2.4.1. Islam giáo trong nền văn học
Nền văn học là yếu tố tạo nên văn hóa của một quốc gia, văn học là tấm gương phản ánh xã hội. Nền văn học cổ xưa của Indonesia là một nền văn học dân gian truyền miệng. Trong buổi đầu xuất hiện, nó mang màu sắc nguyên sơ của cộng đồng làm nông nghiệp, trồng trọt, săn bắn, đánh cá. Quá trình phát triển của loại hình văn học này là quá trình gắn kết với những tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng đa thần giáo, vạn vật hữu linh và tục thờ cúng tổ tiên. Do đó, nội dung của những tác phẩm dân gian luôn mang đậm màu sắc tôn giáo với nhiều thể loại như truyện cổ tích, truyện dân gian, thần thoại, những câu chuyện gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân. Nền văn học này được duy trì và phát triển liên tục trong đời sống văn hóa của người Indonesia trong suốt buổi đầu hình thành. Khi nền văn học này mới chuyển sang nền văn học thành văn và chưa kịp phát triển thì đạo Islam đã mang đến một nền văn chương lấy đề tài tôn giáo làm cơ sở. Vào thế kỷ VII – XIII, khi nhà nước Srivitgiai nổi lên, thịnh vượng và trở thành một nhà nước ở vùng Đông Nam Á, nền văn học Indonesia trong giai đoạn này chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Bước sang thế kỷ XIV, đạo Islam bắt đầu lan tràn vào Indonesia. Văn học Arập, Ba Tư thay thế văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng tới văn hóa Indonesia. Vào thời gian này, đạo Islam đã trở thành nguồn đề tài vô tận cho các truyện sử
Indonesia, các nhân vật anh hùng Islam đã xuất hiện trong các tác phẩm văn học, đặc biệt trong các truyện ngắn, tiểu thuyết phản ánh các quan điểm và triết lý thần học Islam. Như vậy, sau khi Islam vào, văn hóa và xã hội của quần đảo Indonesia đã vượt qua ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, đến với nền văn hóa Trung Đông và sau đó đến với nền văn hóa phương Tây. Những vấn đề trên được thể hiện trong các tác phẩm như: Truyện về Iskanđa Đvurôgi (Hikayat Iskandar Zulkarhain), Truyện về Ami Hăzăc (Hikayat Ami Hamzah), truyện về Bacstia (Hikayat Bahtiar), truyện về Muhamét Ali Hanaphi (Hikayat Muhamat Ali Hanafi), truyện về Nu Muhamat (Hikayat Nur Muhamad), truyện về Nabi Betruku (Hikayat Nabi Becukur) và truyện về Nabi Baphat (Hikayat Nabi Wajat)… Những tác phẩm này đều mang tính tư tưởng của Islam giáo, tuyên truyền Islam giáo, đề cao những nhân vật Islam giáo. Nhân vật chính của những tác phẩm này, qua tên gọi của các tác phẩm phần nào đã phản ánh được nội dung, cốt truyện. Đó là cuộc sống của các thiên thần Mohammed thực hiện ý trời Allah.
