt Nam vẫn đang sử dụng lãi suất là hình thức cạnh tranh chủ yếu trong hoạt động huy động vốn chứ không phải cạnh tranh giành ưu thế với khách hàng bằng chính chất lượng hoạt động của Ngân hàng. Điều này xuất phát từ sự phân biệt đối xử giữa các Ngân hàng trong nước với các Ngân hàng nước ngoài, giữa các NHTM quốc doanh với các NHTM ngoài quốc doanh. Các NHTM quốc doanh đang chiếm ưu thế hơn hẳn so với các NHTM cổ phần và các NHTM nước ngoài vì thế các Ngân hàng này phải sử dụng lãi suất như là một công cụ chủ yếu để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của hội nhập Việt Nam phải chấp nhận sự gia tăng nhanh chóng của các NHTM nước ngoài có kinh nghiệm, có điều kiện tài chính, hiểu biết rõ pháp luật Việt Nam, cũng như sự lớn mạnh về cả số lượng lẫn quy mô của các NHTM cổ phần, các NHTM tư nhân. Việt Nam cũng sẽ phải bắt buộc thực hiện chính sách không phân biệt đối xử giữa các Ngân hàng trong nước và ngoài nước, giữa các NHTM quốc doanh và ngoài quốc doanh. Thực tế đó dẫn đến cạnh tranh trong lĩnh vực Ngân hàng càng trở nên quyết liệt hơn trong cuộc đua đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.
Hoạt động Ngân hàng được xem là một lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm trong nền kinh tế, vì vậy Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về cạnh tranh trong hoạt động này. Cần phải tạo ra quy định pháp lý hết sức chặt chẽ và hiện đại để điều chỉnh các hành vi cạnh tranh đa dạng và liên tục thay đổi nhằm duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các NHTM.
Hiện tại, Luật cạnh tranh là khuôn khổ pháp lý cao nhất điều chỉnh về cạnh tranh thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong luật này còn một số vấn đề về cạnh tranh trong lĩnh vực Ngân hàng cần được xem xét lại. Đơn cử như tại Điều 11 Luật cạnh tranh quy định về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dựa trên cách tính về thị phần trên thị trường liên quan. Chính phủ cần xem xét lại nội dung này vì với một lĩnh vực hết sức nhạy cảm như Ngân hàng và hiện nay với vai trò chủ đạo thuộc về các NHTM Nhà nước, việc tính toán như vậy có thể chưa hợp lý. Cũng cần xem xét vấn đề tập trung kinh tế trong lĩnh vực Ngân hàng, vì thực sự làn sóng này sẽ xảy ra rất mạnh mẽ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Các
Ngân hàng nhỏ bắt buộc phải nghĩ đến việc sáp nhập, hợp nhất hoặc tìm kiếm đối tác để liên doanh nếu muốn tồn tại và phát triển.
Nhận thức được vấn đề cạnh tranh đã trở nên cấp bách, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thực thi Luật cạnh tranh, theo đó có nhiều quy định về cạnh tranh liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng. Tuy nhiên, những quy định này chỉ mang tính chung chung, chưa bao quát được hết những nét đặc thù trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết hơn các quy định về cạnh tranh đã được quy định trong Luật cạnh tranh trong lĩnh vực Ngân hàng.
Thực hiện những điều trên sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực Ngân hàng, từ đó thúc đẩy các NHTM cạnh tranh ngày càng lành mạnh, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh Ngân hàng nói chung và nâng cao hiệu quả huy động vốn nói riêng.