Ở đây đạo Islam đã trở nên dân chủ hơn, nếu so với sự phân chia bình đẳng cấp, ngôi thứ của Ấn Độ giáo. Islam giáo tuyên bố sự bình đẳng, ngang bằng trước trời, do đó nó đáp ứng được những khát vọng của quần chúng nhân dân về sự bình đẳng, điều chính đáng. Chính vì vậy, Islam giáo đã góp phần to lớn trong đoàn kết các dân tộc chống lại sự xâm lăng của người châu Âu, chống lại những cái bất chính. Văn học Islam giáo lúc bấy giờ là động lực lớn, là tinh thần củng cố lòng yêu nước, đề cao quyền công dân, chính nghĩa; là “liều thuốc tiên” giúp cho các chiến sĩ yêu nước có đủ can đảm, sức mạnh sẵn sàng xả thân chiến đấu chống lại thực dân phương Tây xâm lược. Đặc biệt khi thực dân Hà Lan xâm chiếm Indonesia làm thuộc địa thì dưới sự che chở của đức thánh, nhân dân Indonesia đã mạnh dạn đứng dậy chống lại chính quyền thực dân Hà Lan, trong thời kỳ này nhiều tác phẩm nói lên tinh thần yêu nước của nhân dân Indonesia cũng như các tín đồ Islam giáo đã ra đời. Môtíp giải phóng, đấu tranh cách mạng là đề tài lớn, chủ yếu của truyện ngắn Indonesia. Câu chuyện về người anh hùng ngã xuống hy sinh bất khuất để giành độc lập cho Indonesia trong truyện ngắn “Nụ cười” của Nugrôkhô Nôtôsusantô vẫn đọng lại trong tim người đọc cảm hứng cách mạng lạc quan, phấn khởi và tin tưởng. Tác giả mô tả chiến tranh song ở đây không có tâm trạng chết chóc, thê thảm mà chỉ thấy không khí chiến đấu với nụ cười nhìn thẳng vào hiện tại vào tương lai cuộc sống. Hình ảnh cái chết của người chiến sĩ chiến đấu cho độc lập là hình ảnh đẹp đẽ, lộng lẫy, tự nhiên. Anh mỉm cười trong cái chết bình thản như người đang ngủ say sưa với giấc mơ tương lai: độc lập, tự do của Indonesia. Vì thế người chiến sĩ chết với nụ cười trên môi cứ còn mãi mãi với thời gian: “Nụ cười của thời gian, tràn đầy hy vọng” – đó là câu kết thúc của truyện ngắn mang âm điệu hùng hồn, thiết tha của bài ca chiến thắng. Đề tài chiến tranh yêu nước còn thu hút sự chú ý của nhiều cây bút viết truyện ngắn khác như P.Tur, Nugrôkhô, Trisnôivônô, Nasa Giamin… Phần lớn những cây bút này đều tập trung viết những tác phẩm phản ánh tinh thần hy sinh anh dũng, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của những người chiến sĩ cầm súng chiến đấu cho nền độc lập của Indonesia. Bên cạnh những tác phẩm viết về đề tài yêu nước các
cây bút Indonesia còn chú ý đến những vấn đề khác trong xã hội lúc bấy giờ, trong đó vào thời kỳ này một tác phẩm văn xuôi nổi tiếng được giới nghiên cứu – phê bình Indonesia xếp vào hàng “những đỉnh cao” trong văn xuôi Indonesia hiện đại. Đó là tác phẩm “vô thần” của Ahđiat, cơ sở của cốt truyện của tác phẩm là cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội của nhân vật Khasan, tín đồ Islam giáo. Dưới ảnh hưởng của bạn bè, có người theo chủ nghĩa Mac và có người theo chủ nghĩa vô chính phủ, cuối cùng Khasan từ bỏ tôn giáo mình. Những trang của tác phẩm là một bức tranh mô tả sức mạnh khủng khiếp của tôn giáo, tôn giáo làm người khiếp nhược, sợ hãi, làm mất ý chí và lý trí của con người.
Những năm sau khi Indonesia giành được độc lập, nền văn học Indonesia càng phát triển rực rỡ và phong phú hơn. Nhưng những tập tục, truyền thống Islam vẫn được phản ánh rộng rãi trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là truyện ngắn và tiểu thuyết. Những câu chuyện viết về đề tài tôn giáo tiếp tục được viết dưới thể loại văn xuôi. Trong đó có các tác phẩm “Đe dọa” của H.G.Ugati, “Má thiêng” của Kuburan Keramet, “Tội lỗi của loài người” của M.Lubis, “Đêm tang lễ” của B.Rasuanto, “Cuộc hành hương” của I.Simatupang. Trải qua thời gian, nền văn học Indonesia đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng phức tạp, nhiều quan điểm về lối sống, đạo đức truyền thống được đưa ra bàn cãi song những giá trị đạo đức Islam vẫn luôn là kim chỉ nam, là đề tài cho các nhà văn, nhà thơ khai thác và ca ngợi.